Từng bước nâng cao chỉ số PAPI

Theo kết quả xếp hạng Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2018 vừa được công bố, TP Hà Nội đạt 42,32 điểm, nằm trong nhóm 15 tỉnh, thành phố có số điểm ở mức trung bình thấp. Ðiều này cho thấy, thành phố cần quyết liệt hơn nữa trong thực hiện cải cách hành chính, tăng cường công khai, minh bạch, phát huy sự tham gia của người dân vào quá trình xây dựng, thực thi và giám sát việc thực thi chính sách...

Từng nằm trong nhóm sáu tỉnh, thành phố có chỉ số PAPI thấp nhất cả nước, năm 2018, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu lọt vào nhóm có "chỉ số trung bình" của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Ðể thực hiện mục tiêu này, Hà Nội đã ban hành kế hoạch với nội dung bám sát các tiêu chí đánh giá của chỉ số PAPI, xác định lộ trình cụ thể, yêu cầu sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Trong đó nhấn mạnh việc gắn với thực hiện chủ đề "Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị", công khai minh bạch các cơ chế, chính sách, tạo sự đột phá, chuyển biến mạnh mẽ trong thực tiễn.

Nhằm nâng cao năng lực quản trị hành chính công, thời gian qua, Hà Nội tiếp tục thực hiện tốt công tác chuẩn hóa thủ tục hành chính (TTHC), tiết giảm thời gian đi lại cho người dân và doanh nghiệp. Ðây được coi là điểm cộng của thành phố khi luôn nằm trong nhóm có chỉ số dịch vụ công đạt điểm cao. Hiện, thành phố Hà Nội đã triển khai Cổng dịch vụ công trực tuyến dùng chung, cung cấp các dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 trên một nền tảng thống nhất đồng bộ tại 30 quận, huyện, thị xã; 584 xã, phường, thị trấn. Ðến cuối năm 2018, thành phố hoàn thành chỉ tiêu 55% số TTHC được cung cấp trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4; trong đó có 916 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 139 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.

Ðáng chú ý, để tăng cường kiểm soát trong khu vực công, phòng ngừa tham nhũng, thành phố đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra, giám sát, công khai, minh bạch nhiều nội dung. Chỉ tính riêng năm 2018, Hà Nội đã tổ chức 313 lớp, hội nghị tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng với hơn 41 nghìn lượt người tham gia. Ðoàn kiểm tra công vụ của thành phố đã kiểm tra 737 cơ quan, tổ chức về việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức; kiểm tra việc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động của 646 cơ quan, tổ chức, đơn vị. Bên cạnh đó, thành phố còn tổ chức thanh tra tập trung vào các lĩnh vực "nóng" như quản lý quy hoạch đất đai, tài sản công... Qua đó đã kiến nghị thu hồi hơn 178 tỷ đồng, kiến nghị xử lý vi phạm 3,3 ha đất, kiểm điểm trách nhiệm 42 tập thể và 75 cá nhân có vi phạm. Các cơ quan hành chính của thành phố cũng chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm 51 tập thể và 55 cá nhân để xảy ra sai phạm; chuyển cơ quan điều tra bốn vụ. Hà Nội cũng đã thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác của 1.087 cán bộ, công chức để phòng ngừa tham nhũng. Việc bình xét, công nhận đối tượng hộ nghèo, chi tiêu tại cấp xã, phường đã được người dân ghi nhận có sự công khai, minh bạch hơn.

Với sự cố gắng và nỗ lực, theo kết quả xếp hạng Chỉ số PAPI năm 2018 vừa được công bố ngày 2-4 vừa qua, tổng số điểm chỉ số PAPI của Hà Nội đạt 42,32 điểm, tăng 7,69 điểm so với năm 2017 (năm 2017 đạt 34,63 điểm). Trong đó, chỉ số "tham gia của người dân ở cấp cơ sở" đạt 5,22 điểm; chỉ số "công khai minh bạch" đạt 5,09 điểm; chỉ số "trách nhiệm giải trình" đạt 4,61 điểm; chỉ số "kiểm soát tham nhũng trong khu vực công" đạt 6,08 điểm; chỉ số "thủ tục hành chính công" đạt 7,5 điểm; chỉ số "cung ứng dịch vụ công" đạt 6,93 điểm. Tại hai chỉ số mới lần đầu được đánh giá (gồm chỉ số "quản trị môi trường" và "quản trị điện tử"), Hà Nội lần lượt đạt 3,58 điểm và 3,32 điểm. Dù điểm số có nhích lên so với năm 2017 song Hà Nội vẫn nằm trong nhóm 15 địa phương có chỉ số PAPI thấp. Thậm chí, một số chỉ số thành phần như sự công bằng trong tuyển dụng vào khu vực công, chỉ số liên quan chất lượng không khí, nguồn nước, kiểm soát tham nhũng khu vực công chưa được đánh giá cao. Trên thực tế, dù kế hoạch về nâng cao chỉ số PAPI được thành phố yêu cầu triển khai đồng bộ ở các cấp chính quyền, nhất là ở 100% các xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố, song có lúc, có nơi thực hiện chưa nghiêm túc. Ðiều này đã ảnh hưởng ít nhiều đến kết quả chung của thành phố.

Kết quả PAPI năm 2018 vừa được công bố là cơ sở để thành phố Hà Nội tiếp tục có những điều chỉnh kịp thời nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số này trong năm 2019. Thành phố tiếp tục xác định các nội dung tương ứng với tiêu chí đánh giá của Chỉ số PAPI, gắn với thực hiện chủ đề công tác năm 2019 "Nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị". Trong đó, cần tập trung cải thiện những chỉ số PAPI khuyến cáo như: kiểm soát tham nhũng khu vực công, cải thiện chất lượng môi trường, công khai minh bạch trong lĩnh vực đất đai, tăng cường tương tác giữa chính quyền và người dân.