Họa sĩ Vũ Hồng Nguyên:

Tạo nên một hành trình nghệ thuật cho công chúng

Ðược biết đến là một dự án nghệ thuật thị giác vì cộng đồng, khởi động từ cuối năm 2015, Nghệ thuật trong rừng (Art in the Forest - AIF) đã tạo nên ảnh hưởng tích cực đến đời sống sáng tác mỹ thuật trong cả nước cũng như truyền cảm hứng cho không ít doanh nghiệp trong việc đầu tư cho nghệ thuật theo hướng tạo sự hưởng lợi cho tất cả các bên, nhất là cho công chúng. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với họa sĩ Vũ Hồng Nguyên (ảnh nhỏ), đồng sáng lập AIF và là người trực tiếp điều phối dự án này.

Không gian trưng bày tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Quân trong khu rừng thông, AIF 2017. Ảnh: Phạm Hoàng Minh
Không gian trưng bày tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Quân trong khu rừng thông, AIF 2017. Ảnh: Phạm Hoàng Minh

Ðộng lực để khuyến khích sáng tạo

- Trong ba năm đầu tiên, AIF tổ chức chương trình lưu trú sáng tác tại chỗ, nhưng AIF năm 2018 và mùa hè năm 2019, mô hình này lại không được áp dụng nữa. Phải chăng đã có những tác động nào đó tới cách thức tổ chức AIF, theo thời gian?

- Sau chương trình lưu trú hội họa năm 2017, các nghệ sĩ và tôi có trao đổi nhiều với nhau và thấy rằng, đã đến lúc phải cân nhắc lại mô hình lưu trú này, để hiệu quả cuối cùng là chất lượng tác phẩm được như mong đợi. Chính vì thế, tôi quyết định thay đổi. Nghệ sĩ trong nước được chọn tham gia AIF hằng năm vẫn tới thăm trước không gian studio dự kiến dành cho mình để cân nhắc hướng sáng tác cho phù hợp và họ sáng tác tại xưởng riêng của họ. Tôi sẽ là người đi nhiều hơn tới nơi sáng tác của nghệ sĩ để bảo đảm sự đồng hành của mình với họ không bị gián đoạn. Như kỳ AIF năm 2018, riêng với nghệ sĩ điêu khắc trẻ Trần Thược, tôi qua thăm xưởng và trao đổi thêm về tác phẩm với bạn ấy tới 7 - 8 lần. Còn các nghệ sĩ khác, mỗi người tôi cũng có ít nhất hai lần thăm xưởng. Cách tổ chức này linh hoạt, nghệ sĩ có thể yên tâm hơn về đời sống cá nhân của mình nên dễ bảo đảm được về chất lượng nghệ thuật. Ngoài ra, họ còn có thể nhận được nguồn kinh phí tài trợ lớn hơn do chúng tôi cân đối lại ngân khoản từ việc tổ chức lưu trú tại chỗ. Như vậy, tất cả cùng thấy dễ chịu. Riêng lĩnh vực điêu khắc mà có nghệ sĩ quốc tế tham gia, chúng tôi vẫn duy trì mô hình lưu trú.

- Ban đầu, AIF chú trọng mời nhiều nghệ sĩ có tên tuổi nhất định trong giới mỹ thuật tham gia dự án. Càng về sau, số lượng những người trẻ, rất trẻ nhiều hơn. Ðây cũng là một sự thay đổi của AIF theo thời gian, vì sao vậy?

- Chúng tôi cân nhắc nhiều yếu tố liên quan tới dự án để lựa chọn hướng đi cho phù hợp với mục tiêu cuối cùng của mình. Chúng tôi không thể có nhiều hiểu biết và nguồn tài chính để đầu tư sưu tập tác phẩm thời kỳ Mỹ thuật Ðông Dương, Kháng chiến, hay Ðổi mới, những giai đoạn đó có người làm rất tốt rồi. Chính vì vậy, sau một vài kỳ AIF ban đầu quy tụ các nghệ sĩ có tên tuổi, chúng tôi hướng đến những người trẻ mà có thể hiện tại, họ chưa nổi tiếng, nhưng chúng tôi tin là họ sẽ theo con đường chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, cá nhân tôi chú trọng đến yếu tố nhân bản trong hoạt động nghệ thuật. Chẳng hạn, trong những người trẻ có khả năng, tiềm năng tương đương nhau, nhưng có người có hoàn cảnh sống cá nhân khó khăn hơn, chúng tôi sẽ lựa chọn mời họ với hy vọng, AIF sẽ như một động lực, một cảm hứng khuyến khích họ trên con đường nghệ thuật mà họ lựa chọn một cách nghiêm túc. Bạn không tin được đâu, có những nghệ sĩ rất có tiềm năng nhưng phải sớm đối diện với ranh giới mong manh giữa sự sống - cái chết, hoặc phải vật lộn với đời sống cơm áo hằng ngày theo đúng nghĩa đen, nhưng họ vẫn chấp nhận không bán rẻ nghệ thuật của mình.

Tạo nên một hành trình nghệ thuật cho công chúng ảnh 1

Tiêu chí lớn nhất là sự nghiêm túc và tử tế

- Anh có nói đến việc không đưa nghệ sĩ thân quen vào dự án một cách tùy tiện. Vậy khung tiêu chí chung trong việc lựa chọn nghệ sĩ và tác phẩm cho mỗi kỳ AIF là gì?

