Tìm giải pháp cứu di tích trước nguy cơ sụp đổ

Hà Nội hiện có gần 200 di tích sắp bị sập trong tổng số 500 di tích xuống cấp nghiêm trọng. Phần lớn các di tích ấy vẫn đang phải chờ kinh phí để tu bổ, bởi việc tu bổ rất tốn kém, nguồn vốn ngân sách dành cho tu bổ di tích rất hạn chế, trong khi việc xã hội hóa thường gặp khó khăn, nhất là đối với các di tích ở ngoại thành. Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đang phối hợp các sở, ngành, địa phương tìm cách tháo gỡ những khó khăn này.

Đình làng Bình Đà, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai. Ảnh: HƯƠNG MAI
Đình làng Bình Đà, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai. Ảnh: HƯƠNG MAI

Mòn mỏi chờ đợi vì thiếu kinh phí

Dù qua thăng trầm của thời gian, những mảng chạm khắc mang phong cách kiến trúc thời Lê Trung Hưng tại đình Cổ Chế (thôn Cổ Chế, xã Phúc Tiến, huyện Phú Xuyên) vẫn mê hoặc lòng người bởi sự tinh tế, sinh động và nét đẹp của các đề tài sinh hoạt dân gian. Tiếc rằng, nhiều mảng chạm động vào là mục ra. Hệ thống cột kèo, rui mè mục ruỗng, vòm mái trũng, dột, xập xệ... Đi vào trong đình là việc khá nguy hiểm bởi không ai dám chắc các cột chống tạm có thể bảo đảm mái đình không sập. Năm 2015, huyện Phú Xuyên ứng cứu khẩn cấp 400 triệu đồng để tu sửa đình. Song, số tiền đó chỉ đủ để di tích "cầm cự" thêm một thời gian.

Cùng cảnh với đình Cổ Chế là đình Phương Tiến (thôn 11, xã Trung Châu, huyện Đan Phượng). Đình Phương Tiến cũng bị hư hại toàn diện, từ đầu đao, bờ nóc, cho đến tường đều bong tróc vôi vữa, một số chỗ bị sụt. Nhà tả mạc, hữu mạc xuống cấp trầm trọng, thấm dột, còn tòa đại đình thì hầu hết các cột chính bị mối, mọt đục rỗng; gian hậu cung cũng bị mọt, gãy nhiều thanh hoành. Mỗi khi trời mưa lại lo nơm nớp sập đổ. Đáng chú ý, cả đình Cổ Chế lẫn đình Phương Tiến đều là Di tích cấp quốc gia. Cả hai đều nhiều lần "kêu cứu", nhưng vẫn chưa được đầu tư tu bổ.

Hà Nội sở hữu số lượng di tích khổng lồ. Những huyện dẫn đầu về số lượng di tích là Thường Tín với 440 di tích, Ứng Hòa có 433 di tích, Ba Vì có gần 400 di tích. Cùng với thời gian, di tích xuống cấp là tất yếu. Trên địa bàn thành phố hiện có hơn 500 di tích trong tình trạng như đình Cổ Chế và đình Phương Tiến. Tuy nhiên, thiếu vốn là nguyên nhân chính khiến nhiều di tích sắp sập mà chưa được tu bổ. Huyện Thường Tín từng được thành phố hỗ trợ 30 tỷ đồng trong hai năm 2010 - 2011, nhưng số tiền đó chỉ đủ tu bổ... hai di tích. Với ngân sách hạn hẹp của một huyện ngoại thành, năm 2017, dù rất nỗ lực, toàn huyện chỉ có thể dành 4,5 tỷ đồng cho công tác tu bổ. Toàn bộ số tiền ấy không đủ để tu bổ một di tích đến nơi đến chốn, cho nên, chủ yếu được "rải" ra để chống xuống cấp. Theo Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Phúc Thọ Vũ Hồng Hải, trung bình mỗi năm huyện cũng chỉ có thể dành từ 1,5 đến 2 tỷ đồng cho việc chống xuống cấp. Di tích thường dùng vật liệu chủ yếu là các loại gỗ quý, nhất là gỗ lim. Một chiếc cột gỗ lim giá có thể tới hàng trăm triệu đồng. Sự việc đình Lương Xá (xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa) bị bê-tông hóa gần đây cũng có lý do từ kinh phí. Nếu tu bổ bằng gỗ lim, dự kiến sẽ tốn khoảng 10 tỷ đồng. Số tiền này quá sức với người dân địa phương.

Cần đổi mới trong công tác tu bổ

Trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, vốn xã hội hóa có vai trò quan trọng. Tổng kinh phí xã hội hóa cho bảo tồn, tôn tạo di tích trên địa bàn thành phố giai đoạn 2012-2017 ước thực hiện hơn 1.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, số tiền này chỉ tập trung vào một số di tích trọng điểm. Bên cạnh đó, do quan niệm "thánh làng nào làng đấy thờ" cho nên việc huy động vốn xã hội hóa cho tu bổ đình làng luôn gặp khó khăn, thường chỉ huy động được nguồn đóng góp của dân làng. Chưa kể, những địa phương có nhiều di tích lại là những huyện nghèo. Trưởng Phòng Quản lý di sản (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) đề xuất: "Chúng ta cần xây dựng cơ chế, chính sách rõ ràng để có thể huy động nguồn lực của các tổ chức, cá nhân trong công tác bảo tồn văn hóa. Đối với nguồn vốn ngân sách, thành phố nên ưu tiên những địa phương khó khăn về kinh tế, khó huy động vốn xã hội hóa". Theo Trưởng ban Văn hóa - Xã hội (HĐND thành phố Hà Nội) Trần Thế Cương, cùng với đẩy mạnh việc kêu gọi xã hội hóa, UBND các quận, huyện, thị xã cần kiểm kê, phân loại, đánh giá hiện trạng các di tích, từ đó xây dựng kế hoạch tu bổ, tôn tạo đối với những di tích bị xuống cấp.

Từ việc giải quyết sự cố tu bổ đình Lương Xá, yếu tố sử dụng vật liệu mới trong tu bổ cũng được nhiều chuyên gia đề cập. Trong công tác tu bổ, cùng với gìn giữ những hiện vật, cấu kiện lịch sử thì còn yếu tố bảo tồn không gian, hình thái kiến trúc. Sử dụng vật liệu mới có thể bảo tồn được không gian, hình thái kiến trúc. Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long cho biết: "Di sản không phải "nhất thành bất biến" mà có những bổ sung qua các thời kỳ. Cái gì cần giữ thì nhất thiết phải bảo tồn nguyên gốc, nhưng còn cái nào thiếu thì có thể thay thế. Trong di sản thì ý nghĩa phi vật thể là vô cùng quan trọng, nếu thay thế làm tôn vinh thêm ý nghĩa của di sản thì có thể thực hiện". Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trương Minh Tiến cho biết, hiện chưa có hướng dẫn từ phía Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Giả sử bây giờ muốn thay một cột đình gỗ lim đã hư hỏng bằng vật liệu bê-tông thì chưa có văn bản nào cho phép. Song, nhiều chuyên gia cho rằng, với những di tích chưa được xếp hạng, di tích không quan trọng thì phối hợp sử dụng vật liệu hiện đại có thể xem là giải pháp tạm chấp nhận được để cứu di tích khỏi nguy cơ đổ sập.