Tăng chất lượng của điểm đến

Hà Nội có nhiều điểm đến du lịch hấp dẫn, nhưng đều là những “tài nguyên thô”, hệ thống dịch vụ, hạ tầng thiếu hoàn thiện. Thời gian qua, thành phố đã có nhiều hoạt động nâng cao chất lượng điểm đến, qua đó, đưa du lịch tăng trưởng mạnh và bền vững.
Trẻ em học làm gốm ở làng Bát Tràng.
Trẻ em học làm gốm ở làng Bát Tràng.

Đúng vào dịp kỷ niệm 65 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10-10-1954 - 10-10-2019), Đảng ủy, chính quyền, nhân dân xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm) tổ chức lễ đón bằng công nhận “Điểm du lịch Làng nghề gốm Bát Tràng”. Nhân dịp này, xã Bát Tràng công bố nhiều hoạt động mới trong lĩnh vực bảo tồn, phát huy nghề truyền thống, thu hút khách du lịch. Một tổ hợp văn hóa, du lịch, thương mại mang tên “Bát Tràng, Chợ Chiều - Điểm đến ngàn năm” được đưa vào khai thác du lịch, nơi khách tham quan được tìm hiểu, trải nghiệm nghề gốm, sản phẩm gốm sứ trong không gian đậm chất truyền thống. Cũng trong dịp này, Bát Tràng sẽ khai trương một loạt các ứng dụng thông minh như: cung cấp wifi miễn phí, cung cấp dịch vụ xe điện, xe đạp thông minh, máy thuyết minh tự động, ra mắt phần mềm du lịch Bát Tràng… Ngoài ra, còn có các hoạt động văn hóa dân gian, giới thiệu văn hóa ẩm thực đặc sắc của Bát Tràng… Chủ tịch UBND xã Bát Tràng Phạm Văn May cho biết: “Khu làng nghề truyền thống của Bát Tràng đã được quy hoạch bảo tồn với diện tích 5,3 ha. Bát Tràng hiện có hơn 200 doanh nghiệp và gần 1.000 hộ đang sản xuất, kinh doanh gốm sứ với doanh thu hằng năm đạt khoảng 1.200 tỷ đồng. Cùng với những đổi mới trong sản xuất, kinh doanh, vừa qua, xã Bát Tràng tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức về hoạt động du lịch cộng đồng cho lãnh đạo, cán bộ và nhân dân xã”. Trung bình mỗi năm, Bát Tràng thu hút khoảng hơn 200 nghìn lượt khách du lịch. Con số này khá cao, nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của làng gốm nổi tiếng nhất Việt Nam này. Vì thế, việc công nhận điểm du lịch, Bát Tràng sẽ có thêm “xung lực” mới để phát triển.

Hà Nội có tài nguyên du lịch phong phú, nhất là du lịch di sản, với hệ thống di tích dày đặc, di sản văn hóa phi vật thể phong phú, ẩm thực đa dạng và những làng nghề, phố nghề lâu đời… Tuy nhiên, thực tế, đây mới là những nguồn “tài nguyên thô”. Điểm yếu trong các điểm đến du lịch của Hà Nội là thiếu “chuỗi giá trị”, gồm chuỗi sản phẩm cung ứng cho nhu cầu của khách du lịch, từ tham quan, nghỉ dưỡng, đến khám phá; chuỗi sản phẩm thuộc cơ sở hạ tầng của điểm đến; chuỗi sản phẩm thuộc các dịch vụ bổ sung… Giám đốc Sở Du lịch Trần Đức Hải cho biết: “Sau khi Luật Du lịch được ban hành, căn cứ vào các quy định của Luật, Sở Du lịch Hà Nội đã ban hành Công văn số 290/SDL-QHPTTNDL về việc tăng cường công tác quản lý và triển khai đăng ký công nhận điểm du lịch, khu du lịch cấp thành phố. Sở Du lịch phối hợp các địa phương rà soát, thống kê lập danh sách các điểm tham quan, đánh giá lại các khâu theo các tiêu chí, điều kiện công nhận điểm du lịch, khu du lịch cấp thành phố. Việc công nhận điểm du lịch là cơ sở để chuẩn hóa các hoạt động du lịch, từ công tác phục vụ cho đến tiếp nhận các phản ánh của khách. Đồng thời, tạo cơ sở để thành phố tập trung ưu tiên đầu tư những điểm du lịch trọng điểm, nâng cao chất lượng điểm đến, nâng cao chất lượng phục vụ khách”.

