Vẫn khó quản giá sữa

NDO - Ngay từ đầu tháng 1-2013, nhiều đại lý và siêu thị trên địa bàn Hà Nội đã nhận được thông báo tăng giá sữa của một số nhà phân phối sữa lớn trên thị trường.
Người tiêu dùng lựa chọn sữa tại Siêu thị Hapro Thái Thịnh.
Người tiêu dùng lựa chọn sữa tại Siêu thị Hapro Thái Thịnh.

Cụ thể, nhà phân phối sản phẩm Mead Johnson Nutrition Việt Nam tăng 10% giá một số sản phẩm. Cụ thể, sữa Enfa Mama A va-ni và Enfa Mama A+ sô-cô-la loại 900g, đều tăng giá từ 351 nghìn đồng tăng lên 387 nghìn đồng/hộp... Công ty TNHH Thực phẩm Phú Thái miền bắc cũng thông báo tăng giá từ 8,5 đến 9% các sản phẩm Dumex Gold từ ngày 2-1. Các loại như Dumex Gold 3 hương tự nhiên 800g tăng từ 356 nghìn lên 392 nghìn đồng/hộp, Dumex Gold 3 hương va-ni 1,5kg từ 595 nghìn đồng lên 655 nghìn đồng/hộp...

Cũng theo các đại lý thì lâu nay giá sữa tăng theo chu kỳ, thông thường là vào thời điểm đầu năm. Lý do mà các hãng thường đưa ra là do giá nguyên liệu nhập tăng, chi phí nhân công tăng, chi phí sản xuất tăng... cho nên phải tăng giá sản phẩm để bù lỗ. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại, giá nguyên liệu cũng như các chi phí trên ổn định, không mấy biến động. Vì thế, các hãng đưa ra lý do "đổi mẫu mã, bao bì" để tăng giá sản phẩm. Qua quan sát, bao bì mới không có nhiều khác biệt với bao bì cũ. Nhà sản xuất chỉ thay đổi một vài chi tiết ở tên gọi, mầu sắc... sao cho người tiêu dùng vẫn nhận diện được sản phẩm. Ðáng lưu ý, theo quy định của Bộ Tài chính, từ ngày 1-1-2013, các doanh nghiệp khi điều chỉnh giá đối với mặt hàng sữa bột cho trẻ em dưới sáu tuổi thì phải kê khai giá. Vì vậy, để "lách luật", trên các bao bì mới, các hãng đã bổ sung những cụm từ như "sản phẩm dinh dưỡng", "thực phẩm bổ sung"... Tuy nhiên, thành phần trong hộp sữa không có gì khác so với trước. Lấy lý do không phải sữa bột mà chỉ là sản phẩm dinh dưỡng, bổ sung..., các hãng đã tránh được việc phải đăng ký giá với Bộ Tài chính mỗi lần điều chỉnh giá. Việc này khiến cơ quan quản lý không thể kiểm soát được giá, cũng như đánh giá được mức tăng đó có hợp lý hay không để kịp thời can thiệp, xử lý.

Những nghịch lý trong câu chuyện tăng giá sữa đã có từ lâu. Như khoảng sáu tháng đầu năm 2012, khi sữa nguyên liệu trên thế giới đồng loạt giảm giá mạnh, nhưng tại thị trường trong nước, không hề có một doanh nghiệp nào giảm giá sữa, thậm chí còn tăng giá từ 9 đến 15%. Chủ các đại lý còn dự báo, sau khi một, hai hãng tăng giá, các hãng khác cũng sẽ tăng theo. Người chịu tác động nhiều nhất trong những lần tăng giá mặt hàng thiết yếu này là các gia đình có con nhỏ, người già, người cần chăm sóc chế độ đặc biệt... Do đó, các cơ quan quản lý cần có biện pháp hữu hiệu, chặt chẽ để bình ổn giá mặt hàng này.