Nhà viết kịch Chu Thơm:

Đánh giá cao công chúng của sân khấu

Không ồn ào, ít tuyên ngôn, nhưng những tác phẩm của nhà viết kịch Chu Thơm đang ngày càng tạo nên những dấu ấn đậm nét trong các liên hoan, hội diễn chuyên nghiệp, hay trên sàn diễn các đơn vị nghệ thuật xã hội hóa. Anh cũng là cây bút được chào mời bởi nhiều kênh truyền hình, và trở thành một trong số ít tác giả sân khấu thật sự sống được bằng nghề. Viết, với anh, chính là cách để thắp lên một ngọn lửa, dù rất nhỏ…

Đánh giá cao công chúng của sân khấu

Bởi mỗi chúng ta đều còn vương mùi bùn đất

- Xin chúc mừng anh, Chuyện bịa của làng Vồm (hay Ao làng - NH Tuồng Việt Nam) - một trong những vở diễn mới nhất lại vừa gặt hái Huy chương vàng tại Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch 2016. Dường như anh ngày càng có duyên với giải thưởng?

- Tôi rất vui khi nhận tin về giải thưởng, càng vui hơn khi biết tác phẩm được ban giám khảo Liên hoan và bạn nghề ghi nhận, đối với tôi, đó là phần thưởng lớn nhất và khó nhất.

- Quanh câu chuyện cái ao, anh muốn chuyển tải điều gì?

Đánh giá cao công chúng của sân khấu ảnh 1

Cảnh trong vở Chuyện bịa của làng Vồm (hay Ao làng - NH Tuồng Việt Nam).

- Khi Giám đốc NH Tuồng Việt Nam Phạm Ngọc Tuấn mời tôi viết một kịch bản về đề tài hiện đại, tôi nghĩ ngay đến làng quê Việt, đơn vị tụ cư cổ truyền lâu đời của người Việt, bởi chỉ có tại làng, xã - cái nôi của văn hóa dân gian thì nghệ thuật tuồng mới có đất dụng võ chứ viết về Formosa hay một dự án treo nào đó thì chẳng khác gì hại tuồng.

Ở làng quê Việt, ngoài cái cổng - “vọng gác tiền tiêu” của làng, thì ao làng chính là một phần không thể thiếu trong cấu trúc làng xã Việt Nam, là ký ức thân thương, miền cổ tích ăn sâu vào tiềm thức mỗi người con của làng quê Việt. Dưới tác động của cuộc sống hiện đại, cái ao làng ấy đang bị chính những người con của làng làm vẩn đục bởi những toan tính thiệt hơn, manh mún, nhỏ lẻ theo kiểu tư duy mà ngày nay người ta gọi là tư duy theo lối “ao làng” làm kìm hãm sự phát triển của cộng đồng và xã hội.

- Hết khai thác lịch sử lại quay về với chốn đồng quê thôn dã, anh không ngại bị nhìn nhận là “âm lịch”?

- Ai trong chúng ta chẳng có gốc gác nông thôn, chẳng còn vương mùi bùn đất? Cả nước Việt là như thế. Trong suy nghĩ của tôi, chốn làng quê thôn dã luôn ẩn chứa rất nhiều giá trị tinh hoa của nghệ thuật dân tộc, và tôi thấy mình còn có thể học được rất nhiều điều từ đó. Tôi rất thích được đến các vùng quê để được gặp gỡ những người nông dân trong nghèo khó vẫn hồn hậu, quyết giữ “nếp nhà”, thuần phong mỹ tục, hương ước của làng… và cảm nhận được cả những ước mơ thầm kín về một cuộc sống đủ đầy của họ, những người sinh ra đã bị cái nghèo truy sát.

Tôi đã viết nhiều vở về nông thôn: Người mang hai vết thương, Niềm tin của mẹ, Gió từ những cánh đồng… Tôi nghĩ, đề tài nào cũng vậy, điều quan trọng nhất là phải chuyển tải được thông điệp đậm tính nhân bản, chính điều đó sẽ tạo nên sức sống cho tác phẩm.

Bạn thấy đấy, tôi viết Đàn bà dễ có mấy tay... có sàm sỡ gì đâu mà vẫn thu hút người xem?

Phải hòa nhịp hơi thở với đời sống đương đại

- Một số kịch bản của anh được nhiều đơn vị nghệ thuật đã và vẫn đang xin dựng lại. Anh nghĩ sao về điều đó? Do tự thân kịch bản, hay bởi sân khấu quá thiếu tác phẩm hay?

- Sân khấu không thiếu kịch bản hay vì hiện tại có rất nhiều tác giả giỏi, nhưng có thể kịch bản của họ chưa hoàn toàn phù hợp với tiêu chí tuyển chọn của các đơn vị nghệ thuật. Có thể kịch bản của tôi may mắn được chọn vì họ thấy hợp với tiêu chí của đơn vị thôi.

- Nhưng sân khấu đang ngày càng lún sâu vào vùng trũng khủng hoảng mà chưa tìm thấy lối thoát hiệu quả?

