Tháo gỡ vướng mắc trong quản lý chung cư

Phát triển chung cư cao tầng là xu thế tất yếu của các đô thị, nhất là tại các đô thị đông dân như Hà Nội. Tuy nhiên, do công tác quản lý chung cư, nhất là việc chấp hành quy định pháp luật của chủ đầu tư còn nhiều hạn chế, gây bức xúc trong dư luận, tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp.

Cử tri phát biểu ý kiến tại hội nghị. Ảnh: NGUYỄN CÔNG
Cử tri phát biểu ý kiến tại hội nghị. Ảnh: NGUYỄN CÔNG

Thường trực HÐND thành phố Hà Nội vừa tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề về việc thực hiện quy định pháp luật trong quản lý, sử dụng nhà chung cư.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có gần 690 cụm, tòa nhà chung cư thương mại đã hoàn thành, đưa vào hoạt động. Tuy nhiên, mới chỉ có gần 420 nhà chung cư thành lập ban quản trị, còn lại 270 nhà chưa có ban quản trị. Trong số này chủ đầu tư của gần 310 nhà chung cư đã bàn giao diện tích sở hữu chung và phòng sinh hoạt cộng đồng cho ban quản trị, gần 290 nhà được bàn giao hồ sơ tòa nhà. Ðáng chú ý, mới có 184 tòa nhà được chủ đầu tư bàn giao quỹ bảo trì tòa nhà cho ban quản trị, trong đó có 11 nhà mới được bàn giao một phần quỹ, còn lại hơn 230 nhà chung cư vẫn chưa được chủ đầu tư bàn giao quỹ bảo trì theo quy định. Trong số 168 tòa chung cư tái định cư, mới chỉ có 71 nhà chung cư thành lập ban quản trị. Trong số này mới có 30 tòa nhà được bàn giao quỹ bảo trì, 13 trường hợp được chủ đầu tư bàn giao diện tích sử dụng chung.

Tại hội nghị, đã có 29 ý kiến phát biểu trực tiếp và 30 ý kiến được gửi văn bản đến Thường trực HÐND thành phố. Các ý kiến bày tỏ bức xúc về việc chủ đầu tư cố tình chiếm dụng quỹ bảo trì tòa nhà hoặc bàn giao nhỏ giọt; nhà sinh hoạt cộng đồng bị thiếu về diện tích và số lượng so với quy định; hệ thống phòng cháy, chữa cháy (PCCC) xuống cấp, không bảo đảm quy định, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao; chất lượng nhà chung cư tái định cư kém, nhanh chóng xuống cấp. Nhiều cử tri chỉ rõ bất cập trong việc thành lập, hoạt động của ban quản trị nhà chung cư, mà nguyên nhân quan trọng do Thông tư 02/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng về quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư còn nhiều hạn chế. Ông Phạm Như Phước, Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 4, Khu đô thị Ðặng Xá, xã Ðặng Xá, huyện Gia Lâm phản ánh: Thông tư 02 không nói rõ về mối quan hệ giữa chính quyền cơ sở với ban quản trị, dẫn đến không ít trường hợp cho rằng ban quản trị được huyện, quận ra quyết định thành lập, cho nên không chịu sự quản lý, giám sát của chính quyền cơ sở, chi bộ, tổ dân phố. Thậm chí, có thành viên ban quản trị còn tuyên bố chi bộ không có quyền đi sâu tìm hiểu, để ban quản trị tự hoạt động. Toàn bộ diện tích kinh doanh dịch vụ, nhà sinh hoạt cộng đồng do ban quản trị trực tiếp quản lý. Ðiều này đã gây ra không ít rắc rối, vướng mắc trong quá trình hoạt động của chung cư, nhất là đối với các chung cư trước đây đã thực hiện theo Quyết định 01/2013/QÐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội, trong đó nêu rõ mối quan hệ chặt chẽ của ban quản trị với chính quyền cơ sở. Ông Phước cho rằng, ban quản trị không thể tách rời khỏi sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền. Còn nhà sinh hoạt cộng đồng nhà chung cư có thể xem như nhà văn hóa khu dân cư, chứ không của riêng ban quản trị. Cùng với đó, các cử tri phản ánh nhiều chủ đầu tư tự ý sử dụng sai mục đích phần sở hữu chung của tòa nhà, chậm trễ hoàn thiện hồ sơ để người dân được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở và nhà ở (sổ đỏ). Các cư dân phải sử dụng nước sạch với giá cao hơn mức giá quy định của thành phố do phải qua đơn vị trung gian, chất lượng nước kém, do bể chứa không được thau rửa định kỳ.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Hùng khẳng định, chung cư là loại hình nhà ở mới, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật từ quá trình đầu tư xây dựng đến quản lý, vận hành còn bất cập. Cơ chế quản lý chung cư, cơ chế phối hợp, giải quyết khi chủ đầu tư có sai phạm còn lúng túng…, dẫn đến mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và cư dân, gây khó khăn trong công tác quản lý của chính quyền các cấp. Ðể giải quyết những vướng mắc, hạn chế này, nâng cao chất lượng công tác quản lý, vận hành chung cư, thành phố rất cần sự chung tay góp sức của các nhà đầu tư và cư dân. Ðồng chí Nguyễn Thế Hùng nhấn mạnh, UBND thành phố vừa yêu cầu các quận, huyện trong quý III năm nay hoàn thành kiểm tra, đôn đốc chủ đầu tư thành lập ban quản trị; xây dựng phương án cụ thể đối với các chung cư chưa đủ điều kiện thành lập ban quản trị, đề xuất Sở Xây dựng hướng dẫn. Sở Xây dựng kiểm tra, hướng dẫn các quận, huyện triển khai biện pháp xử lý...

Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực HÐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết: Các ý kiến của cử tri được HÐND thành phố tổng hợp, đề nghị UBND thành phố trả lời và giao trách nhiệm giải quyết cho các sở, ngành, trong đó tập trung làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, của chủ đầu tư, đơn vị quản lý vận hành. HÐND thành phố sẽ tiếp tục dõi theo chặt chẽ các kiến nghị của người dân để giám sát các nội dung liên quan quản lý, sử dụng nhà chung cư và kiến nghị Thành ủy có một chỉ thị chuyên đề về vấn đề này, nhằm huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, xử lý dứt điểm những bức xúc của người dân sống tại chung cư.