Họa sĩ Đức Dụ:

“Kể” để tri ân

Đã có 21 lần triển lãm cá nhân kể từ sau Ngày giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước, họa sĩ Đức Dụ (ảnh nhỏ) chia sẻ, ông muốn tiếp tục là người kể những câu chuyện khốc liệt trong những ngày quân và dân ta mở đường Trường Sơn, và những mất mát, hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ cung đường huyền thoại ấy, để đến được ngày toàn thắng.

“Kể” để tri ân

Những ngày tháng không thể quên

- Thưa họa sĩ Đức Dụ, không ít họa sĩ cùng thời ông trở về đời thường đã vẽ và triển lãm nhiều thể loại tranh khác nhau, vì sao ông vẫn chỉ triển lãm tranh ký họa chiến trường?

- Có người nói tôi gàn dở, vì chỉ mãi khư khư triển lãm một dòng “tranh ký ức”. Tôi chỉ cười. Với tôi, 21 triển lãm vẫn là chưa đủ và tôi sẽ còn tiếp tục. Tôi coi đó là nhiệm vụ chưa thể hoàn thành. Chúng ta còn hơn một triệu người từng chiến đấu, làm nhiệm vụ, phục vụ ở các cung đường này còn sống và tôi còn phải “kể” tiếp để tri ân họ. Mỗi lần tôi triển lãm, đồng đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, bộ đội lái xe đến rất đông. Nhiều người xúc động khóc khi thấy “cảnh cũ người xưa”. Thật sự, đây là kho tư liệu quý mà tôi đã có được sau 10 năm làm nhiệm vụ. Tôi muốn người trẻ hôm nay biết đến cung đường này nhiều hơn, thấu hiểu sự hy sinh của cha ông để biết chắt chiu giá trị của hòa bình, để sống và làm những việc có ích.

- Cùng với những gì đã thể hiện trong các bức vẽ đã giới thiệu đến công chúng, Trường Sơn - trong ký ức của ông còn lưu dấu như thế nào?

- Ở Trường Sơn ngày ấy không khí mở đường, sửa đường, bảo vệ đường, chuyển hàng vào nam vô cùng sôi nổi, khẩn trương dù sự sống và cái chết nhiều khi chỉ cách nhau trong gang tấc. Những họa sĩ như tôi say sưa vẽ cảnh các trọng điểm, đất đá, cây đổ ngổn ngang, cháy trụi mà đoàn xe của bộ đội ta vẫn lao lên phía trước, hướng về miền nam. Các binh trạm luôn bị địch đánh phá ác liệt, hình ảnh thực tế khi ấy thật sự bi tráng. Có lần làm triển lãm vội trong chiến trường, tranh được ghim lên thân cây. Bộ đội ta xem cứ thắc mắc tại sao tranh vẽ đúng hình thù một đoạn cua chữ A, đèo Phu La Nhích, nhưng không giống thời điểm trước đó ít tuần. Tôi phải giải thích là do bom đạn địch đã cày xới làm cây cối đổi mầu, chỉ có hình thù con đường và dãy núi thì vẫn còn dáng nét cũ. Có lần, tôi đã gặp và vẽ một ông già, ngoài 60 tuổi, mù cả hai mắt vì bị địch tra tấn, ông vẫn cố mang một gùi đạn nặng 60 cân, nhưng phải nhờ đứa cháu dẫn đường. Cậu bé cầm một đầu cây gậy còn đầu kia ông già nắm chặt. Họ cứ như thế theo đoàn dân công hỏa tuyến mang đạn đến giao tận tay bộ đội.

- Giữa nơi bom đạn, khắc nghiệt và nguy hiểm đến vậy, chắc hẳn các nghệ sĩ gặp nhiều khó khăn để có thể thích ứng và sáng tác?

- Ở hoàn cảnh ấy chúng tôi không thể làm tranh với phông toan được. Chỉ có ký họa bằng bút sắt, bút chì, mầu nước trên giấy là phù hợp hoàn cảnh cần phải vẽ nhanh, tuyên truyền nhanh gọn. Nói chính xác hơn, tranh ký họa thích hợp phản ánh thực tế sinh động về diễn biến các trận đánh, cung đường, cao điểm, có thể kịp thời tổ chức những triển lãm nhỏ ở ngoài mặt trận, hoặc gửi về triển lãm ở hậu phương. Sau này từ những bức ký họa, tôi có điều kiện triển khai, vẽ lại thành những bức tranh khổ lớn bằng chất liệu hiện đại. Ở thời của tôi còn có ba họa sĩ khác cũng rất hăng say với đề tài này, mỗi người đều cố gắng làm việc vượt trên khả năng của bản thân. Chúng tôi vẽ trên hố bom, vẽ trong khi tiếng súng, tiếng đạn pháo nổ đì đùng bên tai. Trước chúng tôi một chút, các họa sĩ Cổ Tấn, Lang Châu, Lê Lam… là những người tài năng, có nhiều triển lãm ở miền bắc từ sau năm 1965. Nhiều bức ký họa được in thành tập, phát hành rộng rãi, được mang ra nước ngoài giới thiệu, để thế giới biết đến nhiều hơn về cuộc chiến tranh giải phóng ở Việt Nam.