- Sân khấu có những yêu cầu riêng, khắt khe hơn nhiều loại hình nghệ thuật khác, và vì thế, khó khăn hơn trong việc thu hút khán giả, bởi sân khấu ít có các hình thức phụ trợ. Chính vì vậy, sân khấu muốn phát triển, theo tôi, phải phản ánh hơi thở của cuộc sống đương đại nhưng không phải là hiện thực bò sát mà phải là hiện thực huyền ảo. Người viết phải đồng hành, hòa nhịp hơi thở của mình với đời sống đương đại. Người viết hôm nay đang bị “chết đuối” trên biển thông tin, rất khó lựa chọn để đưa gì vào tác phẩm. Tôi nghĩ, chỉ nên chọn một điểm nhấn thôi.

Văn học kịch phải được đặt lên mức yêu cầu cao, nói ít hiểu nhiều, mỗi câu thoại phải có sức nặng, nhưng không phải “đao to búa lớn” mà lại phải được diễn đạt bằng vỏ ngôn từ tưởng như đơn giản. Còn một điều nữa mà tôi thấy nhiều tác giả đang mắc phải, đó là nỗi lo khán giả không hiểu được hết những điều mình muốn nói, nên hay dài dòng, dạy dỗ. Tôi thì nghĩ khác, cần đánh giá cao công chúng của sân khấu. Hãy luôn tâm niệm rằng, công chúng hôm nay có trình độ học vấn và khả năng thưởng thức rất khắt khe, luôn có sự so sánh cái hay và dở của sân khấu với những bộ môn nghệ thuật khác. Một khi tác phẩm không nói được tiếng lòng của khán giả mà chỉ nói những chuyện vô bổ, xa vời sẽ bị họ quay lưng.

- Bạn nghề và nhiều người trong giới đều có chung nhận xét: Gừng càng già càng cay, từ ngày về nghỉ hưu, anh càng viết khỏe và lên tay, ghi dấu ấn sâu đậm…

- Từ nhiều năm nay, tôi có thói quen làm việc hưng phấn nhất từ 23 giờ đêm đến 3 giờ sáng. Mỗi đêm ngủ nhiều nhất 5 tiếng. Một ngày không ôm cái máy tính 6 tiếng là không chịu được. Tôi thích câu “giam mình trong cõi lặng để sáng tác” của nhà văn Chu Lai. Tôi thích khoảng lặng của đêm để được khóc cười với các nhân vật của mình. Và có thể bật mí rằng, tôi khóc nhiều hơn cười.

Vài năm trước, tôi là “cộng tác viên ruột” của chương trình Chuyện không của riêng ai của Công ty cổ phần truyền thông Lasta, đến kỳ nộp kịch bản sản xuất là phải làm tối ngày, không được lỡ hẹn. Tôi viết đến nỗi có nhiều ngày đi trong nhà như kẻ mộng du khiến bà xã của tôi lo lắng, kêu lên: Anh ôm máy vừa thôi để còn sống chứ. Những lúc như vậy tôi lại chống chế: Ôm máy còn không nguy hiểm bằng ôm… Nói vui thế thôi chứ viết được, tôi thấy mình thư thái vì được chia sẻ.

- Chu Thơm ngoài đời là một người lịch thiệp, ôn hòa, có phần kiệm lời, thậm chí, nhiều khi gây cảm giác “dĩ hòa vi quý”, hoàn toàn đối lập với những gì anh thể hiện ra trong tác phẩm?

- Người ta bảo: Văn là người, nhưng tôi thấy không đúng. Khi tôi làm họa sĩ (Chu Thơm tốt nghiệp chuyên ngành họa sĩ sân khấu tại Liên Xô cũ năm 1976 - PV) rất ít người biết tôi là họa sĩ, bởi quần áo của tôi không bao giờ dính mầu vẽ, tóc tai gọn ghẽ. Tôi thường lặng lẽ giữa đám đông, tránh xa các cuộc vui vô bổ, nhưng tôi vẫn thu nhận tất cả những chất liệu của cuộc sống theo cách riêng của mình. Con người, tôi nghĩ, cần nhất là hòa điệu được với bạn bè.

Nhiều người luôn có cảm hứng bày tỏ sự bất bình với những cái xấu trong xã hội bằng lời nói, trên mạng xã hội… tôi thì không bộc lộ suy nghĩ của mình, mà chỉ muốn đưa tất cả những điều đó vào tác phẩm.

Tôi mồ côi mẹ từ năm lên chín tuổi. Cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in cái cảm giác của buổi chiều hôm đó, khi đưa mẹ ra đồng. Tôi đã ngước nhìn lên đám mây trắng đang bay trên trời, và ước rằng điều đã xảy đến chỉ là một cơn ác mộng. Thấm trải nỗi đau đó đã nhắc nhở tôi hãy luôn nghĩ đến những người kém may mắn hơn mình.

Hãy nhóm lên một ngọn lửa, dù rất nhỏ, để đẩy lùi bóng tối. Đừng chửi rủa bóng tối, vì bóng tối là điều tất yếu của cuộc đời này.

- Xin cảm ơn những chia sẻ của anh.

Nhà viết kịch Chu Thơm sẽ được trao Giải thưởng Nhà nước dành cho văn học nghệ thuật năm 2016, với hai tác phẩm Giai nhân và Anh hùng và Giếng thơi trong lòng phố. Nhiều vở diễn khác của anh cũng ghi dấu đậm nét trong lòng công chúng và bạn nghề, như Thuyền lá, Tấm gương, Dòng sông ký ức… (sân khấu) hay Đứa con lưu lạc, Niềm tin của mẹ… (phim truyền hình).