Vui, buồn mua sắm trực tuyến

Thay vì mất thời gian đến cửa hàng, không ít người tiêu dùng ở các thành phố lớn như Hà Nội lại mua hàng trực tuyến (online) qua các trang thương mại điện tử. Tuy nhiên, bên cạnh những tiện lợi, thì người mua hàng gặp phải không ít cảnh “dở khóc, dở cười” khi mua phải hàng không ưng ý.

Chiều muộn ngày cuối năm, chị Hoàng Thị Hòa, 35 tuổi, ở quận Cầu Giấy vội vã chạy xe máy từ chỗ làm ra chợ để mua đồ cúng ngày 23 tháng Chạp. Chợ cóc vỉa hè trong một con ngõ nhỏ trên phố Xuân Thủy chỉ còn vài người bán cá chép nhỏ, nhưng có hàng chục người mua. Chị Hòa cho biết: “Những con cá đẹp, khỏe người ta chọn hết, chỉ chừa lại mấy con cá gầy, vây bị rách”. Than thở với bạn cùng cơ quan, chị Hòa được mách lên Facebook mua cá. “Tôi gõ vài từ khóa đã ra cả chục người bán. 20 nghìn đồng cho ba con cá, thêm 20 nghìn đồng phí giao hàng tận nhà. Biết thế, tôi đặt mua ngay từ đầu, vừa nhanh, gọn, lại được cá đẹp”, chị tiếc nuối. Ðặt cá xong, chị Hòa cũng nhắn tin đặt mâm cỗ cúng ngày 23, sắm quần áo mới cho cả gia đình qua mạng.

Hai năm nay, chen lấn sắm Tết không còn là ám ảnh với chị Văn Thu Phương, nhân viên ngân hàng, nhà ở đường Trần Phú, quận Hà Ðông. Chỉ một cuộc gọi hoặc tin nhắn trên mạng xã hội, những thứ cần cho năm mới được mang đến tận tay người mẹ có hai con nhỏ này. “Tôi mua hầu hết mọi thứ trên mạng, từ bánh kẹo, quà Tết, quần áo, đồ trang trí... Thuê giúp việc ngày Tết, tôi cũng vào các nhóm hội trên mạng tìm, thỏa thuận giá. Chỉ có hoa tươi là phải ra chợ mua, vì tôi thích đi chợ hoa ngắm nghía cho thư giãn”, chị Phương cho biết.

Nắm bắt được xu hướng mua sắm tiện dụng, tiết kiệm thời gian của khách hàng, từ những người buôn bán nhỏ đến doanh nghiệp lớn đều tận dụng các trang mạng xã hội làm kênh bán hàng. Vào cuối năm, “chợ online” càng thêm sôi động. Trang thương mại điện tử Lazada tung cam kết không tăng giá, bảo đảm nguồn hàng và giao hàng đúng thời hạn để “giúp người tiêu dùng sắm Tết thảnh thơi”. Shopee cũng đang chạy chương trình “Tết sale chính hãng”, giảm giá đến 50% nhiều mặt hàng. Sàn thương mại điện tử này sẽ bán hàng, giao hàng Tết đến hết 24-1 (ngày 30 Tết) và mở cửa trở lại từ ngày 29-1 (mồng 5 Tết Canh Tý). Trang Sendo ưu đãi với các khách hàng mua thời trang, điện tử, du lịch, xe cộ, ẩm thực nhằm kích cầu dịp cuối năm. Tiki cũng mở chiến dịch “Ngồi nhà sắm Tết, Tiki lo hết”. Tiki cũng ưu đãi, giảm giá một số mặt hàng, kèm cam kết giao hàng nhanh, giao hàng xuyên Tết tại một số tỉnh, thành phố lớn. Ðể hạn chế tình trạng ùn ứ, chen lấn khi xếp hàng, các nhà bán lẻ tăng cường dịch vụ hỗ trợ thanh toán cho khách hàng, phát triển dịch vụ giao hàng tận nhà, mua hàng online hay qua điện thoại. Hệ thống siêu thị Big C cung cấp dịch vụ đặt mâm cỗ Tết online, giúp người mua không phải đến tận siêu thị lấy hàng.

Những tiện lợi của việc mua sắm online là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, một số người cho rằng, chỉ nhìn bằng mắt, không “sờ tận tay” rất dễ mua phải hàng kém chất lượng. “Quần áo nhìn trên ảnh thì đẹp, nhưng khi nhận thì không thể mặc được. Chưa kể còn tình trạng giao hàng trễ”, chị Minh Hoàng, ở quận Nam Từ Liêm kể. Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Nhuần, ở phố Láng, quận Ðống Ða lại khổ sở vì quá tin tưởng mâm cỗ giao thừa mua online. Ðủng đỉnh đợi giao hàng, đến khi nhận, chị Nhuần tá hỏa khi đĩa xôi bị lệch, con gà thắp hương bị gãy cổ. Gọi điện thoại cho người bán hàng để yêu cầu đổi, chị chỉ nhận được lời giải thích “do sơ suất của người giao hàng”.

Ông Hoàng Việt, chủ một chuỗi năm cửa hàng bánh kẹo ở Hà Nội cho biết, để mua được một sản phẩm ưng ý, khách hàng nên tìm đến các thương hiệu có uy tín. “ Những đơn vị có thương hiệu, làm ăn nghiêm túc luôn có ý thức bảo vệ uy tín của mình, nhưng những người bán hàng thời vụ qua mạng thì chỉ quan tâm đến lợi nhuận. Nếu chọn mua hàng trên mạng, người mua nên giao dịch với các thương hiệu lớn, hoặc mua hàng của người mình đã biết rõ”, ông Việt lưu ý.