"Thay đổi là nhu cầu tự thân của người trẻ"

Là nhà làm phim tài liệu thành danh, đạo diễn, NSND Nguyễn Thước cũng là một trong không nhiều những gương mặt gạo cội luôn cần mẫn song hành, khuyến khích, luôn say sưa phát hiện, ươm mầm và vun xới những tài năng cho thế hệ kế cận. Trong công việc ông luôn hết lòng cổ súy cho những tìm tòi, thể nghiệm đầy táo bạo của người trẻ. "Tôi nhìn thấy nhiều nhóm bạn trẻ đam mê, tâm huyết và đặc biệt là luôn mạnh dạn tìm kiếm, tiếp cận những hình thức thể hiện mới để dần tiệm cận với khu vực và xa hơn, với thế giới", NSND Nguyễn Thước hào hứng mở đầu cuộc trò chuyện bằng một lời khẳng định.

Cảnh phim Những người cùng thế hệ.
Cảnh phim Những người cùng thế hệ.

Đứt gãy thế hệ là nỗi lo thường trực

- Thưa đạo diễn Nguyễn Thước, thái độ ưu ái lớp trẻ của ông chắc hẳn phải xuất phát từ một nguyên do nào đó?

Thế hệ chúng tôi chịu ảnh hưởng quá mạnh của một cách làm phim cũ, thích kể chuyện bằng lời bình, mang nặng tính giáo dục tuyên truyền. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận lối làm phim truyền thống mà quan trọng nhất là cách lựa chọn đề tài, nội dung và hình thức. Nếu ba điều này gắn kết được với nhau thì đó vẫn là một bộ phim tài liệu tốt. Tôi là một trong hai người được Hãng phim Tài liệu và Khoa học trung ương quyết định tiếp nhận về cuối cùng, sau đó là khoảng thời gian mười năm liền không bổ sung nhân sự. Đó cũng là những năm tháng kinh tế đất nước rất khó khăn. Sự hẫng hụt một thế hệ đã làm mất đi sự tiếp nối hữu cơ và đã ảnh hưởng tới mạch phát triển, theo cái logic tự nhiên của nó. Quá trình thay đổi cách làm phim mới, bằng một lối tư duy mới mẻ cũng vì thế mà bị ảnh hưởng. Lứa quay phim - đạo diễn cùng thế hệ tôi, những tên tuổi Vương Khánh Luông, Nguyễn Như Vũ, Đào Thanh Tùng, Nguyễn Hướng, Đỗ Khánh Toàn, Lê Hồng Chương... đều đã, đang chuẩn bị về hưu hoặc chỉ còn vài năm cống hiến. Đứt gãy thế hệ luôn là nỗi lo thường trực.

Chúng ta đang lẫn lộn giữa nhiều cách làm phim khác nhau và sự định hình cho một phong cách tài liệu mới sao cho phù hợp hơn với phong cách của thế giới đòi hỏi một quãng thời gian dài. May mắn là, Hãng cũng đang hình thành một thế hệ làm phim tài liệu mới, nổi lên một số gương mặt như Trịnh Quang Tùng, Nguyễn Hoàng Dũng... với những nỗ lực không ngừng nghỉ nhằm khẳng định mình và cố gắng vượt khỏi những lối mòn trong tư duy để dần tiệm cận với cách làm phim mới.

- Nhiều người từng nhận xét, "thấy đạo diễn Nguyễn Thước ngồi ghế giám khảo là tin chắc lớp trẻ (cả người làm phim tài liệu điện ảnh lẫn truyền hình) đều sẽ được ghi nhận chính xác"?

Phải khẳng định rằng, vài ba năm trở lại đây, tiến trình thay đổi và phát triển của phim tài liệu truyền hình đang diễn ra rất mạnh. Tôi có thể nhận thấy sự chuyển mình nhanh chóng và quyết liệt ấy, khi được mời làm thành viên BGK của ba kỳ Liên hoan truyền hình toàn quốc (LHTHTQ) và từ đó có được cái nhìn bao quát, chân thực về bức tranh tổng thể phim tài liệu truyền hình hiện nay. Nổi bật lên là xu hướng hình thành các nhóm, ở nhiều khu vực làm phim tài liệu.

- Ông có thể chia sẻ kỹ hơn về xu hướng mới mẻ này?

Tâm huyết, yêu nghề, mạnh dạn thể nghiệm, dám nghĩ và làm theo một cách khác, đó là điều tôi nhận thấy ở các nhóm các bạn trẻ, chủ yếu thuộc các đài địa phương này. Đặc biệt, nhóm làm phim trẻ thuộc Ban Khoa giáo của VTV (Nguyễn Hoàng Lâm, Nguyễn Tài Văn, Nguyễn Hồng Quảng, Lê Thanh Bình, Vũ Hoài Nam...) đã chiếm thế thượng phong trong các sân chơi điện ảnh - truyền hình 5 - 6 năm trở lại đây, khi hầu như độc chiếm những giải thưởng cao nhất ở mảng phim tài liệu - khoa học.

