Tín hiệu tích cực từ dự án tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội

Tập trung nhân lực, thiết bị để hoàn thành ga ngầm đầu tiên trong năm 2020. Ðây là tín hiệu vui của dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội - một trong những dự án trọng điểm của thành phố hiện nay, nhằm xây dựng hạ tầng giao thông hiện đại, nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng, từ đó khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường tại Thủ đô.

Công nhân thi công nhà ga ngầm S9 tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội.
Công nhân thi công nhà ga ngầm S9 tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội.

Chúng tôi có mặt tại công trường thi công ga ngầm S9 trên phố Kim Mã (quận Ba Ðình) thuộc dự án đường sắt đô thị (ÐSÐT) Nhổn - ga Hà Nội vào những ngày cuối tháng 4. Thời tiết đã bắt đầu nắng nóng, nhưng không khí làm việc vẫn hết sức khẩn trương. Men theo chiếc cầu thang nhỏ phục vụ thi công xuống tầng hầm cách mặt đất khoảng 8 m, ai cũng bất ngờ vì phía dưới là một không gian ngầm rộng hàng nghìn mét vuông đang được gấp rút hoàn thiện.

Kỹ sư trưởng Sôn Át-kin, Liên danh nhà thầu Hyundai E&C (Hàn Quốc) - Ghella (I-ta-li-a) thực hiện gói thầu CP-03 cho biết, đây là tầng trung chuyển, kết nối với cầu thang lên - xuống ra ngoài ga S9. Tầng trung chuyển rộng 23,3 m, dài 186,6 m, nằm cách mặt đất 8,5 m. Lớp trần của tầng trung chuyển dày 1,4 m, trần ga bên dưới dày 1 m. Dự kiến toàn bộ nhà ga S9 sẽ xây dựng xong vào cuối năm 2020. "Do ảnh hưởng dịch Covid-19, công trình đã phải ngừng thi công ít ngày, nhưng chúng tôi đang tập trung nhân lực, thiết bị, đốc thúc đẩy nhanh tiến độ, nhằm bù lại thời gian, nỗ lực hoàn thành công trình đúng thời hạn đề ra", ông Sôn Át-kin chia sẻ.

Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án ÐSÐT Hà Nội Lê Trung Hiếu cho biết, dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội có chiều dài 12,5 km (gồm 8,5 km đi trên cao và 4 km đi ngầm). Dự án có tổng mức đầu tư 1.176 triệu ơ-rô, từ nguồn vốn vay ODA Ngân hàng đầu tư châu Âu, Chính phủ Pháp, Ngân hàng Phát triển châu Á và vốn đối ứng trong nước. Ðến nay tiến độ tổng thể dự án đạt 60,8%, trong đó tiến độ phần trên cao đạt 71,3%. Từ giữa quý I-2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, dự án đang gặp khó khăn trong việc huy động các chuyên gia của đơn vị tư vấn và nhà thầu từ nước ngoài sang Hà Nội làm việc.

Việc sản xuất và nhập khẩu thiết bị cũng gặp khó khăn do hầu hết thiết bị nhập khẩu từ châu Âu. Tại thị trường trong nước, việc huy động công nhân và cung ứng vật tư, thiết bị cũng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, Ban Quản lý ÐSÐT Hà Nội vẫn quyết tâm chỉ đạo các nhà thầu, tư vấn tiếp tục duy trì, bảo đảm tiến độ thi công dự án song song thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch. Nhờ các biện pháp thi công hợp lý, cho nên tiến độ thực hiện trong quý I-2020 đạt 5,67% so với kế hoạch (đạt 94,50%), riêng đoạn trên cao đạt 6,83% so với kế hoạch đặt ra là 6,35% (đạt 108%).

