NSƯT Sỹ Tiến:

Chúng ta không nên "ăn mày dĩ vãng"

Giữa thời điểm khó khăn của sân khấu, Nhà hát Tuổi trẻ lại cho ra mắt một sản phẩm mới - nhạc kịch, được coi là điểm nhấn sáng tạo của năm 2021. NSƯT Sỹ Tiến (ảnh nhỏ), Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cho rằng, sáng tạo và làm mới luôn là khát vọng làm nghề của nghệ sĩ, sân khấu không nên "ăn mày dĩ vãng" mà phải luôn đổi mới để bắt kịp với xu thế nghe nhìn của thời đại.

Nhạc kịch là loại hình Nhà hát Tuổi trẻ nhắm đến từ lâu.
Nhạc kịch là loại hình Nhà hát Tuổi trẻ nhắm đến từ lâu.
8_1-1619147116900.jpg

Hào hứng với những thử thách

- Trong vài năm gần đây, nhạc kịch bắt đầu được biết đến ở Việt Nam và đã từng tạo nên cơn sốt. Ðó có phải là lý do lần này Nhà hát Tuổi trẻ bắt tay vào dàn dựng một vở nhạc kịch?

- Ðối với đời sống nghệ thuật trên thế giới, nhạc kịch không hề mới mẻ. Vài năm trở lại đây, nghệ thuật biểu diễn ở Việt Nam bắt đầu quan tâm đến nhạc kịch. Nhà hát Tuổi trẻ có thế mạnh, có đủ ca, múa, kịch, chúng tôi ảnh hưởng lẫn nhau trong biểu diễn. Nhạc kịch là nghệ thuật chúng tôi nhắm đến khá lâu, nhưng chưa có điều kiện thực hiện. Phải làm cẩn trọng và bài bản chứ không phải đi theo xu thế. Làm thế nào để có một bản diễn đẹp, kết hợp hài hòa ba yếu tố nhạc, kịch và hát. Ðây cũng là mơ ước của các nghệ sĩ và những người làm quản lý. Tôi muốn đầu tư vào chính nghệ sĩ để họ tỏa sáng trên sân khấu, sự tỏa sáng của họ sẽ mang lại vị thế cho nhà hát.

Tuy nhiên, quy mô đào tạo của chúng ta chưa đáp ứng được loại hình nghệ thuật đỉnh cao này. Vừa rồi chúng tôi tổ chức casting, tuyển diễn viên nhà hát và diễn viên tự do, nhưng chỉ có vài nghệ sĩ đạt được hai phần ba tiêu chuẩn (tức là vừa diễn vừa hát, hoặc vừa diễn vừa múa). Ðiều đó thôi thúc chúng tôi làm thế nào để tốt hơn. Chúng tôi khá thận trọng, dành sáu tháng để bồi dưỡng cho nghệ sĩ đủ tự tin, thuần thục các kỹ năng khi bước lên sân khấu. Phải nhờ những nỗ lực ấy mới tìm kiếm được những ngôi sao mới, tìm kiếm được những nghệ sĩ đam mê diễn xuất và cống hiến cho khán giả.

- Anh có thể tiết lộ về nội dung vở nhạc kịch được đầu tư kỹ lưỡng và bài bản này không?

- Chúng tôi tập trung vào mạch chính là "Sóng", dựa vào ý thơ của nhà thơ Xuân Quỳnh. Ðây là vở nhạc kịch Việt Nam, là những thổn thức về thân phận người phụ nữ, vừa lãng mạn, yêu thương nhưng cũng đầy mạnh mẽ, quyết liệt đi tìm hạnh phúc của mình. Sự kết hợp của các ca khúc, ngôn ngữ múa sẽ góp phần tôn vinh vẻ đẹp, khát vọng sống của người phụ nữ. Tôi mời Triều Dương, một bạn trẻ tài năng học ở nước ngoài về làm đạo diễn. Làm thế nào để dung hòa được một câu chuyện mang đậm màu sắc Việt trong một ngôn ngữ nghệ thuật phương Tây đang là điều mà chúng tôi trăn trở.

- Lựa chọn một vở nhạc kịch Việt Nam, anh có tự làm khó mình, vì vốn dĩ khán giả của nhạc kịch khá cao cấp và loại hình này lại bị đóng khung với các vở diễn kinh điển của thế giới?

- Thế mạnh và đặc trưng của Nhà hát Tuổi trẻ là phân khúc khán giả gần với đời sống, cách diễn cũng giản dị, mộc mạc, đi từ những điều bình dị của cuộc sống hằng ngày. Ðiểm nhấn hằng năm của chúng tôi vẫn có những vở chính kịch lớn. Còn nhạc kịch là một hướng đi mới, tìm kiếm những cơ hội mới. Nó khó vì chưa có tiền lệ hoặc tiền lệ thấp thoáng đâu đó nhưng rất thú vị. Vì nếu chúng ta đi theo con đường có sẵn cũng ổn thôi nhưng format đó định hình rồi, không cần quá nhiều đột phá. Tôi hào hứng với những thử thách, sáng tạo mới thú vị hơn.

"Ngày đẹp trời" cho sân khấu

- Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long cũng triển khai dự án nhạc kịch, mới đây nhất là vở "Tôi đọc báo sáng nay", nhưng khá chật vật đi tìm khán giả. Anh đã có kế hoạch gì cho vở nhạc kịch này trong bối cảnh sân khấu đang vắng khán giả?

