Tin mới nhận

Ba tháng đầu năm, Hà Nội đón gần 7,5 triệu lượt khách du lịch

Sở Du lịch Hà Nội vừa thông tin, ước tính trong tháng 3, khách du lịch đến Thủ đô đạt hơn 2 triệu 645 nghìn lượt người, tăng 12% so cùng kỳ năm trước, trong đó, khách du lịch quốc tế đạt hơn 769 nghìn lượt người, tăng 20% so với cùng kỳ; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 10.121 tỷ đồng, tăng 37% so cùng kỳ năm 2018. Ba tháng đầu năm nay, ước tính khách du lịch đến Hà Nội đạt gần 7 triệu 475 nghìn lượt khách, tăng hơn 10% so cùng kỳ năm 2018, trong đó khách quốc tế ước đạt hơn 1 triệu 883 nghìn lượt, tăng 15%; khách du lịch nội địa ước đạt hơn 5 triệu 591 nghìn lượt khách, tăng 9% so cùng kỳ năm 2018. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 26.954 tỷ đồng, tăng 32% so cùng kỳ năm 2018.

Tập trung giám sát, giải quyết kiến nghị của cử tri

UBND thành phố vừa yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã rà soát toàn bộ các kiến nghị của cử tri từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Đối với những nội dung kiến nghị đủ điều kiện giải quyết, nhưng chưa hoàn thành, cần tập trung chỉ đạo, phân công trách nhiệm cụ thể, xác định rõ lộ trình giải quyết của đơn vị; báo cáo UBND thành phố để tổng hợp, báo cáo kết quả tại kỳ họp HĐND thành phố. Nâng cao trách nhiệm tham mưu cho UBND thành phố trong công tác giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri; thường xuyên rà soát, cập nhật các chính sách mới để kiến nghị và tham mưu với HĐND, UBND thành phố xem xét điều chỉnh, bổ sung các chính sách phù hợp với quy định của pháp luật và điều kiện thực tiễn của thành phố. Thành phố yêu cầu rà soát các quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo đã có hiệu lực thi hành, nhưng đến nay chưa hoặc chậm thực hiện; phân tích làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và biện pháp chỉ đạo xử lý, tháo gỡ để thực hiện dứt điểm; đối với những trường hợp khó khăn, vướng mắc cần báo cáo đề xuất cụ thể với UBND thành phố để chỉ đạo xử lý, giải quyết.

Phê duyệt đề án xử lý chất thải y tế nguy hại

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa phê duyệt Đề án "Xử lý chất thải y tế nguy hại thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2025". Đề án tập trung đánh giá thực trạng phát sinh, công tác quản lý, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại (rắn, lỏng); đề xuất các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nhằm bảo đảm các cơ sở y tế thực hiện xử lý chất thải y tế nguy hại theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường; bảo đảm kinh tế, hiệu quả và dễ quản lý theo đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Theo số liệu thống kê, tổng lượng chất thải y tế phát sinh trên địa bàn thành phố là hơn 27,5 tấn/ngày; trong đó chất thải y tế nguy hại khoảng gần 8,45 tấn /ngày, chất thải rắn thông thường hơn 19 tấn/ngày. Dự báo đến năm 2020, khối lượng chất thải của các cơ sở y tế phát sinh bình quân khoảng 90 tấn/ngày; đến năm 2030 sẽ phát sinh khoảng 150 tấn/ngày.

Thực hiện đồng bộ giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi

Thường trực Thành ủy Hà Nội vừa yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND thành phố; các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội từ thành phố đến cơ sở chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện các giải pháp phòng và ngăn chặn xâm nhiễm bệnh dịch; sử dụng nguồn kinh phí năm 2019 thực hiện công tác phòng, chống dịch theo quy định; thành lập các tổ công tác liên ngành kiểm tra công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi theo chỉ đạo của Trung ương và thành phố ở tất cả các quận, huyện, thị xã. Các ngành chức năng thực hiện tốt các giải pháp, giám sát chặt chẽ diễn biến bệnh dịch hằng ngày, kịp thời lấy mẫu kiểm tra chuyên môn, ứng phó ngay khi có lợn ốm, chết, nghi mắc bệnh...Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, đến nay bệnh tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 51 hộ chăn nuôi ở 30 thôn, 21 xã thuộc tám quận, huyện; tổng số lợn đã tiêu hủy là hơn 1.220 con.