Thúc đẩy phát triển thương mại điện tử

Thương mại điện tử không còn là xu hướng mà đang trở thành kênh bán hàng quan trọng đối với doanh nghiệp. Hà Nội đặt mục tiêu tới năm 2025 sẽ có 55% người dân tham gia mua sắm trực tuyến và đang triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy thị trường này phát triển mạnh hơn, góp phần quan trọng hình thành nền kinh tế số.

Thương mại điện tử (TMĐT) tại thị trường Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung đang có những bước tăng trưởng ấn tượng, làm thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Tại sự kiện siêu khuyến mại ngày 11-11 vừa qua, các sàn TMĐT lớn như Shopee, Lazada, Tiki… với những chương trình giảm giá mạnh đã đạt doanh thu lớn trong một ngày. Lazada giảm đến 50% với tổng giá trị mã giảm lên đến 22 tỷ đồng; Tiki tung chương trình “Tiki thả thính - Vạn deal đều dính” với các mức khuyến mại khác nhau tại hơn 35 ngành hàng... Chỉ trong một giờ đầu tiên của ngày mua sắm này, sàn TMĐT Shopee đã ghi nhận 20 triệu lượt truy cập... Có thể thấy, TMĐT đã trở thành thị trường hấp dẫn với cả doanh nghiệp và người tiêu dùng. 

“Doanh nghiệp cần khai thác kênh TMĐT để tiếp cận khách hàng” - Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Lê Hồng Thái chia sẻ. Là đơn vị trong lĩnh vực du lịch, Hanoitourist đã phối hợp nhiều ngân hàng, tạo ứng dụng đặt mua tua du lịch và thanh toán trực tuyến để thuận tiện cho người tiêu dùng. Tỷ lệ bán các sản phẩm du lịch qua kênh online của Hanoitourist ngày càng tăng, gắn liền với các công cụ thanh toán không dùng tiền mặt. Hà Nội luôn là một trong hai thành phố dẫn đầu cả nước về chỉ số phát triển TMĐT. Còn Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường phát triển TMĐT nhanh nhất ở Đông - Nam Á, quy mô thị trường TMĐT có khả năng lên tới 13 tỷ USD trong năm 2020.

Thực hiện Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2020 - 2025, Sở Công thương Hà Nội đã tham mưu trình UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch 169/KH-UBND ngày 20-8-2020 về phát triển TMĐT thành phố giai đoạn 2020 - 2025 với các chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025: doanh thu bán lẻ trực tuyến tăng 20%; 55% người dân tham gia mua sắm trực tuyến; 50% doanh nghiệp nhỏ và vừa tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn TMĐT; 80% website TMĐT có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến; hình thành phát triển các sàn giao dịch TMĐT xuyên biên giới… Để thúc đẩy hoạt động TMĐT, trong thời gian tới, TP Hà Nội sẽ tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm, chương trình tập huấn chuyên sâu về TMĐT cho các doanh nghiệp; đẩy mạnh phát triển hạ tầng logistics phục vụ xuất khẩu hàng hóa qua kênh TMĐT; phối hợp Google, Alibaba, Amazon và các sàn TMĐT lớn tổ chức Hội nghị kết nối về TMĐT, cập nhật kiến thức số, tăng hiệu quả kinh doanh trên môi trường trực tuyến… Trong đó, để thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa qua kênh TMĐT, Hà Nội đã xây dựng chợ TMĐT tại địa chỉ www.chonhaminh.gov.vn. Đến nay, sàn TMĐT này đã tạo lập được hơn 200 gian hàng cho các doanh nghiệp, chuỗi giá trị, cơ sở sản xuất, kinh doanh giới thiệu các sản phẩm có xuất xứ rõ ràng, minh bạch về chất lượng với người tiêu dùng Thủ đô. Đồng thời, xây dựng trang web: https://nongsanantoanhanoi.gov.vn, cung cấp thông tin nông sản an toàn, nhằm quảng bá, giới thiệu, cung cấp tới các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã và người tiêu dùng biết, lựa chọn những địa chỉ cung cấp nông sản thực phẩm an toàn, uy tín trên địa bàn và tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh, xây dựng chuỗi liên kết cung ứng... Hằng năm, TP Hà Nội phối hợp Bộ Công thương và các đơn vị tổ chức chương trình Online Friday - ngày hội mua sắm trực tuyến quy mô lớn trên cả nước.
 
Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, Trần Thị Phương Lan cho biết: Theo đánh giá của các chuyên gia, mặc dù hoạt động kinh doanh đang bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19, nhưng đây cũng là cơ hội ứng dụng TMĐT vào sản xuất, kinh doanh để vượt qua khó khăn. Xu hướng hiện nay và nhất là trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp thì TMĐT sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ và được coi là lĩnh vực sôi động nhất trong thị trường kinh tế số Việt Nam.