PGS, TS PHẠM HỒNG LONG:

Không nên “tham bát, bỏ mâm”

Sở hữu vốn tài nguyên thiên nhiên phong phú, độc đáo và hấp dẫn, tuy nhiên, phương thức khai thác nguồn lực này phục vụ phát triển du lịch một cách ồ ạt đang tạo nên nhiều lo ngại, và tiềm ẩn nguy cơ thiếu bền vững đối với ngành du lịch Việt Nam. Nhìn nhận thực trạng này, PGS, TS Phạm Hồng Long (ảnh nhỏ), Trưởng Khoa Du lịch học (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội) chia sẻ với chúng tôi một số ý kiến về giải pháp bảo tồn thiên nhiên gắn với du lịch bền vững.

Không nên “tham bát, bỏ mâm”
Không nên “tham bát, bỏ mâm” ảnh 1

Việc khai thác phục vụ du lịch ở hang Sơn Đoòng (Quảng Bình) mang yếu tố mùa vụ, nếu không cẩn trọng sẽ làm ảnh hưởng đến môi trường. Ảnh: LÝ QUỐC NAM

“Nồi cơm” và “ngọn lửa”

- Báo cáo năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu năm 2019 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) xếp hạng chỉ số tài nguyên thiên nhiên Việt Nam ở mức cao, nhưng chưa bảo đảm môi trường, tính bền vững trong phát triển du lịch. Theo ông, đây có phải là mặt trái của xu hướng khai thác dựa vào tài nguyên?

- Việc khai thác các giá trị tự nhiên đối với du lịch Việt Nam có một phần lý do từ xuất phát điểm du lịch của chúng ta thấp, hạn chế về tầm nhìn chiến lược. Ban đầu chúng ta chủ yếu là “khai phá” các điểm đến, dựa vào những gì vốn có để làm du lịch mà chưa nhận thức được việc khai thác một cách bền vững, chưa coi trọng công tác bảo tồn và phát huy giá trị môi trường tự nhiên. Trong bối cảnh hiện nay, du lịch đang tăng trưởng nhanh và mạnh, có nhiều điểm du lịch có sự hấp dẫn về tự nhiên lại phải đối mặt với tình trạng khai thác quá mức, thậm chí nằm ở mức quá tải.

Có thể chỉ ra một loạt điểm đến: Ở miền núi có địa danh Sa Pa, miền biển có địa danh Phú Quốc. Có những điểm vùng lõi bảo tồn không bị ảnh hưởng nhưng việc phát triển các công trình xây dựng ở các khu vực lân cận, như thị xã Sa Pa, Tam Đảo, dồn một lượng khách lớn về đây tác động tới môi trường chung quanh rất lớn. Ngay tại Quảng Ninh, với chiến lược chuyển từ “nâu” sang “xanh”, thu hút đầu tư phát triển du lịch, kéo theo một loạt các khu nghỉ dưỡng cao cấp, các khu vui chơi giải trí đa phức hợp ven biển làm che khuất tầm nhìn hướng vịnh. Ở những điểm đến du lịch nổi tiếng ở nước ngoài, người ta không làm du lịch theo cách như vậy.

Một phần lý do cũng bởi đặc tính thời vụ của du lịch khiến khó bảo đảm cho thiên nhiên. Cách đây ba năm, khi tôi lên khảo sát tại Vườn Quốc gia (VQG) Ba Vì, có những ngày ở đây đón khoảng gần 10 nghìn khách vì đúng mùa hoa dã quỳ. Trong khi sức “chịu tải” của VQG này cùng lắm chỉ 1-2 nghìn lượt khách thì số lượng quá lớn gấp 5 - 6 lần rõ ràng không phải tín hiệu mừng. Ở VQG Phong Nha Kẻ Bàng cũng vậy, có những thời điểm khách tăng đột biến, nhưng điều đó khó tránh.

- Nói như vậy tức là chỉ khi thiên nhiên bị xâm hại, điểm đến quá tải, người ta mới bắt đầu chú ý tới “điểm tới hạn”?

- Việc đánh giá tác động tới môi trường thiên nhiên rất quan trọng bởi thiên nhiên đã tổn thương thì khó có thể quay lại nguyên trạng. So sánh với khu vực, một số điểm đến nổi tiếng như Bocaray (Philippines) hay đảo Phi Phi (Thái-lan) đã phải đóng cửa một thời gian vì chịu sức ép quá lớn từ rác thải, nước thải, nhu cầu tiêu thụ năng lượng của khách. Việc đóng cửa thường lựa chọn vào mùa thấp điểm của họ, không quá ảnh hưởng tới nguồn thu. Trong khi ở Việt Nam chưa áp dụng chính sách đó, có thể do tư duy làm du lịch đôi khi đang chú trọng quá vào khía cạnh kinh tế.