Đến thời điểm này, Hà Nội đã công nhận 12 điểm du lịch, khu du lịch đạt chuẩn cấp thành phố, gồm: Di tích Lịch sử Nhà tù Hỏa Lò, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Công viên Thiên Đường Bảo Sơn, Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám, làng nghề gốm sứ Bát Tràng, làng cổ Đường Lâm, Khu du lịch Ao Vua, Khu du lịch suối khoáng Tản Đà… Trong đó, điểm du lịch Làng nghề gốm Bát Tràng chính là một điển hình của công tác nâng cao chất lượng điểm đến khi được công nhận điểm du lịch. Các dịch vụ du lịch, từ những sản phẩm “thô”, mang tính tự phát, dần dần được hoàn thiện, chuyên nghiệp, tích hợp những dịch vụ hiện đại. Cụ thể như, song song với tham quan, trải nghiệm nghề gốm, sản phẩm gốm, Bát Tràng đã cung cấp những dịch vụ nhà nghỉ homestay hấp dẫn, những khu thương mại, dịch vụ đậm chất truyền thống, các dịch vụ ăn uống, đi lại… Mô hình này là cơ sở để các điểm, khu du lịch khác tham khảo, rút kinh nghiệm thực hiện. Thời gian tới, dự kiến, Hà Nội sẽ công nhận khoảng 120 điểm, khu du lịch, trong đó, có khoảng 20 đến 30 điểm, khu du lịch cấp thành phố. Thành phố sẽ có nhiều hoạt động hỗ trợ các điểm, khu du lịch đạt chuẩn như: Hỗ trợ quảng bá, hỗ trợ công nghệ, chuẩn hóa thuyết minh... Ngược lại, các đơn vị được công nhận điểm du lịch, khu du lịch cấp thành phố cũng phải cam kết duy trì và bảo đảm chất lượng các tiêu chí đã được công nhận; có trách nhiệm bảo vệ, tôn tạo tài nguyên du lịch; bảo đảm an toàn, an ninh, giữ gìn vệ sinh môi trường du lịch… để khách du lịch được thụ hưởng chất lượng dịch vụ tốt nhất.

Tính đến hết tháng 9-2019, Hà Nội đã đón hơn 21,5 triệu lượt khách, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó, khách quốc tế đến Hà Nội ước đạt hơn 4,7 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch đạt gần 75 nghìn tỷ đồng, tăng 30,9% so với cùng kỳ năm 2018. Theo đánh giá mới nhất của hãng tin CNN, Thủ đô Hà Nội được xếp thứ 17 trong danh sách 19 điểm đến tốt nhất châu Á năm 2019. Kết quả nêu trên có được là do Hà Nội đã có nhiều cải thiện trong nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng cường cơ sở hạ tầng, đổi mới sản phẩm du lịch…, trong đó, nội dung quan trọng là nâng cao chất lượng những điểm đến. Để tiếp tục nâng cao sức hút của du lịch, biến du lịch thành ngành kinh tế quan trọng, bên cạnh việc công nhận các khu, điểm du lịch, Sở Du lịch Hà Nội đang xây dựng bộ tiêu chí chuẩn đánh giá khu, điểm du lịch chất lượng cao trình UBND thành phố Hà Nội phê duyệt. Đây sẽ là biện pháp nhằm phát huy giá trị tài nguyên, khuyến khích đầu tư để nâng cao chất lượng các điểm đến du lịch trên địa bàn.