Tìm giải pháp ổn định cung - cầu nông sản

Chỉ thời gian ngắn nữa, một số nông sản như mận, nhãn, vải thiều… của các tỉnh miền bắc sẽ vào vụ thu hoạch. Trong khi đó, tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều thị trường xuất khẩu và chuỗi tiêu thụ nông sản. Trước bối cảnh này, TP Hà Nội đang kêu gọi các địa phương đẩy mạnh liên kết để ổn định hoạt động cung - cầu nông sản.

Sản phẩm thanh long ruột đỏ miền tây được giới thiệu tại siêu thị BigC Hà Nội.Ảnh: THANH TÂN
Sản phẩm thanh long ruột đỏ miền tây được giới thiệu tại siêu thị BigC Hà Nội.Ảnh: THANH TÂN

Những ngày qua, người tiêu dùng tại Hà Nội đã tích cực hỗ trợ tiêu thụ hiệu quả hàng nghìn tấn thanh long, dưa hấu, tôm hùm… của các tỉnh, thành phố bị tồn đọng do khó xuất khẩu vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. Lượng hàng này được tiêu thụ mạnh nhất qua hệ thống các trung tâm thương mại, siêu thị và hàng nghìn cửa hàng thực phẩm tiện ích trên địa bàn. Tuy nhiên, theo phản ánh của các hệ thống bán lẻ, dù thị trường Hà Nội rất “thiện chí” nhưng không phải người nông dân, địa phương nào cũng triển khai nghiêm túc. Một số địa phương, người nông dân lại không nghĩ đến việc làm ăn lâu dài mà chỉ lo "chộp giật". Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại tổng hợp Vincommerce (sở hữu chuỗi siêu thị Vinmart) Nguyễn Thanh Thủy chia sẻ: "Đối với sản phẩm dưa hấu của tỉnh Gia Lai, Vinmart có nhu cầu 60 tấn/tuần, nhưng đơn vị cung ứng giao rất nhỏ giọt. Khi đơn vị tổ chức kết nối tiêu thụ, lúc đầu người nông dân cung cấp một giá, sau đến khi tiến hành đưa vào phân phối, thì lại báo giá khác, khiến hệ thống bán lẻ rất khó hỗ trợ việc tiêu thụ”.

Trong thời gian tới, một số sản phẩm nông sản của các địa phương như mận, chuối, nhãn, vải thiều… sẽ bước vào vụ thu hoạch rộ. Hiện, tỉnh Bắc Giang đang lo lắng bởi hằng năm, gần 60% sản lượng vải thiều của địa phương được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Tỉnh Sơn La cũng đang đôn đáo tìm đầu ra cho sản lượng xoài, mận, chanh leo… đang sắp vào vụ thu hoạch chính. Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, trong trường hợp việc xuất khẩu các mặt hàng nông sản tiếp tục gặp khó khăn, Sở sẽ đề xuất UBND thành phố Hà Nội cho phép tổ chức các tuần hàng nông sản giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu của các tỉnh, thành phố theo mùa vụ. Tuy nhiên, Sở cũng đề nghị các đơn vị, doanh nghiệp có sản phẩm cần kết nối, hỗ trợ tiêu thụ phải cung ứng sản phẩm đạt chất lượng, bảo đảm tiêu chuẩn tới các kênh phân phối. Để việc kết nối được hiệu quả, các ngành chức năng như công thương, nông nghiệp của từng địa phương lập danh sách sản phẩm cần hỗ trợ gửi Sở Công thương Hà Nội và các tỉnh, thành phố lớn để hỗ trợ kết nối tiêu thụ.

Bên cạnh ưu tiên thị trường nội địa, nhất là thị trường lớn như TP Hà Nội, các tỉnh, doanh nghiệp, cơ sở cung ứng cũng cần khai thác những thị trường xuất khẩu nông sản mới. Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội - CTCP (Hapro) Nguyễn Tiến Vượng cho biết, từ khi gặp khó khăn tại thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp đã chuyển hướng xuất khẩu mặt hàng gạo sang thị trường châu Phi, dù mới tiếp cận, số lượng hàng xuất khẩu còn ít, nhưng dư địa tăng trưởng khá cao. Với các mặt hàng khác như cà-phê, có thể tìm kiếm thị trường mới tại khu vực Trung Đông.

Phó Vụ trưởng Thị trường trong nước (Bộ Công thương) Lê Việt Nga đánh giá, hệ thống bán lẻ trên địa bàn Hà Nội đã làm rất tốt công tác hỗ trợ, đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng nông sản gặp khó khăn trong xuất khẩu. Tuy nhiên, về lâu dài, các doanh nghiệp cung ứng nông sản cần có giải pháp căn cơ về tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, liên kết sản xuất, đẩy mạnh chế biến, tăng cường kết nối với các hệ thống siêu thị và trung tâm phân phối nội địa. Từ đó, giảm dần sự phụ thuộc vào một vài thị trường tiêu thụ, xuất khẩu chính. Ngoài ra, các địa phương cần nghiên cứu điều chỉnh một số cây trồng, vật nuôi cho phù hợp nhu cầu của thị trường và lợi thế so sánh của từng địa phương, không nên sản xuất theo tâm lý đám đông. Đồng thời, doanh nghiệp cần từng bước đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp để nâng cao giá trị gia tăng cho mặt hàng nông sản.

Một số đại diện hệ thống phân phối trên địa bàn Hà Nội kiến nghị, các tỉnh, thành phố cần có thông tin chính xác về sản lượng nông sản cung ứng và chiến lược tham gia chuỗi sản xuất tiêu thụ dài hạn. Bởi nếu người tiêu dùng nghĩ rằng các sản phẩm này đang cần đẩy mạnh tiêu thụ khi cung vượt quá cầu thì giá trị sẽ không cao và không chọn để ưu tiên sử dụng.

Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh, TP Hà Nội luôn quan tâm, chú trọng công tác liên kết vùng, kết nối giao thương tiêu thụ hàng hóa nông sản với các tỉnh, thành phố trên cả nước thông qua nhiều hội nghị, hội chợ, triển lãm, tuần lễ hàng nông sản… Đây tiếp tục là giải pháp quan trọng và phát huy được hiệu quả, nhất là tại những thời điểm cán cân cung - cầu nông sản thiếu ổn định như thời gian qua.