- Ðây chắc chắn là một dự án dài hơi của nhà hát. Chúng tôi muốn khai thác một phân khúc trong đời sống thưởng thức văn hóa nghệ thuật. Xu hướng này của phương Tây, nhưng nó sẽ được Việt hóa sao cho gần gụi, dễ hiểu hơn để tiếp cận khán giả. Chúng tôi muốn chính các nghệ sĩ cũng phải thay đổi cách thức biểu diễn, nhiều vở nhạc kịch ra đời sẽ kích hoạt đời sống nghệ thuật lên một bước cao hơn, tạo môi trường cho nghệ sĩ phải thay đổi, không được dễ dãi và tự hài lòng với chính mình. Và cuối cùng, người hưởng lợi chính là khán giả, họ được thưởng thức những bản diễn tích hợp nhiều loại hình nghệ thuật. Ða dạng các món ăn và đáp ứng nhiều nhu cầu của khán giả, đó là yêu cầu đối với sân khấu hiện nay. Sau vở diễn này, chúng tôi có kế hoạch làm nhạc kịch dành cho thiếu nhi. Lứa tuổi khó nhất là thanh, thiếu niên, chúng tôi đã mở được chìa khóa với tác phẩm "Trại hoa vàng". Tới đây chúng tôi sẽ tiếp tục làm nhạc kịch dành cho bé 5-7 tuổi, để thu hút khán giả nhí, đó cũng là cách chúng tôi đào tạo khán giả từ nhỏ.

- Nhiều ý kiến cho rằng, một trong những lý do khiến khán giả thờ ơ với sân khấu chính là vì sân khấu quá cũ, không chịu đổi mới?

- Ðầu tư một vở diễn cần sự nghiêm túc, bài bản, khoa học, làm dễ dãi là tự giết mình. Ðó là một cuộc chơi tốn kém, không phải ai muốn cũng làm được, phải cẩn trọng và dành nhiều tâm huyết. Sân khấu vắng khán giả một phần vì chúng ta làm truyền thông chưa tốt. Mặt khác, sân khấu cũng đòi hỏi khán giả kỹ tính hơn, đến nhà hát phải chỉn chu từ quần áo đến tâm thế thưởng thức nghệ thuật. Nhưng tôi tin, lúc này có thể họ chưa đến, nhưng một ngày đẹp trời họ sẽ đến, môi trường đó có sự giao thoa văn hóa, họ sẽ tìm thấy mình trong đó. Ðối với những khán giả nhỏ mà nhà hát tập trung xây dựng, qua câu chuyện sẽ giúp các em tự tin hơn, hiểu biết hơn. Theo tôi, chúng ta phải nuôi dưỡng tình yêu và thói quen thưởng thức nghệ thuật từ nhỏ, nếu phát triển được sân chơi đó, chúng ta sẽ tạo ra một thế hệ có hiểu biết hơn, phát triển cân bằng trong đời sống. Nghệ thuật nói chung và sân khấu nói riêng giúp các em tư duy độc lập và phát huy trí tưởng tượng, một trong những kỹ năng quan trọng nhất của thế kỷ mới.

- Có lẽ, chỉ có niềm tin mới giúp các nghệ sĩ như anh đi đường dài được với sân khấu và không ngừng sáng tạo?

- Chúng ta đừng nhìn thấy khó khăn mà lảng tránh, càng khó khăn càng phải cố gắng, chỉ có điều lúc này được nhìn nhận hay chưa. Cơ hội ở phía trước rất nhiều. Thế giới luôn vận động và thay đổi. Nghệ thuật cũng vậy. Có nhiều trào lưu khác nhau, xu thế phát triển về văn hóa, văn học nghệ thuật, phim ảnh khác nhau. Chúng ta cũng phải vận động không ngừng. Tôi đã sống trong quãng thời gian thành công trong xu thế sản xuất các chương trình hài kịch như "Ðời cười" đầu những năm 2000, nhưng bây giờ thời thế đã thay đổi, nhu cầu thưởng thức thay đổi, chúng ta phải đi tìm cái mới chứ không nên ăn mày dĩ vãng. Các nghệ sĩ thay đổi không phải để định hướng khán giả mà giúp cho nghệ thuật giải trí tiến lên một bước nữa. Nhà hát Tuổi trẻ may mắn nằm trong "Hiệp hội Sân khấu dành cho Thiếu nhi của thế giới", ở đó họ trao đổi nhiều bài học và xu hướng khác nhau của sân khấu thế giới, mình nhận thấy có những vấn đề cần cải thiện cho sân khấu Việt Nam. Mỗi nước có những đặc trưng riêng, họ có những sáng tạo rất độc đáo. Nếu mình chỉ ngồi ở nhà diễn và đóng cửa khen nhau, chẳng khác nào con hát mẹ khen hay. Phải đi ra, giao lưu mới biết mình đang ở đâu. Tôi đã có dịp đến một nhà hát nổi tiếng của Nhật Bản, họ mua bản quyền của Broadway, những vở diễn mà khi xem chúng ta đi hết từ ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác, "Vua sư tử’, "Aladin và cây đèn thần"... đều rất biến ảo, kỳ diệu. Tuy nhiên, để làm được điều đó đòi hỏi nguồn lực con người và tài chính rất lớn. Chúng ta chưa làm ngay được, nhưng cần từng bước nâng cấp sân khấu lên cao hơn cho xứng tầm với nghệ thuật biểu diễn này.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh.