Họa sĩ thiết kế đồ họa Đặng Thị Bích Ngọc:

Nếu đi đến tận cùng, với niềm say mê lớn...

Lần đầu tham dự ngay khi vừa tốt nghiệp đại học, Đặng Thị Bích Ngọc đã giành giải GDUSA (Graphic Design USA - 2017), một giải thưởng thiết kế đồ họa uy tín của Mỹ. Điều bất ngờ là thiết kế đạt giải của Ngọc được làm với nghệ thuật Trúc chỉ - một bộ môn nghệ thuật kết hợp giữa quy trình làm giấy thủ công và các nguyên lý của nghệ thuật đồ họa, mới được hình thành ở Huế, và nội dung giới thiệu về vở tuồng San Hậu (Sơn Hậu) trứ danh trong kho tàng nghệ thuật kịch hát dân tộc Việt Nam.

Nếu đi đến tận cùng, với niềm say mê lớn...

Thích cải lương, ấn tượng với tuồng cổ và mê Trúc chỉ

- Được biết, đồ án tốt nghiệp đại học cũng như bài đạt giải GDUSA của Ngọc đều liên quan đến nghệ thuật biểu diễn truyền thống như hát cửa đình, tuồng,... Vì sao vậy?

- Tuy trong gia đình không có ai theo nghề biểu diễn nghệ thuật truyền thống, nhưng ông bà em rất thích nghe cải lương. Bà ngoại có chiếc đài nhỏ xíu, lúc nào cũng nghe nên em cũng nghe ké. Sau này lớn lên, em mới có điều kiện nghe băng đĩa nhiều hơn, và đến giờ vẫn hay tìm bài mới, tuồng mới giúp bà. Em cũng biết ngoài cải lương ra, nước mình còn có rất nhiều loại hình âm nhạc nghệ thuật biểu diễn truyền thống khác. Khi có cơ hội vận dụng các ý tưởng về đề tài truyền thống vào đồ án thiết kế, em đã tự lý giải, tìm hiểu sâu hơn, nghe và xem nhiều hơn cũng như có ý thức hơn các loại hình nghệ thuật này.

- Riêng về vở tuồng San Hậu (Sơn Hậu), Ngọc đi xem lần đầu ở đâu? Ấn tượng ban đầu thế nào? Và phải xem bao lần để thấm hiểu về các nhân vật chính trong đó, phục vụ cho việc thiết kế bài thi?

- Thú thực là em chưa đi xem San Hậu trên sân khấu trực tiếp, các vở cải lương khác cũng thế, em chỉ có thể tranh thủ xem qua internet.

Đối với San Hậu, trong quá trình tìm hiểu về nghệ thuật tuồng nói chung, em biết đây là một trong những vở tuồng cung đình kinh điển. Tuy chỉ xem qua internet nhưng em rất ấn tượng với điệu hát, lối biểu diễn và hóa trang của các nghệ sĩ. Vì thế, em đã tìm đọc câu chuyện về vở tuồng này, xem đi xem lại bốn lần để thấm nhuần diễn tiến, ý nghĩa câu chuyện, và sự phát triển tính cách của các nhân vật. Ấn tượng với em nhiều nhất có lẽ là phân đoạn Khương Linh Tá ba lần bị Tạ Ôn Đình chém rơi đầu mà vẫn tháp lại đầu để tiếp tục chiến đấu, thể hiện tinh thần ái quốc kiên trung bất khuất. Em nhớ tiếng thét phẫn nộ của Tạ Ôn Đình, điệu bộ và trang phục uy nghi của Khương Linh Tá và hoạt cảnh kịch tính giữa hai cha con Phàn Định Công, Phàn Diệm khi dấy quân trở về hỏi tội họ Tạ... Hơn hết, toàn bộ sự ước lệ giàu mầu sắc của hóa trang mặt tuồng của bốn nhân vật tướng này rất gần gũi với ngôn ngữ đồ họa mà em theo đuổi.

- Nhưng có lẽ để cô đọng lại tất cả ấn tượng và cảm xúc trong một bộ bốn tấm poster hẳn phải qua một quá trình không đơn giản?

- Sau nhiều lần đọc và xem San Hậu, em phải chú thích và lập sơ đồ phân tích các tuyến nhân vật theo tính cách và tinh thần của từng người, kết hợp tìm hiểu thêm tư liệu về cách vẽ mặt tuồng nói chung. Họa sĩ thiết kế đồ họa danh tiếng Nguyễn Tri Phương Đông, thầy cố vấn cho dự án này của em, đã góp ý và định hướng cách so sánh và phân tích nhân vật, đối chiếu để tìm ra sự đối lập, cũng như tương tác giữa các nhân vật. Sau đó, em tóm lược, tối giản câu chuyện và suy nghĩ cho mỗi nhân vật bằng cụm một hay hai từ khóa, để có thể dễ dàng hình dung một cách cô đọng nhất về nhân vật... Tiếp đó là hàng chục buổi làm việc với thầy Nguyễn Tri Phương Đông, liên tục, giải quyết rất nhiều vấn đề, đường nét, sắc độ, chi tiết, họa tiết nền, điệu bộ, thần thái, nét mặt, đặc tả về chi tiết,... để hình ảnh nhân vật hiện lên được sắc nét hơn, cho đến khi em hài lòng và thầy chấp nhận.

