NSND THANH NGOAN:

Tôi không bi quan, nhưng cũng không lạc quan

Là Giám đốc của Nhà hát (NH) Chèo Việt Nam, NSND Thanh Ngoan (ảnh nhỏ) đau đáu câu chuyện giữ gìn, phát triển nghệ thuật truyền thống. Trên hành trình tự chủ, các đơn vị sân khấu truyền thống đang gặp phải không ít khó khăn, rất cần đến vai trò định hướng của Nhà nước. 

Tôi không bi quan, nhưng cũng không lạc quan

Chấp nhận thực tế và thích ứng

Tôi không bi quan, nhưng cũng không lạc quan -0
Cảnh trong vở Trinh Nguyên của Nhà hát Chèo Việt Nam. Ảnh: THÚY HIỀN 

- Thưa NSND Thanh Ngoan, trong những ngày đại dịch vừa qua, các nghệ sĩ của NH Chèo Việt Nam đã vượt qua khó khăn như thế nào?

- Tất nhiên là dịch bệnh thì ngành nghề nào cũng bị ảnh hưởng, không riêng gì nghệ thuật. Mà nghệ thuật giải trí thì còn có cách này cách khác đến với công chúng, chứ nghệ thuật truyền thống như chèo, tuồng, cải lương chúng tôi thì khó khăn chồng chất. Tuy nhiên, anh em nghệ sĩ của NH Chèo Việt Nam đều xác định phải đoàn kết, chia sẻ để cùng nhau vượt qua thử thách này. Ngay từ đợt đầu dịch bùng phát, khi có lệnh giãn cách, nghỉ diễn, tôi cho anh em nghệ sĩ tập các chương trình. Tập liên tục không nghỉ để khi hết dịch là có thể đi diễn ngay. NH đã xây dựng kế hoạch cho cả năm, nên những việc phải hoàn thành vẫn cứ theo tiến độ bình thường. Sân khấu nhỏ của chúng tôi vẫn hoạt động, trừ khi phải giãn cách. Các chương trình dự thi Tài năng sân khấu trẻ, Liên hoan sân khấu Hà Nội, Liên hoan sân khấu hòa tấu nhạc cụ dân tộc đã hoàn tất, chỉ còn đợi ngày là lên đường. Về cơ bản là chúng tôi vẫn tồn tại được qua đại dịch. Vấn đề là quản trị cho tốt các chương trình, năng động tìm cách đến với khán giả, và có kế hoạch lâu dài cho anh em nghệ sĩ họ yên tâm tập luyện và biểu diễn. 

- Nhân nói về cuộc thi Tài năng trẻ sân khấu toàn quốc sẽ diễn ra vào tháng 11 sắp tới, chị nghĩ sao khi có một số ý kiến cho rằng những người trẻ có thanh, có sắc hiện nay không tìm đến và gắn bó với nghệ thuật chèo nữa?

- Tôi thì không quá bi quan khi nhìn vào lực lượng diễn viên trẻ của chèo. Nhưng nói lạc quan thì cũng không hẳn đúng. Chúng ta phải chấp nhận một thực tế những người tâm huyết với nghệ thuật chèo hiện nay không có nhiều. Chúng ta không thể trách các bạn trẻ, vì họ có nhiều lựa chọn dễ dàng hơn, trong khi nghệ thuật truyền thống trong đó có chèo lại đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn như: nhiều đoàn giảm biên chế, khán giả không đến rạp, đời sống thu nhập bấp bênh, eo hẹp.

- Thực tế đó ảnh hưởng như thế nào đến việc đào tạo diễn viên trẻ cho nghệ thuật chèo, thưa chị?

- Việc đào tạo diễn viên trẻ thì tôi thấy vẫn tốt. Hằng năm Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh đều chiêu sinh lớp diễn viên cho các ngành nghệ thuật truyền thống, trong đó có chèo. Rồi các dự án của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng tạo điều kiện cho các nghệ sĩ trẻ được học nhiều hơn về kiến thức cũng như kỹ năng biểu diễn các bộ môn nghệ thuật truyền thống. Qua các lớp như vậy chúng tôi cũng phát hiện và bồi dưỡng thêm được một số nghệ sĩ trẻ. Tuy nhiên, trong nghệ thuật truyền thống như chèo, thì việc học hay đào tạo ở trường lớp chỉ là một phần thôi, quan trọng hơn cả là chúng tôi phải “tự đào tạo nhau”. Thế hệ trước đào tạo thế hệ sau, vừa làm nghề vừa truyền nghề. Tuyển được một diễn viên trẻ vào NH đã mừng rồi, nhưng làm sao phải tạo ra môi trường cho họ ăn với chèo, ngủ với chèo, sống với chèo thường xuyên thì chèo mới thẩm thấu vào cuộc sống của họ, trở thành máu thịt của họ, thì họ mới diễn hay, diễn cho ra hồn cốt của chèo được. Ở NH Chèo Việt Nam chúng tôi, nghệ sĩ trẻ không được lười. Ngoài việc đi diễn theo lịch của NH, nghệ sĩ phải thường xuyên ôn luyện các tích chèo cổ, các làn điệu cổ. Khi diễn một vở mới, bên cạnh các diễn viên trẻ, vẫn phải có những nghệ sĩ lớn tuổi, lâu năm trong nghề theo sát, thị phạm, để các bạn được sống trong chèo đúng nghĩa và diễn chèo đúng với khúc thức của môn nghệ thuật này. 

