Họa sĩ Nguyễn Thanh Bình:

Thị trường nghệ thuật chính là thử thách

Nằm trong số các tên tuổi có tác phẩm được biết đến nhiều trên thị trường mỹ thuật vài chục năm qua, họa sĩ Nguyễn Thanh Bình (ảnh nhỏ) đã gây dựng được dấu ấn cá nhân rất riêng. Sáng tạo nghệ thuật với ông luôn là quá trình lao động nghề nghiệp cật lực, nghiêm túc và đầy tinh thần chuyên nghiệp. Sớm có những trải nghiệm ở các hoạt động nghệ thuật mang tính quốc tế, họa sĩ Nguyễn Thanh Bình luôn có tư duy rạch ròi, dứt khoát về vấn đề còn được coi là nhạy cảm: Thị trường mỹ thuật...

Thị trường nghệ thuật chính là thử thách
Thị trường nghệ thuật chính là thử thách -0

Vũ công ba-lê. Tranh: NGUYỄN THANH BÌNH

Bản chất của vấn đề rất đơn giản

- Ông là một trong 20 họa sĩ được mời tham gia “Triển lãm tác phẩm của các họa sĩ tiêu biểu hàng đầu trên thị trường mỹ thuật” dịp tháng 8 vừa qua. Hình như hiếm lắm mới có một sự ghi nhận chính danh với các họa sĩ nói nôm na là bán được nhiều tranh. Dường như ở Việt Nam, ngay cả người sáng tác vẫn còn tâm lý ngại ngần khi công khai nói đến chuyện bán tranh, sợ rằng sẽ kém sang, phải vậy không thưa ông?

- Cái tiêu đề “Triển lãm tác phẩm của các họa sĩ tiêu biểu hàng đầu trên thị trường mỹ thuật” dễ gây ngộ nhận, tức là vô hình trung, tạo ra sự phân biệt không cần thiết, vì quan niệm của tôi là: Bán tranh (nhiều hay ít) không phải tiêu chí đánh giá, mà chỉ là kết quả của sự lao động trí óc. Anh làm việc thế nào thì sẽ ra kết quả như thế. Vinh danh khía cạnh ‘‘thị trường’’ của sản phẩm nghệ thuật là một việc không cần thiết. Khác với hàng hóa thông thường xuất hiện bởi nhu cầu tiêu dùng, cái gọi là “thị trường” tranh ảnh, sách báo luôn đi sau, và đi theo từng “phân khúc”… Một trong những khiếm khuyết phổ biến của người làm công việc “sáng tạo” ở Việt Nam hiện nay là thiếu tự tin và suy nghĩ độc lập. Trong thâm tâm của tất cả những người vẽ tranh, ai cũng mong “bán được” nhưng lại không nhìn thấy bản chất của vấn đề rất đơn giản: Tranh phải đẹp!

- Nhưng thế nào là đẹp. Cái đẹp vốn khó có định lượng và đôi khi nằm ở con mắt kẻ si tình chứ không hẳn là má hồng thiếu nữ, thưa ông?

- Khái niệm “đẹp” thì vô cùng, cái đẹp của tạo hình lại càng mênh mông, nhưng tựu trung, nó phải tạo được sự lôi cuốn, rung động. Hẳn nhiên, sự sáng tạo luôn khởi đi từ cảm xúc cá nhân, rất riêng biệt, nhưng để sự rung cảm riêng biệt hòa được với cái rung cảm của số đông, cần đến sự hiểu biết, chẳng những hiểu chính mình, hiểu tình cảm của mình rung thế nào, khi nào và với cái gì, mà còn là sự hiểu biết con người nói chung, thông qua các loại hình khác (văn học, âm nhạc, sân khấu…). Tính lôi cuốn, thể hiện ra bằng kỹ năng, kỹ xảo, đồng thời luôn hàm chứa tình cảm, sự cảm thông, vị tha… Cái đẹp tạo hình được tạo ra từ hai phía: Kỹ năng và tình cảm. Nhưng biên độ kỹ năng và mức độ tình cảm của mỗi người rất khác nhau, dẫn đến kết quả khác nhau. Những kết quả khác nhau đó, tự tạo ra những phân khúc một cách tự nhiên: “nghệ thuật” và “thị trường”.

- Vậy theo ông có nên đặt ra khái niệm tranh nghệ thuật - tranh thị trường kèm theo ranh giới cho chúng? 

- “Tranh nghệ thuật” và “tranh thị trường” là một thực tế, không phải là “tiêu chuẩn định lượng” mà chỉ là con đường khác nhau, cách sống khác nhau của những người làm việc ấy. Không có “cao/thấp”, vì dù là “nghệ thuật” hay “thị trường” các tác phẩm đều hàm chứa hai yếu tố: Tinh thần (tình cảm, cảm xúc) và Vật chất (khả năng trao đổi, mua bán), chỉ khác nhau ở hàm lượng (tinh thần/vật chất) và đối tượng (thượng lưu/bình dân) mà thôi.

- Trở lại với triển lãm đã nhắc ở trên, chính sự bán chạy, bán nhiều, bán đắt giá của một số họa sĩ đã làm cho một số họa sĩ khác sốt ruột. Và chuyện ảnh hưởng, bắt chước, thậm chí nhái phong cách đang là thực tế buồn của mỹ thuật. Ông cũng là một trong những họa sĩ bị làm giả, làm nhái tranh rất nhiều. Theo ông thì làm cách nào để giúp những người làm nghề bình tĩnh hơn, điềm đạm hơn, đầu tư cho cái gốc nghề nghiệp hơn là chỉ hướng đến chuyện ăn non, hái quả?