Cũng vì lượng khách gia tăng, giá trị kinh tế mang lại nhiều nên điều lo ngại là xu hướng “tham bát, bỏ mâm”. Tôi vẫn so sánh du lịch đang phát triển nóng như “ngọn lửa” - “Ngọn lửa giúp nấu chín một nồi cơm nhưng có thể làm cháy cả một ngôi nhà”. Khi chúng ta chỉ nhìn vào nồi cơm, tức là chỉ thấy khía cạnh kinh tế của nó. Còn khi nhìn du lịch phát triển quá nóng, làm cháy một ngôi nhà, thì có thể phá hủy tất cả, đó là khía cạnh những giá trị văn hóa, tự nhiên bị mất đi.

Rà soát, đánh giá lại quy hoạch

- Vậy theo ông, đâu sẽ là giải pháp hiệu quả để bảo vệ điểm đến trước những tác động tiêu cực từ tình trạng phát triển du lịch “nóng”?

- Có rất nhiều kinh nghiệm quốc tế để quản lý du khách ở một điểm đến. Chính sách giá là một cách quản lý điểm đến hiệu quả, đơn cử như trường hợp của Bhutan. Để tránh lượng khách giá rẻ tới ồ ạt, quốc gia này quy định chi tiêu mỗi khách tại Bhutan tối thiểu mỗi ngày là 250 USD vào mùa cao điểm và 200 USD vào mùa thấp điểm. Tại nhiều các quốc gia như Pháp, Tây Ban Nha, Italia… để tránh quá ngưỡng về lượng khách du lịch, họ sử dụng biện pháp điều chỉnh như đánh thuế môi trường, quy định về số lượng khách của điểm đến, đăng ký sử dụng trước, ngưng hoạt động đón tiếp khách tại một thời điểm nhất định, hạn chế về thời gian lưu trú của khách, tăng giá cao, quản lý theo khu vực…

Còn một cách quản lý giới hạn số khách đến ngưỡng chịu tải nào đó. Điều này dễ dàng áp dụng ở một số điểm đến nhỏ. Tôi đã thấy cách làm này ở VQG Cúc Phương, tại Trung tâm cứu hộ linh trưởng, nếu có một đoàn 45 người thì theo quy định phải chia ba lượt, tránh làm xáo trộn tới động vật bảo tồn. Như vậy sẽ có ba lượt hướng dẫn, khách sẽ chi trả thành ba lần, hạn chế ảnh hưởng tới hệ sinh thái mà vẫn bảo đảm gia tăng giá trị kinh tế. Tuy nhiên, khi muốn áp dụng chính sách tăng giá, các điểm đến cần lưu ý tới cả việc nâng cao chất lượng dịch vụ và sản phẩm du lịch họ cung ứng.

- Nếu áp dụng những chính sách quản lý điểm đến này thì liệu có làm giảm đi sức cạnh tranh của điểm đến?

- Tôi nghĩ những điều đó không giảm sức cạnh tranh mà còn nâng tầm thương hiệu, vì khi đó du khách sẽ nhìn nhận điểm đến theo giá trị chất lượng chứ không phải theo giá trị số lượng mà nó mang lại. Hiện nay Việt Nam đang nằm trong cuộc đua số lượng, khi phải đua với các nước khác về tốc độ tăng trưởng, song chúng ta nên đầu tư nhiều hơn tới chất lượng dịch vụ của một điểm đến, từ đa dạng hóa sản phẩm, cải thiện hạ tầng dịch vụ, bảo đảm môi trường, nguồn nhân lực và ứng dụng công nghệ thông tin…

- Đây là một chiến lược đòi hỏi sự vào cuộc của liên ngành. Theo ông, làm thế nào để có thể kiểm soát tốt hoạt động du lịch và bảo tồn thiên nhiên bền vững?

- Đúng là du lịch là lĩnh vực có sự tham gia của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác nhau. Khi đó vai trò quản lý điểm đến của địa phương, có thể là một ban quản lý, chính quyền huyện, tỉnh/thành phố là quan trọng. Họ là đầu mối phối hợp các ban, ngành liên quan cùng vận hành, trong đó du lịch chỉ là một mắt xích quan trọng, ngoài ra còn các ngành khác như giao thông vận tải, môi trường, trật tự đô thị…

Chưa kể, chúng ta có quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam, nhưng quy hoạch tổng thể là quy hoạch tầm vĩ mô. Trên cơ sở quy hoạch tổng thể thì các địa phương có các quy hoạch chi tiết về phát triển du lịch của từng địa phương mình. Đã đến lúc chúng ta cần rà soát lại quy hoạch chi tiết của các địa phương xem đã phù hợp với quy hoạch tổng thể chưa, trong đó có cả việc xem xét hiện trạng tác động tới môi trường, thiên nhiên.

Ngay bản thân ngành du lịch cũng phải nhìn nhận, đừng chạy theo lượng khách du lịch. Trong hoạt động du lịch, nhất là phát triển bền vững thì phải là hoạt động chung tay của tất cả mọi người. Đó là trách nhiệm của doanh nghiệp, chính quyền, khách du lịch và cộng đồng địa phương chứ không phải là “việc” của riêng một bên nào cả.

- Xin cảm ơn ông!