- Tiêu chí lớn nhất là đem lại một cảm nhận về sự nghiêm túc, tử tế của dự án này cho tất cả những người tham gia, từ nghệ sĩ, nhà tổ chức, đến công chúng thưởng lãm. Với công chúng, họ có dịp thưởng thức một bữa tiệc nghệ thuật đa dạng, nhiều mầu sắc. Vì thế, việc chọn nghệ sĩ cho từng đợt AIF phải làm sao vẫn có chất lượng nghệ thuật đồng thời tác phẩm của họ có thể tương ứng với nhau, "đi" cùng nhau được trong kỳ cuộc ấy. Cũng vì thế mà còn có nhiều nghệ sĩ hay lắm nhưng tôi vẫn để dành (cười). Với các nghệ sĩ, AIF mong việc tham gia này sẽ đem tới cho họ nhiều niềm vui, từ đó, có thể có cảm hứng và nỗ lực hơn cho các công việc trong tương lai của mình.

- Trong khoảng 5 năm trở lại đây, việc đầu tư, tài trợ cho mỹ thuật của doanh nghiệp trong nước được xem như một xu hướng với cách thức khá đa dạng, như xây dựng bộ sưu tập tác phẩm, đầu tư làm sách nghiên cứu, tài trợ trại sáng tác,… Anh nghĩ sao về nhận xét cho rằng, sự đầu tư hay tài trợ nghệ thuật như vậy cũng đơn thuần là một cách làm quảng cáo cho doanh nghiệp mà thôi?

- Nếu là một nhà đầu tư thật sự tôn trọng nghệ thuật thì cách làm quảng cáo này quá tốn kém mà hiệu quả kinh doanh không cao. Tôi lấy thí dụ: một năm, người ta bỏ ra vài chục tỷ đồng dành cho một dự án nghệ thuật, khách đến dự tiệc khai mạc hầu như toàn nghệ sĩ, những người hoặc chưa dư dả hoặc không có nhu cầu về sản phẩm của doanh nghiệp, khó có thể là khách hàng tiềm năng. Thay vào đó, với chừng ấy kinh phí, hoặc thậm chí ít hơn nhiều, họ có thể thoải mái làm quảng cáo trên truyền thông đại chúng, thật hấp dẫn và nhắm tới khách hàng tiềm năng của mình. Nhưng thông tin quảng cáo trên truyền thông rồi sẽ trôi đi, còn nghệ thuật thì sẽ ở lại với chúng ta, đem lại một hình ảnh khác biệt cho doanh nghiệp. Ðây là lợi ích về lâu dài không phải chỉ cho riêng doanh nghiệp, mà cho cả giới nghệ sĩ và công chúng của hiện tại và tương lai.

- Giữa một bối cảnh xã hội mà có lúc tiêu chí đẹp còn đi sau một số tiêu chí khác, anh có thấy mình quá mơ mộng và cũng may mắn khi có người đồng hành với anh? AIF của 5 năm tới sẽ là gì, theo hình dung của anh?

- Thì đúng là mơ mộng mà. Từ năm 2009, tôi và người đồng sáng lập AIF đã bắt đầu bàn bạc với nhau về mô hình này nhưng vẫn là những dự tính, có gì đó vu vơ. Nhưng chặng đường 5 năm của AIF khiến tôi nhận ra là, vẫn luôn có những người lặng lẽ và hào sảng ủng hộ nghệ thuật thật sự, chỉ là có may mắn, có duyên gặp nhau hay chưa mà thôi.

Nhưng không còn là mơ mộng nữa, AIF của 5 năm tới sẽ bao gồm một không gian điêu khắc ngoài trời, một bảo tàng hội họa và điêu khắc bày trong nhà bên cạnh một khu vực studio dành cho các trưng bày luân phiên. Bảo tàng của AIF có thể chỉ rất vừa phải, tương ứng với điều kiện cho phép của chúng tôi nhưng chắc chắn sẽ không làm công chúng đến thăm thất vọng.

Tôi mong mỗi địa phương sẽ không chỉ có một điểm đến nghệ thuật như AIF mà có nhiều hơn thế, tất cả hợp tác cùng nhau tạo nên một hành trình nghệ thuật cho công chúng. Bạn thấy đấy, con của bạn, của tôi, những công chúng tương lai, sẽ có mối quan tâm đến thẩm mỹ khác chúng ta bây giờ và cần phải chuẩn bị cho chúng một cách tử tế.

Chân thành cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Từ năm 2015 đến 2018, AIF tổ chức được ba chương trình lưu trú điêu khắc và ba kỳ cuộc triển lãm hội họa, điêu khắc khác. Không gian ngoài trời của khu nghỉ dưỡng hiện có 34 tác phẩm và cụm tác phẩm lớn. Bảo tàng hội họa và điêu khắc salon (điêu khắc nhỏ, bày trong nhà) dự kiến được hoàn thành vào năm 2025.

Năm 2019, kỷ niệm 5 năm - AIF, có hai sự kiện lớn: từ ngày 29-6 đến 15-10, AIF mùa hè giới thiệu tám họa sĩ 7X đến từ nhiều địa phương trong cả nước; từ tháng 8 đến tháng 10, AIF mở chương trình lưu trú điêu khắc quốc tế với sáu nghệ sĩ nước ngoài và một nghệ sĩ trong nước, cùng một triển lãm quốc tế về hội họa sơn mài của 10 họa sĩ.

AIF 2016, 2017 được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch bình chọn là một trong năm sự kiện mỹ thuật tiêu biểu của năm.