Hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành kế hoạch về việc phối hợp, tham gia hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái đất năm 2018, nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, hướng tới nền kinh tế các-bon thấp. Thành phố vận động sự tự nguyện của các tổ chức, cá nhân tham gia Chiến dịch Giờ Trái đất và các hành động trong thời gian tiếp theo để bảo vệ môi trường.

Tuyên truyền, vận động các cơ quan, tổ chức, các trường học, doanh nghiệp, các hộ gia đình, các khu dân cư tham gia tổ chức hoạt động hưởng ứng Chiến dịch bằng các hình thức: tắt đèn và các thiết bị điện không cần thiết trong một giờ (từ 20 giờ 30 phút đến 21 giờ 30 phút) ngày 24-3, tổ chức các nhóm tình nguyện viên đạp xe, chạy bộ để tuyên truyền trong cộng đồng; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu chủ đề tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường. Tiến hành đồng loạt tắt đèn chiếu sáng, trang trí, biển quảng cáo trong khung giờ trên tại các địa điểm nổi tiếng, một số khu vực công cộng, tuyến phố trên địa bàn như: đền Ngọc Sơn - Tháp Rùa - Cầu Thê Húc, Vườn hoa Lý Thái Tổ... chung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm, Nhà hát Lớn, hồ Trúc Bạch; trụ sở Thành ủy, HĐND, UBND thành phố; trụ sở các sở, ban, ngành...

Giám sát việc quản lý, sử dụng nhà chung cư

Ban Đô thị, HĐND thành phố Hà Nội vừa quyết định thành lập đoàn giám sát việc chấp hành quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng nhà chung cư thương mại và chung cư tái định cư trên địa bàn thành phố trong tháng 3. Mục đích của đợt giám sát nhằm đánh giá việc chấp hành quy định về quản lý, sử dụng nhà chung cư thương mại và chung cư tái định cư, những kết quả đạt được, làm rõ những hạn chế, khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ, xác định nguyên nhân, trách nhiệm của các cấp, ngành, các tổ chức có liên quan. Trên cơ sở đó đề xuất, kiến nghị những giải pháp để thực hiện ngày càng hiệu quả các chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng nhà chung cư thương mại và chung cư tái định cư trên địa bàn thành phố trong thời gian tới. Ban Đô thị sẽ thực hiện giám sát qua báo cáo của các quận, huyện và giám sát trực tiếp tại Sở Xây dựng, Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Nhà Hà Nội, Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển Nhà Hà Nội, Ban Quản lý các công trình nhà ở và công sở; UBND các quận: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Long Biên, Ba Đình và một số doanh nghiệp trên địa bàn, kết hợp khảo sát thực tế tại một số nhà chung cư thương mại, chung cư tái định cư.

Khánh thành Nhà máy nước sạch Ba Vì

Huyện Ba Vì vừa khánh thành Nhà máy nước sạch Ba Vì thuộc dự án Nhà máy, hệ thống cấp nước sạch nông thôn tại xã Phú Sơn do Liên danh Công ty CP Ao Vua và Công ty CP Đầu tư xây dựng cấp thoát nước và môi trường Ba Vì làm chủ đầu tư. Nhà máy có công suất sản xuất 10.000 m3 nước/ngày/đêm. Dự kiến, đến năm 2030 sẽ nâng công suất lên 60.000 m3/ngày/đêm. Nhà máy sử dụng nguồn nước mặt sông Đà, cấp nước sinh hoạt cho các xã: Vật Lại, Thái Hòa, Phú Sơn, Cẩm Lĩnh, Đồng Thái, Chu Minh, Đông Quang (huyện Ba Vì). Đến năm 2020, sẽ cấp nước cho 23 xã trên địa bàn huyện (trừ xã đảo Minh Châu và bảy xã miền núi ). Hiện tại, nhà máy đã đi vào khai thác sử dụng, cấp nước cho 6.700 hộ dân trong phạm vi nghiên cứu của dự án.

Vận hành tối đa trạm bơm để cấp đủ nước vụ xuân

Chi cục Thủy lợi cho biết, năm doanh nghiệp thủy lợi của thành phố đã cấp đủ nước cho 96.066 ha, đạt 98,6% kế hoạch lấy nước, còn 1.379ha chưa có nước tập trung ở các huyện : Mê Linh, Phúc Thọ, Quốc Oai... Để bảo đảm đủ nước gieo cấy vụ xuân đúng thời vụ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố đề nghị các doanh nghiệp thủy lợi trên địa bàn vận hành tối đa trạm bơm để dẫn nước lên ruộng. Các huyện vận động nhân dân khẩn trương thu hoạch hoa màu, đưa nước lên ruộng, hoàn thành công tác gieo cấy trong ngày 5-3. Quá khung thời vụ gieo cấy, các địa phương cần vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp...

Phân luồng giao thông trên phố Cát Linh

Sở Giao thông vận tải Hà Nội vừa ban hành Thông báo số 163/TB-SGTVT về phương án phân luồng giao thông trên phố Cát Linh phục vụ thi công ga ngầm S10 giai đoạn 1 thuộc Dự án tuyến đường sắt đô thị số 03 Nhổn - Ga Hà Nội. Theo phương án này, toàn bộ các phương tiện không được lưu thông qua khu vực công trường (từ ngõ 27 Cát Linh đến nút giao thông Giảng Võ - Hào Nam) theo chiều từ Trịnh Hoài Đức đi ngã 5 Giảng Võ - Hào Nam. Các phương tiện giao thông đi vào trung tâm (từ phố Giảng Võ, Hào Nam) sẽ đi theo đoạn đường Giảng Võ nhỏ rẽ phải vào phố Nguyễn Thái Học để đi vào trung tâm hoặc từ Hào Nam đi An Trạch - Cát Linh - Tôn Đức Thắng. Các phương tiện từ trung tâm thành phố đi ra sẽ đi theo hướng phố Trịnh Hoài Đức - Lê Trực - Trần Phú - Sơn Tây - Kim Mã hoặc theo hướng Cát Linh - An Trạch - Hào Nam hoặc đi theo hướng Tôn Đức Thắng - Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu. Tuyến xe buýt 23 đi Giảng Võ - Nguyễn Thái Học - Cửa Nam theo lộ trình cũ, chiều ngược lại đi theo hướng Trần Phú - Sơn Tây - Kim Mã - Giảng Võ. Tuyến xe buýt 25 sẽ đi theo lộ trình Kim Mã - Trịnh Hoài Đức - Cát Linh…, chiều ngược lại Cát Linh - Trịnh Hoài Đức - Lê Trực - Trần Phú - Kim Mã. Tuyến xe buýt 38 sẽ được điều chỉnh theo lộ trình Văn Miếu - Cát Linh - Trịnh Hoài Đức - Trần Phú - Giảng Võ (nhỏ) - Giảng Võ. Trước mắt, các đơn vị sẽ vận hành thử phương án này từ 5 đến 10 ngày, nếu giao thông trong khu vực ổn định thì sẽ triển khai rào chắn và thi công.