Đạo diễn Vũ Minh:

Chúng tôi viết về những ước mơ của trẻ

Ngoài những vở kịch dành cho người lớn như Vua thánh triều Lê, Trái tim nhảy múa, Thú yêu thương, Bông hồng cài áo… tên tuổi của đạo diễn Vũ Minh còn được biết đến trong vai trò biên kịch và dàn dựng hơn 20 vở kịch cho chương trình Ngày xửa ngày xưa, vở nào cũng trong tình trạng cháy vé như Hoàng tử Ai Cập, Na Tra đại náo thủy cung, Sơn Tinh - Thủy Tinh, Cậu bé rừng xanh, Phù Đổng Thiên Vương, Trần Quốc Toản ra quân…

Cảnh trong vở Alibaba với đầy đủ 40 tên cướp với lại cây đèn thần của Alađin nữa đó.
Cảnh trong vở Alibaba với đầy đủ 40 tên cướp với lại cây đèn thần của Alađin nữa đó.

Được mệnh danh là “phù thủy” của kịch thiếu nhi, Vũ Minh chia sẻ với chúng tôi bí quyết để làm nên thành công trên sàn diễn.

Lợi thế từ niềm tin của khán giả

- Sân khấu Idecaf vừa giới thiệu đến khán giả nhỏ tuổi chương trình Ngày xửa ngày xưa 31 bằng vở kịch có cái tên dài hiếm thấy “Alibaba với đầy đủ 40 tên cướp với lại cây đèn thần của Alađin nữa đó”. Vở diễn được đầu tư 650 triệu đồng, cao gần gấp đôi so với năm 2017. Điều này có đặt lên vai anh áp lực chuyện bán vé? - Tôi và mọi người trong ê-kíp đều tin khi làm vở này chắc chắn phụ huynh và các em sẽ đến ủng hộ rất nhiều. Bởi vì tôi cảm nhận được bây giờ trẻ con thiếu quá nhiều những chương trình dành riêng cho các em, nhất là kịch. Ngày xửa ngày xưa là chương trình để phụ huynh dẫn con đi xem, không chỉ được giải trí mà còn thấy được những bài học bổ ích cho con em mình.

Tôi chỉ có duy nhất một áp lực là năm sau mình phải làm cái gì để chương trình mới hay hơn so với năm trước. “Năm nay mình làm như vậy thì năm sau mình làm gì đây?”. Lúc nào chúng tôi cũng phải đặt cho mình câu hỏi đó, và hiện tại chúng tôi cũng đã có kế hoạch cho năm sau rồi.

Chúng tôi có lợi thế là thương hiệu chương trình đã có từ mấy năm nay, tạo được uy tín đối với khán giả, nên khi biết chúng tôi làm chương trình thì họ đến thôi. Khi chương trình diễn ra, chúng tôi tin có khoảng 50% khán giả các năm trước sẽ đến rạp. Chính vì vậy, chúng tôi không thể làm ẩu mà phải đầu tư để làm cho tới. Đó là lý do vì sao năm nay kinh phí vượt trội, gần gấp đôi năm ngoái. - Ngày xửa ngày xưa chủ yếu khai thác đề tài từ các câu chuyện cổ tích. Đó có phải là công thức chung làm nên thành công của các vở kịch dành cho thiếu nhi của Idecaf?

- Đúng rồi. Tên chương trình là thương hiệu, khai thác những câu chuyện cổ tích trong kho tàng cổ tích Việt Nam và thế giới. Hằng năm có sự thay đổi câu chuyện, hình thức và phong cách dàn dựng.

Hai năm trước chúng tôi cũng làm chuyện cổ tích nhưng hoàn toàn do chúng tôi tưởng tượng ra, không thuộc về một đất nước nào cả. Năm nay chúng tôi quay trở lại với truyện cổ tích thế giới mà trước đây đã từng làm như Lọ lem, Alađin và cây đèn thần, Công chúa ngủ trong rừng, Bạch Tuyết và 7 chú lùn… Chúng tôi làm mới những câu chuyện cổ tích này.

- Tập trung khai thác các câu chuyện cổ tích, liệu kịch có xa rời cuộc sống đương đại của trẻ em bây giờ không, thưa anh? - Ngày xửa ngày xưa có một điều đặc biệt là cả người lớn và trẻ con xem đều thích. Nếu đã thích rồi thì làm sao xa rời được. Chúng tôi làm mới câu chuyện, hướng khán giả theo cái mới đó. Với Alibaba với đầy đủ 40 tên cướp với lại cây đèn thần của Alađin nữa đó lần này, câu chuyện từ đầu đến cuối là y chang trong truyện cổ tích, chỉ khác về hình thức, phong cách thể hiện, cách diễn so với trước đây.

