Xây dựng đô thị thích ứng biến đổi khí hậu

Bài 2: Bảo đảm nguồn nước sinh hoạt, tăng cường xử lý nước thải 
Xác định một trong những tác động lớn của biến đổi khí hậu là suy kiệt nguồn nước, ô nhiễm môi trường nước và ngập úng đô thị, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người dân, thành phố Hà Nội đang tập trung xây dựng hệ thống cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải hiện đại.
Công nhân Công ty Thoát nước Hà Nội ứng trực tại điểm úng ngập trên phố Quang Trung, quận Hoàn Kiếm. (Ảnh NGỌC MAI)
Công nhân Công ty Thoát nước Hà Nội ứng trực tại điểm úng ngập trên phố Quang Trung, quận Hoàn Kiếm. (Ảnh NGỌC MAI)

Ba năm nay, người dân thành phố Hà Nội đã bớt nỗi lo thiếu nước sạch. Hình ảnh người dân rồng rắn xếp hàng với lỉnh kỉnh xô, chậu, can nhựa chờ lấy nước từ các xe téc chở nước sạch dần biến mất. Người dân khu vực nông thôn phải dùng nước ao hồ, sông suối chưa qua xử lý hoặc phải đi mua nước từ nơi khác về làm nước sinh hoạt hằng ngày tại các huyện ngoại thành cũng ngày càng hiếm gặp.

Bớt nỗi lo thiếu nước sạch

Anh Nguyễn Văn Bình, người dân sinh sống tại làng nghề Chàng Sơn, huyện Thạch Thất cho biết, người dân các làng nghề mặc dù sinh sống ngay gần đường ống cấp nước sạch từ Nhà máy nước sạch sông Ðà về trung tâm thành phố, nhưng những năm trước vẫn phải sử dụng nước giếng khoan, giếng đào hoặc mua nước sạch về sử dụng. Từ khi thành phố Hà Nội kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư hệ thống cấp nước sạch, người dân các xã làng nghề không còn nỗi lo thiếu nước sạch.

Theo đại diện Sở Xây dựng Hà Nội, tính đến hết năm 2021, trên địa bàn thành phố đã có 252/414 xã, với khoảng 3,6 triệu người, tương đương hơn 900 nghìn hộ dân, với khoảng 80% người dân nông thôn đã được tiếp cận nguồn nước sạch. Thời gian tới, thành phố tiếp tục mở rộng mạng lưới cung cấp nước sạch khu vực nông thôn. Riêng đối với những khu vực vùng sâu, vùng xa, không thể kết nối với hệ thống cấp nước tập trung của thành phố, Sở Xây dựng cũng đôn đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường thành phố khẩn trương triển khai dự án cấp nước theo mô hình cụm hộ dân.

Còn tại khu vực 12 quận nội thành và các xã ven đô, tỷ lệ người dân được cung cấp nước sạch đạt gần 100%. Tổng công suất nguồn cấp nước từ các nhà máy nước tập trung trên địa bàn thành phố hiện nay đạt khoảng 1.520.000 m3/ngày đêm, cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của nhân dân trong điều kiện bình thường. Tuy nhiên, khi nhu cầu sử dụng nước tăng cao, nguồn cấp từ Nhà máy nước mặt sông Ðà giảm công suất hoặc gián đoạn cấp nước do sự cố sẽ gây thiếu nước cục bộ khu vực Hoàng Mai, Thanh Xuân, Ðống Ða.

Vào thời gian cao điểm mùa hè, nhu cầu sử dụng nước tăng cao, một số khu vực cuối nguồn có cốt địa hình cao sẽ thiếu nước cục bộ, như: khu vực đường Âu Cơ, Hoàng Hoa Thám, Thành Công, đê Nguyễn Khoái... Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, để bảo đảm cấp nước mùa hè, Sở đã chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch sản xuất, cung cấp tổng công suất từ 1 triệu 370 nghìn đến 1 triệu 530 nghìn mét khối/ngày đêm; điều tiết nguồn cấp giữa các nhà máy nước tập trung trong trường hợp xảy ra sự cố hoặc khi nhu cầu sử dụng của người dân tăng cao; bảo đảm hệ thống mạng lưới vận hành ổn định, duy trì đủ áp lực cấp nước phục vụ toàn bộ khách hàng hiện có.

