Tăng cường kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm

Hà Nội là địa phương có tổng đàn vật nuôi ở nhóm dẫn đầu cả nước, nhưng do phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, lạc hậu, nằm xen kẽ trong khu dân cư vẫn chiếm tỷ lệ lớn, dẫn đến việc kiểm soát hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm gặp nhiều khó khăn.

Dây chuyền giết mổ gia cầm tại Nhà máy chế biến thực phẩm C.P Hà Nội (Công ty CP chăn nuôi C.P Việt Nam). Ảnh:Vũ Sinh
Dây chuyền giết mổ gia cầm tại Nhà máy chế biến thực phẩm C.P Hà Nội (Công ty CP chăn nuôi C.P Việt Nam). Ảnh:Vũ Sinh

Hiện nay, TP Hà Nội có đàn gia cầm khoảng 34 triệu con, đàn trâu, bò khoảng 153 nghìn con, đàn lợn khoảng 1,2 triệu con. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, tại các huyện Thanh Oai, Ba Vì, Chương Mỹ, Quốc Oai đã hình thành một số khu vực chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, góp phần phát triển đàn vật nuôi an toàn dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, nằm xen kẽ trong khu dân cư để tận dụng các nguồn phụ phẩm nông nghiệp, thức ăn thừa vẫn chiếm khoảng 60%. Ngoài việc gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân, việc chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư kéo theo hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, thủ công lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn dịch bệnh cho đàn vật nuôi và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm đối với người tiêu dùng.

Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho thấy, trên địa bàn thành phố hiện có gần 750 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, gồm 61 cơ sở giết mổ trâu, bò; 220 cơ sở giết mổ lợn; gần 460 cơ sở giết mổ gia cầm; 12 cơ sở giết mổ động vật khác. Trong đó, một số cơ sở có quy mô lớn như cơ sở giết mổ gia cầm Lan Vinh (xã Yên Thường, huyện Gia Lâm) khoảng 5.000 con/ngày, cơ sở giết mổ lợn tại xã Vạn Phúc (huyện Thanh Trì) từ 1.500 đến 1.700 con/ngày, cơ sở giết mổ trâu, bò Đông Thành (huyện Đông Anh) khoảng 50 con/ngày… Tuy nhiên, số lượng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm quy mô công nghiệp chỉ có bảy cơ sở; 24 cơ sở bán công nghiệp, 718 cơ sở còn lại là cơ sở giết mổ thủ công, lạc hậu, nhỏ lẻ. Cùng với đó, thành phố có gần 100 kho đông lạnh bảo quản các sản phẩm động vật làm thực phẩm, 385 cơ sở sơ chế sản phẩm động vật.

Đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho biết, từ năm 2012, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt quy hoạch giết mổ gia súc, gia cầm, nhưng sau thời gian thực hiện đã bộc lộ nhiều hạn chế. Lĩnh vực chăn nuôi phát triển nhanh chóng và ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu ngành nông nghiệp nhưng nhiều địa điểm quy hoạch chưa phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn mới cũng như nhu cầu thực tiễn tại các địa phương. Chính sách thu hút đầu tư còn hạn chế dẫn đến số lượng các cơ sở giết mổ được hình thành, đi vào hoạt động theo quy hoạch còn thấp. Công tác kiểm soát giết mổ thú y gặp nhiều khó khăn. Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, quy trình kiểm soát giết mổ phải thực hiện đầy đủ trước, trong và sau khi giết mổ, từ kiểm tra sức khỏe, nguồn gốc động vật, đến thân thịt và phủ tạng, nếu bảo đảm không mắc bệnh sẽ được đóng dấu kiểm dịch. Tuy nhiên, việc thực hiện kiểm soát giết mổ rất khó khăn, do đặc thù của hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm chủ yếu diễn ra vào ban đêm, trong khi đó, lực lượng cán bộ thú y mỏng, rất khó kiểm soát các điểm giết mổ nhỏ lẻ, phân tán khắp các quận, huyện.

Mới đây, UBND thành phố Hà Nội phê duyệt Mạng lưới cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn thành phố, với tám cơ sở quy mô lớn và 13 cơ sở quy mô nhỏ tại các huyện Chương Mỹ, Đan Phượng, Phúc Thọ, Thường Tín, Đông Anh, Gia Lâm, Sóc Sơn... Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho rằng, đây là cơ sở quan trọng nhằm phát triển các cơ sở giết mổ quy mô lớn, hiện đại; siết chặt hoạt động các cơ sở nhỏ lẻ, thủ công. Để quy hoạch sớm được triển khai, Sở đề nghị các địa phương tập trung xây dựng các chuỗi liên kết, gắn cơ sở giết mổ với các hộ chăn nuôi quy mô lớn, tạo thành quy trình đồng bộ từ chăn nuôi đến giết mổ, tiêu thụ sản phẩm. Tiếp tục nghiên cứu, bổ sung cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn, nhất là các chính sách ưu đãi về đất đai, nguồn vốn. Các địa phương đẩy nhanh tiến độ hình thành các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung sau khi thành phố phê duyệt mạng lưới các cơ sở giết mổ và sớm xây dựng lộ trình, giải pháp đưa các điểm giết mổ nhỏ lẻ, không bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm vào các cơ sở tập trung.

Giết mổ gia súc, gia cầm là hoạt động quan trọng trong công tác phòng, chống dịch bệnh, phát triển đàn vật nuôi và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì thế, UBND thành phố cần tiếp tục chỉ đạo các ngành, nhất là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện nghiêm các quy định của Luật Thú y, các quy định liên quan đến công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật vận chuyển ra vào địa bàn thành phố. Chủ động phối hợp với các tỉnh, thành phố trong trao đổi thông tin, thông báo dịch bệnh, kết quả công tác kiểm dịch, vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc động vật, sản phẩm động vật khi có nghi ngờ. Lực lượng chức năng kiểm soát, ngăn chặn tình trạng nhập gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc về thành phố, nhất là tại các chợ đầu mối; đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.