Cần chiến lược đào tạo khán giả cho sân khấu truyền thống

- Giữ gìn và phát triển các môn nghệ thuật truyền thống là góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, nhưng nếu không có lớp trẻ kế cận thì nghệ thuật truyền thống sẽ phải đối diện với sự mai một trong tương lai không xa. Theo chị, cần phải có những chính sách gì để thu hút các bạn trẻ tài năng đến với nghệ thuật chèo?

- Tôi nghĩ, trong nghệ thuật khó mà bắt ai đó làm thế này, thế kia được. Đầu tiên phải là đam mê đã. Có đam mê thì họ mới ở lại lâu dài với nghệ thuật truyền thống. Tuy nhiên, chuyện “cơm áo gạo tiền” để nuôi sống người nghệ sĩ cũng quan trọng lắm, nhất là trong thời buổi hiện nay. Vẫn biết rằng Nhà nước không thể mãi bao cấp cho các đoàn nghệ thuật, và nghệ sĩ phải tự vận động nhưng với chèo nói riêng và các môn nghệ thuật truyền thống nói chung, Nhà nước phải có một sự đầu tư chiến lược, phải có chế độ đãi ngộ tốt với những người thật sự có tài, để họ yên tâm gắn bó với nghề. 

- Theo lộ trình thì đến hết năm nay, hệ thống các đơn vị sân khấu công lập phải tự chủ hoàn toàn. Là lãnh đạo một đơn vị sân khấu truyền thống, chị thấy đâu là khó khăn bất cập khi các nghệ sĩ của chèo, tuồng, cải lương phải bước ra kinh tế thị trường đối mặt với nỗi lo tài chính?

- Chúng tôi rất đồng tình với chủ trương của Nhà nước về việc các đoàn nghệ thuật công lập phải dần tự chủ về tài chính, nghĩa là anh sẽ phải năng động hơn, không trông đợi, ỷ lại vào “bầu sữa” bao cấp của Nhà nước. NH Chèo Việt Nam chúng tôi hiện nay đi song song hai chân: truyền thống và thử nghiệm. Chúng tôi vừa làm chèo truyền thống, vừa có những bước cách tân, đổi mới cho phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của người xem. Tuy nhiên, chúng ta đã mổ xẻ câu chuyện giữ gìn nghệ thuật truyền thống nhiều rồi, nhưng hiện nay vẫn chưa rõ ràng vấn đề định hướng, đầu tư cho các ngành này cụ thể ra sao. Nhiều khi chúng tôi thấy loay hoay quá. Mình sẽ làm một vở chèo “ăn khách” như thế nào đây? Nếu chạy theo thị hiếu khán giả, nghệ sĩ có thể đánh mất chất chèo. Làm thế nào để dựng một vở mà chèo vẫn đúng là chèo nhưng khán giả thích, là câu chuyện vô cùng khó. Giữ gìn truyền thống bao đời của ông cha cũng chính là giữ gìn văn hóa, bản sắc dân tộc. Nhưng những cái đó chưa chắc đã phải là cái mà khán giả sẵn sàng bỏ tiền mua vé vào rạp. Vậy nghệ sĩ sẽ phải sống sao đây? Tôi nghĩ lộ trình đi đến tự chủ của các đoàn nghệ thuật truyền thống vẫn cần phải có thêm thời gian. Nhà nước phải tính toán kỹ cái gì cần đầu tư và đầu tư quyết liệt, có trọng điểm thì mới hiệu quả. Những gì là hồn cốt, tinh túy của nghệ thuật truyền thống muốn giữ, phải có chính sách riêng, nếu không, trong kinh tế thị trường hôm nay, các giá trị truyền thống sẽ mai một rất nhanh. Lộ trình 5 năm cho sân khấu công lập tự chủ thời gian qua, theo tôi, vẫn là chưa đủ với các đoàn nghệ thuật truyền thống, vì chúng ta cần chuẩn bị rất nhiều thứ, về tổ chức, kinh phí, về con người và đặc biệt là về khán giả. Phải đào tạo khán giả cho nghệ thuật truyền thống, thì nghệ thuật mới sống được.

- Chị nói đến đào tạo khán giả, việc đó sẽ phải được bắt đầu như thế nào?

- Muốn giữ nghệ thuật truyền thống thì theo tôi phải có khán giả hiểu về nghệ thuật truyền thống. Phải hiểu thì họ mới thấy yêu, và phải yêu thì người ta mới bỏ tiền mua vé xem nghệ thuật truyền thống. Sân khấu truyền thống phải được giảng dạy trong các nhà trường, để cung cấp kiến thức cho các em học sinh, nuôi dưỡng tình yêu và lòng tự hào về bản sắc văn hóa dân tộc mình. Chúng ta phải chuẩn bị khán giả cho nghệ thuật truyền thống, và nó không thể là câu chuyện trong một vài năm được. Phải có chiến lược!

- Xin cảm ơn NSND Thanh Ngoan về cuộc trò chuyện.