- Được biết Ngọc cũng chỉ vừa mới biết đến nghệ thuật đồ họa Trúc chỉ trong quá trình làm đồ án tốt nghiệp. Điểm gì ở Trúc chỉ khiến em mê nhất?

- Trúc chỉ kết hợp giữa nghệ thuật làm giấy thủ công và các kỹ thuật đồ họa truyền thống cũng như tiếp biến mang tính chất hiện đại hơn do chính người sáng lập đồ họa Trúc chỉ, họa sĩ Phan Hải Bằng cùng cộng sự, nghiên cứu và thực hành. Trúc chỉ thuần Việt, mộc mạc nhưng kỹ thuật rất tinh vi. Nghệ thuật Trúc chỉ sử dụng hiệu ứng xuyên sáng nên tính ứng dụng của nó rất cao, khả năng biến hóa đa dạng hoàn toàn phụ thuộc vào thẩm mỹ và sự sáng tạo của người thiết kế.

Khi trải nghiệm cùng Trúc chỉ, và được ngắm nhìn những tác phẩm kỳ công của các họa sĩ theo đuổi bộ môn này, em nghĩ thật tuyệt vời nếu như đề tài của em về nghệ thuật biểu diễn truyền thống được thể hiện bằng Trúc chỉ. Với lại, khi tìm đến với Trúc Chỉ, em được gặp gỡ, tiếp xúc với các bạn trẻ có lý tưởng giống em và các anh chị tại Vườn Trúc chỉ ở Huế. Họ có tinh thần trẻ trung vì nghệ thuật, em cảm thấy rất trân quý và cũng học được từ họ rất nhiều. Đúng là em đã không chỉ được trải nghiệm mà còn được sống cùng Trúc chỉ.

Sẽ không dừng lại…

- GDUSA là giải thưởng hằng năm của một trong những tạp chí thiết kế hàng đầu ở Mỹ. Ngọc đã cân nhắc những gì khi quyết định tham gia?

- Trong quá trình sinh viên tụi em bảo vệ đồ án tốt nghiệp, thầy cô bộ môn có đưa ảnh chụp đồ án của sinh viên lên mạng xã hội. Nhờ đó mà đồ án của em, Thiết kế cụm poster quảng bá cho đêm nhạc truyền thống Nhạc cửa đình với nghệ thuật Trúc chỉ, được họa sĩ thiết kế đồ họa Nguyễn Tri Phương Đông biết tới. Ngay khi xem đồ án tốt nghiệp, ông đã phân tích để em có thể nhận ra một số khuyết điểm. Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng bài làm của em có yếu tố tiềm năng là bản sắc dân tộc độc đáo. Ông đã giúp em định hướng lại đề tài nội dung khi kết hợp với nghệ thuật đồ họa Trúc chỉ, dần hình thành nên tác phẩm poster vở tuồng San Hậu mà em đem đi dự thi quốc tế.

Về cân nhắc thì chỉ có là lúc thầy đề nghị làm bài thi quốc tế, cũng là lúc em vừa tốt nghiệp và được tuyển dụng vào làm đúng chuyên ngành đã học ở một công ty. Em quyết định xin phép công ty tuyển dụng cho em tạm nghỉ làm hai tháng để tập trung cho bài thi và may mắn là họ đồng ý.

- Giải thưởng này gợi mở những suy nghĩ gì về ngành học mà em theo đuổi?

- Thiết kế đồ họa là một ngành nghề chứa đựng tinh thần rộng mở, nơi mà những nhà thiết kế có thể thỏa sức sáng tạo và tìm cho mình một phong cách, không chỉ là hiện đại mà có thể là truyền thống hoặc dung hòa cả hai. Giải thưởng gợi ý cho em một điều: Nếu một người thiết kế nghiên cứu đến cùng nghệ thuật cổ truyền của dân tộc với một sự say mê, yêu thích đồng thời tìm cách để biết cách kết hợp với các hình thức thiết kế đồ họa phù hợp thì vẫn có thể có được tiếng nói tự tin trên đấu trường quốc tế.

- Chân thành cảm ơn bạn!

Nếu đi đến tận cùng, với niềm say mê lớn... ảnh 1

Poster vở tuồng San Hậu (đồ họa trên Trúc chỉ đã giành giải thưởng GDUSA của Bích Ngọc).

Đặng Thị Bích Ngọc tốt nghiệp ngành Thiết kế đồ họa, khoa Kiến trúc, Đại học Kiến trúc Đà Nẵng, năm 2017. Graphic Design USA, xuất bản từ 1963, là tạp chí thiết kế đồ họa dành cho cộng đồng sáng tạo chuyên nghiệp, nằm trong nhóm các tạp chí thiết kế hàng đầu của Mỹ và khu vực Bắc Mỹ, hằng tháng có khoảng 100 nghìn lượt khách hàng thăm website của tạp chí. Cuộc thi thiết kế đồ họa hằng năm của tạp chí GDUSA nằm trong tốp 15 các cuộc thi thiết kế đồ họa ở Mỹ và khu vực Bắc Mỹ. Cuộc thi năm nay có khoảng 10 nghìn bài dự thi, thuộc 19 hạng mục.