Bức tranh phim tài liệu hiện nay được liên tục điểm xuyết những gam màu tươi sáng cũng là bởi với người trẻ, thay đổi góc nhìn, cách làm, cách thể hiện là nhu cầu tự thân. Tham gia các khóa học do chuyên gia nước ngoài giảng dạy, tự trau dồi kiến thức bằng cách xem phim, học hỏi đồng nghiệp trong và ngoài nước... là những bệ phóng tích cực giúp họ đi xa.

Cái mới vẫn còn khó được chấp nhận

- Nhân nhắc tới "bệ phóng", chúng ta đang tổ chức khá nhiều sân chơi nhằm phát hiện, ươm mầm, vun xới và phát triển những nhà làm phim tài liệu tương lai. Hiệu quả của những "bệ phóng" ấy ra sao, theo đánh giá của riêng ông?

Nhiều năm qua, Hãng TL&KHT.Ư đã tổ chức nhiều lớp học do các chuyên gia nước ngoài giảng dạy. Tổ chức điện ảnh Varan cũng liên tục mở các lớp học tại Hãng phim chúng tôi. Mới đây, cựu học viên Varan Dương Mộng Thu đã giành giải thưởng tại Liên hoan phim quốc tế Yamagata năm 2013, với tác phẩm Chiếc chiếu của bà Bứa. Bên cạnh đó, nhiều trung tâm với sự tài trợ của các tổ chức quốc tế cho các nhà làm phim trẻ thể nghiệm làm phim cũng đã triển khai nhiều dự án hiệu quả. Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh (TPD) của Hội Điện ảnh Việt Nam với 10 tháng 10 phim ngắn, Chúng em làm phim; Hãng phim Xanh (Blue Productions) với dự án 89.600 km... đã có những bộ phim ngắn với những cách kể, những phong cách tiếp cận hoàn toàn khác nhau của những nhà làm phim trẻ về những vấn đề giản dị của cuộc sống. Đặc biệt, tôi thật sự ấn tượng và thích thú với chùm phim ngắn của Tổ chức DOCLAB. Tôi đã xin chị Trinh Thi hai đĩa DVD về chiếu cho sinh viên ở Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh xem. Những bộ phim ấy đã khiến cho sinh viên của tôi ngây ngất, bởi sáng tạo nghệ thuật đã diễn ra như một cuộc chơi, với tất cả tình yêu và lòng đam mê vô bờ bến.

- Có vẻ như đội ngũ người trẻ ấy đã mang lại góc nhìn đầy lạc quan cho những nghệ sĩ thuộc thế hệ đi trước, như ông. Nhưng họ đã thật sự trở thành một đội ngũ chưa hay vẫn đang còn phát triển rất manh mún, tự phát?

Quả thực cái mới vẫn còn khó được chấp nhận. Những phim làm theo phong cách của Varan gần như không vào được hệ thống sản xuất chính thống. Hệ thống truyền hình Việt Nam chỉ chấp nhận những phim có thời lượng mỗi tập dưới 30 phút, phim dài - trên dưới 60 phút rất khó được phát sóng.

- Trân trọng cảm ơn ông về cuộc chuyện trò thú vị này.

"Thay đổi là nhu cầu tự thân của người trẻ" ảnh 1

Đạo diễn, NSND Nguyễn Thước sinh năm 1953 tại Hà Nội, tốt nghiệp khóa quay phim năm 1982 và khóa đạo diễn năm 1999 tại Trường ĐH Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội. Ông được phong danh hiệu NSƯT năm 2001 và NSND năm 2012.

Ở vai trò quay phim, ông đã giành ba giải Quay phim xuất sắc nhất, liên tiếp trong ba kỳ Liên hoan phim Việt Nam cho Dòng sông ánh sáng (LHP Việt Nam 10), Chìm nổi sông Hương (LHP Việt Nam 11), Trở lại Ngư Thủy - Concert -Xẩm (LHP Việt Nam 12).

Với vị trí đạo diễn, ông đã cho ra đời nhiều bộ phim có giá trị, được vinh danh trong lễ trao giải thường niên của Hội Điện ảnh Việt Nam và các kỳ LHPVN như Lúc sương tan, Niềm tin thế kỷ, Sự nhọc nhằn của cát (Cánh diều Bạc 2002, Bông sen Bạc tại LHP Việt Nam 14), Những công dân @ (Cánh diều Bạc 2003), Những người cùng thế hệ, Ngày cuối cùng của chiến tranh, Không chỉ là thương hiệu (Cánh diều Bạc 2006), Chất xám(Cánh diều Vàng 2007), Đất lạnh (Cánh diều Bạc 2008, Bông sen Vàng LHP Việt Nam 16), Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh gửi lại, Từ Thác Bà tới Sơn La, Bản đồ tư duy - một hành trình kết nối, Nếu chỉ còn một ngày được sống. Bộ phim mới nhất của ông ra đời năm 2013 với tựa đề Cỏ xanh im lặng.