Tin mới nhận

Khai mạc đại hội điểm cấp huyện đầu tiên

Ngày 25-5, Ðại hội Ðảng bộ huyện Gia Lâm lần thứ 22 bắt đầu họp phiên trù bị. Ðại hội diễn ra trong ba ngày, từ ngày 25 đến 27-5. Ðảng bộ huyện Gia Lâm là một trong ba đơn vị được Thành ủy Hà Nội giao nhiệm vụ tổ chức đại hội điểm để rút kinh nghiệm chỉ đạo chung trong công tác tổ chức đại hội các đảng bộ trực thuộc Ðảng bộ thành phố.

Hai đại hội điểm còn lại là: Ðại hội đại biểu Ðảng bộ Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội dự kiến diễn ra từ ngày 27 đến 29-5; Ðại hội Ðảng bộ quận Ba Ðình lần thứ 26 dự kiến diễn ra từ ngày 2 đến 4-6. Ðến nay, mọi công tác chuẩn bị đã được hoàn thành, các đơn vị sẵn sàng tiến hành đại hội đúng thời gian và bảo đảm quy định. Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội cho biết, đến nay, toàn bộ 50 đảng bộ trực thuộc Thành ủy đã hoàn thành báo cáo tổng kết công tác nhân sự đại hội nhiệm kỳ 2015-2020 và phương hướng công tác nhân sự đại hội nhiệm kỳ 2020-2025 thông qua Ban Thường vụ cấp ủy.

Xây dựng và lắp đặt mới 600 nhà chờ xe buýt

Sở Giao thông vận tải Hà Nội vừa có tờ trình gửi UBND thành phố về việc xây dựng đồng bộ nhà chờ xe buýt, và các biển quảng cáo trên dải phân cách tại 12 quận, huyện theo hình thức đối tác công tư. Quy mô đầu tư, xây dựng và lắp đặt mới 600 nhà chờ xe buýt. Trong đó, 270 nhà chờ được lắp đặt mới và thay thế 330 nhà chờ hiện có theo lộ trình; lắp đặt 1.200 biển thông tin quảng cáo tại cách dải phân cách có bề rộng lớn hơn 2 m; lắp 25 màn hình cảm ứng đồng bộ wifi tại một số nhà chờ có vị trí thích hợp. Với tổng vốn đầu tư là gần 1.000 tỷ đồng, dự kiến thời gian xây dựng ban đầu của dự án là bảy năm và thời gian hoạt động trong 20 năm. Việc thực hiện dự án xây dựng đồng bộ nhà chờ xe buýt và các biển quảng cáo trên dải phân cách tại 12 quận, huyện theo hình thức đối tác công- tư, nhà đầu tư được lựa chọn thực hiện dự án sẽ thu xếp 100% kinh phí để đầu tư tất cả các hạng mục công trình. Sau đó, kinh doanh quảng cáo một phần diện tích để thu hồi vốn, thời gian dự kiến thu hồi vốn là 20 năm.

Hỗ trợ 2.000 giáo viên ngoài công lập có hoàn cảnh khó khăn

Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội vừa phối hợp Sở Giáo dục và Ðào tạo tổ chức chương trình hỗ trợ 2.000 giáo viên ngoài công lập trên địa bàn có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Cụ thể, giáo viên ngoài công lập thuộc chín quận, huyện gồm: Ðống Ða, Hoàn Kiếm, Ba Ðình, Nam Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Hà Ðông, Cầu Giấy, Ðông Anh, được hỗ trợ mỗi người 20 kg gạo. Ðáng chú ý, 110 giáo viên mầm non ngoài công lập có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại quận Hà Ðông và quận Hoàng Mai được nhận hỗ trợ thêm một triệu đồng/người.

Thí điểm ký quỹ đối với người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Công văn số 1868/UBND-KGVX yêu cầu các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện Quyết định số 12/2020/QÐ-TTg ngày 31-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện thí điểm ký quỹ đối với người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho người lao động nước ngoài của Hàn Quốc (EPS). Trước khi đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS, người lao động phải ký quỹ để bảo đảm thực hiện đúng hợp đồng, về nước đúng thời hạn sau khi chấm dứt hợp đồng lao động. Mức ký quỹ là 100 triệu đồng và thời hạn ký quỹ là 5 năm 6 tháng.

Xử lý 53 vụ vi phạm về đê điều

Từ đầu năm 2020 đến nay, chính quyền các quận, huyện, thị xã thuộc thành phố đã xử lý 53 vụ vi phạm về đê điều, trong đó có 52 vụ của các năm trước, một vụ của năm 2020. Từ nay đến cuối năm 2020, Chi cục Ðê điều và Phòng, chống lụt bão Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp theo dõi diễn biến sự cố công trình đê, kè, cống trên địa bàn thành phố, nhất là trong thời điểm mùa mưa bão. Cùng với đó, tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành văn bản tăng cường công tác quản lý, đôn đốc xử lý vi phạm pháp luật về đê điều và phòng, chống thiên tai…