Các bức họa của thế hệ chúng tôi về chiến trường, về cung đường Trường Sơn huyền thoại là những tác phẩm phản ánh chân thực hiện thực lịch sử, giúp tái hiện lại tinh thần quật cường, khí phách anh hùng của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến thần thánh ấy.

“Kể” để tri ân ảnh 1

Đường giao liên Trường Sơn (Tranh sơn dầu, 2014).

Với tôi, đó là ký ức

- Với đặc thù công việc và sự phân công nhiệm vụ khi đó, không phải họa sĩ nào muốn là được giao nhiệm vụ vẽ về cung đường Trường Sơn. Vậy ông “bén duyên” với cung đường này thế nào?

- Tôi đam mê vẽ từ nhỏ. Năm 1965, Mỹ đưa quân vào miền nam, những người thanh niên trẻ như tôi hăng hái lên đường nhập ngũ. Tôi trở thành người lính của Trung đoàn 5 công binh, mở đường Trường Sơn ở miền tây Thừa Thiên. Tận thấy và nếm trải những khó khăn, gian khổ của mình và đồng đội, tôi vô cùng xúc động và muốn làm một điều gì đó để động viên anh em. Tôi đã vẽ những tác phẩm đầu tiên về người chiến sĩ công binh, đào đường bí mật ở Trường Sơn, với chất liệu thuốc mực. Thời gian nghỉ hoặc đêm thì buộc vào dây rừng cho đồng đội ngắm. Tôi đã vẽ với ý niệm là sẽ giữ lại để cho thế hệ sau thấy cuộc chiến đấu chống đế quốc Mỹ của quân và dân ta thật sự khốc liệt, phải trả giá bằng mồ hôi và nước mắt, cùng với sự hy sinh, mất mát to lớn.

Thấy tôi hăng say nhiệm vụ mở đường, lại chịu khó vẽ về những sự kiện quan sát được ở tuyến đường, Cục Chính trị (Bộ Tư lệnh Đoàn 559) khi đó tạo điều kiện để tôi được chuyên đi vẽ về đồng bào và các sự kiện trong cuộc kháng chiến để phục vụ tuyên truyền. Lúc đó tôi vẽ hoàn toàn bản năng, bằng tinh thần của một người lính và tình yêu nước chứ chưa hề được đào tạo qua trường lớp. Năm 1968, tôi được điều động chuyên đi vẽ ở các binh trạm và khu vận tải, các tuyến đường. Từ đó, bước chân tôi đã in dấu trên nhiều nẻo đường Trường Sơn, dưới mưa bom bão đạn và cố gắng vẽ bằng tất cả tâm hồn mình.

- Được biết, vào thời khắc bộ đội ta tiến vào Dinh Độc Lập, ông cũng có mặt. Ông có còn nhớ không khí của ngày lịch sử ấy?

- Ngày 30-4-1975 tôi đi cùng đoàn xe tải hậu cần của Sư đoàn Vận tải 57 (Bộ Tư lệnh Trường Sơn) tiến vào Sài Gòn, có quân giải phóng dẫn đường. Tiến đến cổng Dinh Độc Lập, đoàn xe dừng lại. Lúc này tôi chưa thấy kéo cờ trên nóc Dinh Độc Lập. Tôi lập tức lấy một tờ giấy to bản ra, nhờ hai người đứng hai bên căng giấy và vẽ. Vẽ gần xong thì lá cờ quân giải phóng tung bay trên nóc Dinh. Bức này tôi vẫn giữ.

- Đã có những cựu chiến binh Mỹ hỏi mua tranh ký họa của ông, nhưng ông không bán. Vì sao vậy?

- Làm sao tôi bán được. Bởi đó là ký ức và sẽ không thể có lại được. Năm ngoái, vào ngày 24-12, kết thúc triển lãm “Ký ức Trường Sơn” ở Nam Định, tôi đã hiến tặng Bảo tàng Nam Định hai tác phẩm có giá trị “Trọng điểm Tha Mé, mùa khô năm 1968” và “Con mắt trọng điểm” vì tỉnh này có nhiều người từng hoạt động ở tuyến đường Trường Sơn năm xưa, trong đó có nhiều đồng đội tình nghĩa của tôi.

- Cùng với những bức vẽ về Trường Sơn, ông có sáng tác đề tài nào khác không?

- Năm 1973, tôi được đơn vị cử về học ở Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam, được vài tháng tôi quay trở lại chiến trường. Sau năm 1975 tôi về công tác ở Bảo tàng Tổng cục Hậu cần và dành thời gian vẽ lại những bức ký họa ở chiến trường bằng chất liệu sơn dầu, khổ lớn, đồng thời triển khai dòng tranh về giàn khoan, phong cảnh, gia đình. Tôi cũng chỉ tham gia triển lãm hai lần tranh phong cảnh, sau đó thấy mình hợp hơn với chất lính, nên chỉ triển lãm tranh ký họa Trường Sơn.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

“Kể” để tri ân ảnh 2

Cao điểm 550 bị tiêu diệt (Tranh mầu nước, 1972).