- Tâm lý hời hợt của đám đông dễ nhìn thấy “hào quang” của sự thành công mà hầu như không ai chịu khó tìm hiểu cội nguồn. Các bạn trẻ thừa nhiệt huyết, nhưng thiếu kiên nhẫn, có thể các bạn biết rất nhiều, nhưng thiếu chiều sâu. Nghĩ khác với những gì mình biết mới khó. Đó mới là gốc của sáng tạo. Điều này lại liên quan đến giáo dục, người ta đã không dạy trẻ em cách suy nghĩ độc lập và tích cực (chỉ nghĩ theo lối mòn và hời hợt). Thời đại ngày nay, sáng tạo không có nghĩa là làm cái gì hoàn toàn mới (được như thế thì quá tuyệt), cũng không phải là “nương” theo cái đã có, làm khác đi đôi chút, mà là tạo ra những “giá trị” khác trên những cái vốn đã có. Tất nhiên, tài năng là chuyện khác, nhưng “you only fail when you stop trying” bạn chỉ thất bại khi ngừng thử thách. Vượt qua tâm lý hời hợt, chi phối những người làm công việc sáng tạo cũng là thử thách. Thị trường nghệ thuật, ở khía cạnh nào đó cũng chính là thử thách.

- Ông có nghĩ là giá tranh của các họa sĩ Việt Nam bán ở Việt Nam đang là quá cao so mặt bằng chung của xã hội? Theo ông, thu nhập của người dân phải tăng lên để có thể chơi được tranh hay giá tranh nên tương thích hơn với đời sống hiện nay?

- Giá tranh ở Việt Nam hiện hơi khó bàn, vì ta đang sống trong một xã hội có lúc còn có phần luộm thuộm, cộng với tâm lý “văn mình vợ người”, cái của mình bao giờ cũng là “vàng”, cho nên giá tranh ở Việt Nam cũng bát nháo, linh tinh, tùy ý, tùy hỷ. Vấn đề không ở thu nhập của người dân, mà ở sự ổn định và phát triển của văn hóa nói chung và thị hiếu nói riêng. Văn hóa và kinh tế luôn ràng buộc và chi phối lẫn nhau, và dù kinh tế có phát triển đến đâu, văn hóa cũng luôn tồn tại những phân khúc khác nhau, bởi lý do đơn giản: Xã hội nào cũng luôn tạo ra những đối tượng khác nhau cho nghệ thuật, từ đó xuất hiện các hình thái cảm thụ khác nhau: chiêm ngưỡng và sở hữu. Chiêm ngưỡng không nhất thiết phải sở hữu và sở hữu phải đi đôi với hiểu biết… 

Không có con đường trải đầy hoa

- Dù thích hay không thích Nguyễn Thanh Bình thì hầu hết mọi người cũng đều phải công nhận, ông là họa sĩ có phong cách cá nhân rõ nét. Bản sắc ấy phải là thành quả của một quá trình rèn nghề chỉn chu, kỹ lưỡng ngay từ nền tảng. Tức là không có thành công nào được xây dựng nên bằng sự hời hợt, dễ dãi? 

- Trong tiếng Anh có một câu nói hay: “If you never try, you will never know!” (Nếu không bao giờ thử, bạn cũng sẽ không bao giờ biết). Ở đây, có nghĩa là bạn phải lao động, phải làm việc hết khả năng của mình, phải thử đủ cách, và đặc biệt, phải “nghĩ khác”. Nghĩ khác đi, không theo lối mòn là yếu tố quan trọng bên cạnh khả năng đi đường dài, chịu đựng thất bại không nản chí... Đừng trông đợi vào những thành công ngay từ đầu, nếu có tạo ra những bức tranh chỉ vừa lòng phân khúc bình dân, thì điều đó cũng chẳng có gì đáng xấu hổ. Con đường của nghệ thuật rất dài và đầy đau khổ, dẫn đến thành công không có con đường hân hoan trải đầy hoa, chẳng có vinh quang nào không phải trả giá cả.

- Ông may mắn được sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Ngay từ tuổi ấu thơ ông đã được sống nhiều năm ở nước ngoài cùng cha là một nhà ngoại giao kỳ cựu. Nhưng khi chưa đầy 18 tuổi ông đã từ chối những đặc quyền có thể được nhận để cùng những thanh niên thế hệ mình nhập ngũ, lên đường vào nam chiến đấu. Nền nếp giáo dục của gia đình, căn cốt văn hóa được trau dồi và vốn sống tích lũy qua năm tháng thật sự quan trọng với một nghệ sĩ sáng tạo, thưa ông?  

- Nếu tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp của tất cả các nghệ sĩ nổi tiếng trong nước và thế giới, người ta dễ dàng nhận thấy một điểm chung: Vốn sống phong phú và cảm xúc nhạy bén. Thiếu một trong hai điều đều khó thành công. Vốn sống phong phú là khi nhìn thấy cuộc sống từ nhiều phía (mang tính tư liệu) và phải có cảm xúc nhạy bén (mang tính kỹ năng) để có thể “rung lên” trước những tín hiệu tưởng như nhỏ bé nhưng hàm chứa những điều rộng lớn, có thể chạm đến tình cảm của số đông. Và đặc biệt, các tác phẩm ấy luôn “mới”. Rafael, Michelangelo, Marc Chagall, Kandinsky... và nhiều người khác, không bao giờ “cũ”.

- Trân trọng cảm ơn họa sĩ.