Chúng tôi viết về những ước mơ của trẻ ảnh 1

Với trẻ con không nên dùng roi mây

- Anh là người dựng nhiều vở kịch cho trẻ em và thành công. Bí quyết của anh là gì? - Tôi chẳng có bí quyết gì cả. Đơn giản, chỉ cần bạn đặt mình là trẻ con bạn sẽ biết được chúng đang thích và muốn cái gì, trên cơ sở đó mình làm. Đối với trẻ con không nên giáo điều, không nên dùng roi mây, không nên dạy dỗ một cách khô cứng mà nói chuyện với chúng theo một hình thức nhẹ nhàng qua những bài học cụ thể, đơn giản dễ hiểu. Nhờ đó, trẻ sẽ ghi nhớ rất nhanh.

- Các sân khấu họ cũng làm vậy, nhưng họ không thành công…

- Mỗi sân khấu có một cách làm riêng. Ở đây tôi may mắn tìm được tiếng nói chung, cả ê-kíp đều có suy nghĩ, tâm huyết và có một định hướng chung nên mới làm được như vậy. Thành công này không phải của riêng cá nhân ai cả mà đây là công sức của tập thể, đã đi đến 31 chương trình rồi. Tất cả mọi người cùng đồng tâm hiệp lực mới có thành công này, chứ cá nhân tôi hay một nghệ sĩ nào đó cũng không thể làm được gì đâu! - Người ta vẫn gọi Vũ Minh là “phù thủy” kịch thiếu nhi đó thôi! Là anh quá khiêm tốn?

- Thật ra, danh xưng “phù thủy” sân khấu thiếu nhi là do anh chị em báo chí và khán giả họ đặt cho tôi. Khi mà nghe được, tôi cũng cảm thấy thú vị nhưng cũng cảm thấy có chút áp lực. Áp lực là vì mỗi chương trình năm này phải khác năm trước. Điều quan trọng nhất là mình không lặp lại chính mình. Bao giờ cũng phải có sự thay đổi, thay đổi phong cách, thay đổi dàn dựng, thay đổi câu chuyện, cách đặt vấn đề...

- Phải chăng anh biết chiều người lớn và thiếu nhi?

- Tôi không chiều theo thị hiếu, mà mình chiều theo cảm nhận của mình thôi, mình không thể chiều theo thị hiếu của khán giả được vì thị hiếu của khán giả thì nhiều lắm, mình không chiều hết được nhưng mình hướng những gì dễ đi vào lòng người, dễ đi vào trong tim, trong ký ức của người ta thì lần sau họ sẽ tìm đến với mình. Khi làm việc tôi chỉ nghĩ đơn giản làm sao làm việc tốt nhất, chứ không nghĩ chiều lòng ai cả. Nhưng điều quan trọng là chúng ta phải nắm bắt được phụ huynh và trẻ con hiện nay đang cần cái gì.

- Trẻ con bây giờ đã khác, so về tuổi tác thì là một sự cách biệt lớn với anh. Anh tự tin mình hiểu trẻ con đến đâu?

- Tâm lý trẻ con mỗi thời điểm mỗi khác nhau nhưng vẫn có sự chung đó chính là bay bổng và tưởng tượng. Trẻ con nào cũng thích tưởng tượng, luôn luôn có những ước mơ đầy màu sắc. Và chúng tôi viết về những ước mơ đó.

- Giữa dựng vở cho người lớn và thiếu nhi, đối tượng nào khiến anh hứng thú hơn?

- Với tôi, người lớn hay thiếu nhi, đối tượng nào cũng là khán giả, không có sự phân biệt nào cả. Quan trọng là mình muốn truyền tải cái gì, ý đồ dàn dựng ở đây là gì, phong cách mình dựng làm sao.

- Xin cảm ơn anh.

Alibaba với đầy đủ 40 tên cướp với lại cây đèn thần của Alađin nữa đó công diễn từ ngày 26-5 đến ngày 2-7 tại Nhà hát Bến Thành (quận 1, TP Hồ Chí Minh). Vở diễn có sự tham gia của hơn 80 diễn viên, ngoài 40 tên cướp là các diễn viên quen thuộc như Thành Lộc, Hữu Châu, Đình Toàn, Mỹ Duyên, Bạch Long, Hoàng Trinh, Đức Thịnh, Hương Giang, Dương Lâm, Don Nguyễn… Vở kịch được đầu tư bảy bài múa, sáu ca khúc viết riêng cùng số lượng trang phục được may mới hoàn toàn lên đến cả trăm bộ, cảnh trí được làm theo hiệu ứng 3D bắt mắt và rực rỡ.