Tìm giải pháp thúc đẩy hiệu quả du lịch

Nhiều năm qua, khách du lịch đến Việt Nam nói chung, đến Hà Nội nói riêng có mức chi tiêu còn hạn chế, tốc độ tăng trưởng chi tiêu của khách đạt mức thấp. Nhưng từ năm 2018 đến nay, mức chi tiêu của khách du lịch đã có nhiều cải thiện nhờ những giải pháp bài bản.

Khách du lịch mua sắm sản phẩm lưu niệm.
Khách du lịch mua sắm sản phẩm lưu niệm.

Khách du lịch tăng chi tiêu

Năm 2018, lần đầu sau nhiều năm, mức chi tiêu bình quân của khách quốc tế đến Hà Nội (bao gồm đối tượng lưu trú và không lưu trú) đều tăng trưởng đáng kể. Với khách lưu trú, trung bình mỗi khách chi tiêu 113,5 USD/ngày, tăng 17,9% so với năm 2017. Mặc dù vẫn còn thấp hơn so với mức chi tiêu của khách đến các nước trong khu vực như Thái-lan, Xin-ga-po..., nhưng con số này đã tiến gần hơn mức 124 USD/ngày của khách du lịch đến Cu-a-la Lăm-pơ (Ma-lai-xi-a). Sáu tháng đầu năm 2019, mặc dù số lượng khách đến Hà Nội tăng 9,5%, song tổng thu từ khách du lịch đã tăng gần 30%, đạt 50.242 tỷ đồng. Ðiều ấy đồng nghĩa với khách du lịch đã chịu khó "móc hầu bao" hơn, giúp cho du lịch Hà Nội tăng trưởng cao cả về "lượng" lẫn "chất". Những con số này có được là nhờ ngành du lịch Hà Nội đã có những giải pháp mang tính tổng thể trong thúc đẩy chi tiêu của khách.

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Ðức Hải cho biết: "Trước đây, khi nói về chi tiêu của khách, chúng ta thường nhìn nhận chung chung. Nhưng từ năm 2017, được sự đồng ý của UBND thành phố, chúng tôi đã thay đổi cách tiếp cận. Sở Du lịch phối hợp Cục Thống kê, Sở Kế hoạch và Ðầu tư, Công an thành phố, Cục Thuế thành phố tổ chức khảo sát, nghiên cứu cơ cấu chi tiêu của khách, để từ đó có những giải pháp phù hợp. Trong cơ cấu chi tiêu của khách có những khoản chi cố định, gồm: Thuê phòng, ăn uống, đi lại. Ðây là nhóm những khoản chi bắt buộc, nhưng thường khó gia tăng. Các khoản chi như: Tham quan, mua sắm, vui chơi giải trí... là những khoản có dư địa tăng trưởng. Ðáng tiếc là các khoản cố định lại chiếm tỷ lệ quá lớn, còn các khoản dịch vụ khách chiếm tỷ lệ nhỏ. Từ việc nắm rõ cơ cấu chi tiêu như vậy, chúng tôi xây dựng các biện pháp cụ thể".

Ðể tăng mức chi tiêu của khách du lịch. Thành phố đã đầu tư các sản phẩm du lịch cả về số lượng lẫn chất lượng. Không gian phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm được tăng cường các hoạt động văn hóa - du lịch mang tính quốc tế; các chương trình nghệ thuật ngoài trời; không gian bích họa phố Phùng Hưng không ngừng nâng cao chất lượng tổ chức; mở hai tuyến xe buýt du lịch, trình diễn nghệ thuật thực cảnh "Tinh hoa Bắc Bộ" tại Tổ hợp văn hóa và giải trí Ba-a-ra Land (huyện Quốc Oai), Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội hằng năm... Trong đó, vở diễn Tinh hoa Bắc Bộ có giá vé cao, nhưng được đánh giá là có chất lượng tốt. Nhiều chuyên gia cho rằng, Hà Nội nên phát triển thêm những sản phẩm có giá trị cả về kinh tế, văn hóa như thế. Cùng với hệ thống sản phẩm du lịch sẵn có như: du lịch di sản, du lịch làng nghề, du lịch sinh thái..., những sản phẩm này đã góp phần khiến doanh thu từ du lịch Hà Nội đạt mức tăng trưởng ấn tượng.