Đẩy nhanh tiến độ các dự án thoát nước

Liên tiếp những ngày cuối tháng 5, trên địa bàn thành phố Hà Nội xảy ra mưa lớn, gây ngập úng tại nhiều khu vực, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thông đi lại của người dân. Ðại diện Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết, để bảo đảm công tác phòng, chống úng ngập, thời gian qua công ty thường xuyên nạo vét, duy trì hệ thống thoát nước; đưa vào vận hành Trung tâm điều hành hệ thống thoát nước, cảnh báo úng ngập, đường dây nóng tiếp nhận thông tin úng ngập từ người dân.

Ðặc biệt, trong mùa mưa bão, công ty triển khai công tác ứng trực, bố trí nhân lực tại các địa điểm úng ngập mở các miệng cống thu, tua vớt rác thải, vận hành kịp thời các trạm bơm cho nên việc tiêu thoát nước nhanh chóng hơn. Mức độ và thời gian ngập úng rút ngắn. Tuy nhiên, trên địa bàn thành phố vẫn tồn tại 11 điểm ngập úng và có 29 công trình đang tổ chức xây dựng gây ảnh hưởng lớn đến hệ thống thoát nước.

Phó Tổng Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội, Trịnh Ngọc Sơn cho biết, đến nay lưu vực sông Tô Lịch, diện tích khoảng 77,5km2 đã được triển khai các dự án thoát nước, có thể chịu được lượng mưa hơn 300mm/hai ngày. Thế nhưng, lưu vực sông Nhuệ, diện tích khoảng 110km2, hệ thống thoát nước chỉ có thể chịu được lượng mưa 50mm/ngày, nếu lượng mưa lớn hơn thì sẽ xảy ra úng ngập. Ngoài ra, việc triển khai ba dự án xây dựng hệ thống thoát nước theo quy hoạch bị chậm trễ, trong đó dự án Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa đã hoàn thành, nhưng hệ thống kênh dẫn nước chưa hoàn thiện. Nước vẫn chủ yếu tự tiêu, tự chảy và phụ thuộc rất lớn vào mực nước sông Nhuệ.

Ðể cải thiện tình trạng thoát nước, xử lý nước thải, Ủy ban nhân dân thành phố sớm triển khai kế hoạch phát triển hệ thống thoát nước và xử lý nước thải đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025, trong đó phấn đấu hoàn thành mục tiêu tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đến năm 2025 đạt 50-55%. Thành phố ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước lưu vực tả Nhuệ, hữu Nhuệ, khu vực các quận Hà Ðông, Long Biên và khu vực phía tây thành phố, nhằm giải quyết tình trạng úng ngập do mưa; ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải để thu gom và xử lý nước thải đạt chất lượng theo tiêu chuẩn quy định nhằm góp phần cải thiện môi trường tại khu vực nội thành, khu vực đô thị có mật độ dân cư cao, tốc độ đô thị hóa lớn như các quận Hà Ðông, Long Biên..., giảm ô nhiễm lưu vực sông Nhuệ, Cầu Bây.

Mới đây, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội giao Sở Xây dựng chủ trì, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, đề xuất chủ trương đầu tư bốn dự án thoát nước và thu gom, xử lý nước thải. Trước đó, dự án nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, huyện Thanh Trì được đầu tư với công suất 270 nghìn m3/ngày đêm, dự kiến vận hành năm 2022 sẽ góp phần quan trọng vào việc xử lý nước thải của thành phố.

(Còn nữa)

(★) Xem Trang Hà Nội từ số ra ngày 7/6/2022.