Tin mới nhận

Ðến năm 2020, mở mới từ 46 đến 51 tuyến xe buýt

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 201/KH-UBND triển khai các giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng vào năm 2020 đạt từ 20 đến 25%.

Theo kế hoạch này, thành phố sẽ tập trung xây dựng, rà soát, bổ sung các kế hoạch, đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực có nguy cơ ùn tắc; nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng…

Ðồng thời, nghiên cứu và tổ chức các làn đường ưu tiên cho xe buýt trên một số tuyến trục chính đủ điều kiện như: Nguyễn Trãi - Trần Phú (Hà Ðông); Pháp Vân - Giải Phóng - Ðại Cồ Việt; Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến - Linh Ðàm... Tiếp tục nghiên cứu, tổ chức kết nối các tuyến xe buýt với tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Ðông, tuyến xe buýt nhanh BRT; tổ chức các điểm trông giữ xe đạp, xe máy tại khu vực lân cận các nhà ga, nhà chờ; tổ chức các tuyến buýt có sức chứa nhỏ; mở rộng vùng phục vụ của mạng lưới xe buýt tới các khu vực ngoại thành… Dự kiến từ nay đến năm 2020, thành phố sẽ mở thêm từ 46 đến 51 tuyến xe buýt.

Làng cổ Ðường Lâm được công nhận là điểm du lịch

UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 4851/QÐ-UBND về việc công nhận Ðiểm du lịch làng cổ Ðường Lâm (xã Ðường Lâm, thị xã Sơn Tây). Thành phố giao Ban Quản lý di tích làng cổ Ðường Lâm quản lý, khai thác, phát triển điểm du lịch theo đúng quy định của Luật Du lịch và các văn bản pháp luật liên quan. Làng cổ Ðường Lâm được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia từ năm 2008. Hiện tại, nơi đây có 50 di tích có giá trị và cũng là nơi sinh sống của hơn 1.000 hộ dân với khoảng 7.000 nhân khẩu. Việc công nhận Ðiểm du lịch làng cổ Ðường Lâm sẽ giúp địa phương phát triển kinh tế, đem lại giá trị văn hóa cho du khách khi đến tham quan và tìm hiểu địa danh này.