Ðể giữ nhịp phát triển bền vững

Mặc dù đã có những cải thiện tích cực, tuy nhiên, những con số trong cơ cấu chi tiêu cũng đã nói lên những ưu điểm, nhược điểm trong lĩnh vực "công nghiệp không khói" của Hà Nội. Với khách quốc tế đi theo tua, chi tiêu cho vui chơi giải trí chỉ chiếm 4,28% cơ cấu; chi tiêu cho tham quan chiếm 4,12%... Với khách du lịch trong nước con số này còn thấp hơn. Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Ðầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội Nguyễn Gia Phương thừa nhận, Hà Nội rất thiếu các điểm mua sắm và ẩm thực. Những địa điểm để người làm du lịch có thể tự tin giới thiệu đến du khách chưa nhiều. Ngay tại 1.350 làng nghề ở Hà Nội, nhiều làng nghề chưa phát triển được du lịch, bởi hạ tầng, dịch vụ còn hạn chế, sản phẩm đơn điệu...

Ðể phát triển một cách bền vững, Hà Nội đầu tư một cách đồng bộ vào hoạt động du lịch thuộc các nhóm chi tiêu "cứng", lẫn các hoạt động vui chơi, giải trí, mua sắm, y tế... Ðối với nhóm lưu trú, ăn uống, đi lại, tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ để duy trì ổn định và gia tăng giá trị. Với các hoạt động mua sắm, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, thành phố xác định các sản phẩm thủ công mỹ nghệ là một trong những thế mạnh trong công tác đẩy mạnh hoạt động mua sắm hàng hóa và lưu niệm dành cho khách du lịch. Thành phố chú trọng phát triển sản phẩm du lịch làng nghề truyền thống bằng việc triển khai kế hoạch "Hỗ trợ xây dựng thương hiệu làng nghề Hà Nội"; kết nối tua du lịch đưa khách đến tham quan, mua sắm tại các làng nghề; tổ chức cuộc thi thiết kế mẫu mã sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội, tổ chức hội chợ quốc tế quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội hằng năm; thí điểm mô hình dự án đầu tư bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch tại làng dệt lụa Vạn Phúc và làng gốm sứ Bát Tràng để làm cơ sở nhân rộng mô hình đối với các làng nghề có tiềm năng phát triển du lịch khác trên địa bàn... Ðối với hoạt động vui chơi giải trí, Tập đoàn BRG đã khởi công xây dựng Công viên chủ đề Hello Kitty trên địa bàn quận Tây Hồ. Dự kiến đây sẽ là địa điểm thu hút đông đảo khách du lịch trong tương lai. Thành phố đang tiếp tục xây dựng Công viên giải trí Kim Quy, Trung tâm Triển lãm quốc gia tại huyện Ðông Anh…

Ðể tăng cường các hoạt động dịch vụ, giải trí, bán hàng, Sở Du lịch còn quan tâm những yếu tố ảnh hưởng tâm lý chi tiêu của khách, nhất là cách thức, thái độ phục vụ, giới thiệu sản phẩm của người làm du lịch. Ðây là lý do thành phố đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực, nhất là những đối tượng trực tiếp tương tác với khách như hướng dẫn viên, thuyết minh viên, lái xe du lịch chuyên nghiệp; nhất là bồi dưỡng kiến thức cho người dân ở các khu, điểm du lịch. Mặc dù vậy, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, để bảo đảm nâng mức chi tiêu của khách, vẫn cần sự phối hợp đồng bộ của các ngành, các địa phương liên quan.