Ðối với phần đi ngầm có chiều dài 4 km, theo kỹ sư trưởng Sôn Át-kin, hiện tại đã hoàn thành được một phần ba tiến độ các hạng mục. Trong đó, nhà thầu đã hoàn thành xong bản đỉnh (phần trần ga) và đang thi công bản trung chuyển của ga S9, dự kiến hoàn thành trong khoảng năm đến sáu tháng nữa. Ga ngầm S10 (tại Cát Linh) đã thi công xong hộp ga và nửa bản đỉnh; ga S11 (Văn Miếu) và S12 đều đã hoàn thành nửa tường vây. Khó khăn nhất trong thi công các đoạn ga ngầm là công trường rất chật hẹp, cho nên ảnh hưởng đến giao thông. "Tuyến đường sắt đô thị nằm sát các tòa nhà cao tầng và hộ dân sinh sống trên địa bàn. Vì vậy, chúng tôi phải chia nhỏ các gói thi công trong các ga và sử dụng công nghệ đào từ trên xuống (Top-down) để bảo đảm an toàn, hiệu quả", kỹ sư Sôn Át-kin cho hay. Sau khi hoàn thành xong tầng trung chuyển, từ đầu năm 2021, nhà thầu sẽ đào tiếp xuống tầng ke ga là tầng cuối cùng của ga bằng máy đào hầm TBM. Nếu có điều kiện thuận lợi về mặt bằng, dự kiến 4 km đi ngầm sẽ hoàn thành trong khoảng 16 tháng.

Phó Giám đốc Lê Trung Hiếu cho biết, tính đến ngày 10-4-2020, giá trị giải ngân và thực hiện của dự án đạt 807,7 tỷ đồng, đạt 86%. Kế hoạch thực hiện năm 2020 của dự án cần đạt được là 14% khối lượng tổng thể và giải ngân đạt 3.720 tỷ đồng, tương ứng với tiến độ tổng thể lũy kế dự án đạt 69,13%, trong đó đoạn trên cao đạt 86,53%.

Để hoàn thành được một khối lượng công việc lớn trong thời gian ngắn nêu trên đòi hỏi sự chủ động, nỗ lực rất lớn của tất cả các chủ thể tham gia thực hiện dự án, nhất là từ phía các nhà thầu và tư vấn. Ban Quản lý ÐSÐT Hà Nội yêu cầu các nhà thầu tiếp tục nâng cao tinh thần, trách nhiệm, tập trung huy động mọi nguồn lực sẵn có để triển khai thi công toàn diện; không để bị động, phụ thuộc vào việc giải ngân, thanh toán. Tăng cường máy móc, thiết bị, nhân lực để thi công thêm nhiều mũi, thi công liên tục ba ca để đẩy nhanh tiến độ dự án. Ðồng thời chủ động, phối hợp chặt chẽ với tư vấn trong việc lập tiến độ thi công tổng thể và chi tiết đối với các hạng mục do mình phụ trách; đồng thời nghiêm túc thực hiện theo đúng tiến độ đã đề ra. Chủ đầu tư yêu cầu tổ chức tư vấn giám sát tiếp tục tập trung, nâng cao năng lực, hiệu quả công tác tư vấn, giám sát an toàn, chất lượng, tiến độ của dự án; kịp thời báo cáo, tham mưu cho Ban những khó khăn tồn tại và các biện pháp khắc phục; bảo đảm dự án an toàn, chất lượng và hoàn thành theo đúng tiến độ.

"Về phía Ban Quản lý dự án, chúng tôi cam kết sẽ tạo điều kiện đến mức cao nhất cho các đơn vị trong việc đẩy nhanh tiến độ thi công, nhất là các thủ tục nghiệm thu, giải ngân, thanh toán cho các nhà thầu; xử lý kịp thời các vướng mắc kỹ thuật phát sinh ngoài hiện trường; hỗ trợ các nhà thầu trong việc kết nối, làm việc với các đơn vị chức năng để xin cấp phép thi công, giải quyết vướng mắc về mặt bằng thi công, nghiệm thu, bàn giao", Phó Giám đốc Lê Trung Hiếu khẳng định.