Sức sáng tạo của văn hóa dân gian trong đời sống

Hà Nội vừa tổ chức Lễ hội Văn hóa dân gian trong đời sống đương đại. Đó là cuộc hội ngộ của những làng nghề mang đậm dấu ấn của thiết kế sáng tạo trên nền truyền thống như: quạt Chàng Sơn, gốm Bát Tràng, mây tre đan Phú Vinh… Lễ hội cho công chúng nhìn nhận rõ hơn về tiềm năng kinh tế từ những sáng tạo trong làng nghề, nhất là khi Hà Nội vừa được ghi danh vào Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO.
Trình diễn nghệ thuật truyền thống kết hợp giới thiệu áo dài nam tại Lễ hội Văn hóa dân gian trong đời sống đương đại.
Trình diễn nghệ thuật truyền thống kết hợp giới thiệu áo dài nam tại Lễ hội Văn hóa dân gian trong đời sống đương đại.

Cuối tuần qua, toàn bộ không gian của vườn hoa Lý Thái Tổ và nhà Bát Giác biến thành một không gian nghệ thuật sắp đặt lớn trên nền các sản phẩm làng nghề truyền thống. Phía trước tượng đài Lý Thái Tổ, Ban tổ chức kết những chiếc quạt nan tre, quạt giấy thành chiếc cổng chào độc đáo nhiều mầu sắc. Không gian của làng quê được tô điểm bởi những chiếc đó tre được “biến tấu” thành những chiếc đèn trang trí hình con cá ngộ nghĩnh. Nghệ thuật sắp đặt còn đem đến điểm nhấn bởi những dải lụa được mang đến từ làng nghề Vạn Phúc, mô phỏng khung cảnh hong lụa thời xa xưa; đó còn là không gian sắp đặt từ những chiếc khung nón làng Chuông, quạt Chàng Sơn hay mây tre đan Phú Vinh..., tạo nên nhiều tiểu cảnh hài hòa giữa truyền thống và hiện đại.

Trong không gian ấy, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội giới thiệu 16 làng nghề tiêu biểu nhất của Thủ đô. Hà Nội vừa được UNESCO ghi danh vào Mạng lưới các Thành phố sáng tạo ở lĩnh vực thiết kế. Bởi vậy, những làng nghề được chọn để giới thiệu đều là những làng nghề có thế mạnh về thiết kế sáng tạo. Có thể kể đến những làng nghề như: Dệt lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông), đúc đồng Ngũ Xã (quận Ba Đình), gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm), mây tre đan Phú Vinh (huyện Chương Mỹ), sơn mài Hạ Thái (huyện Thường Tín), mộc Chàng Sơn (huyện Thạch Thất)… Mỗi gian hàng lại “kể” những câu chuyện xưa và nay. Gian hàng giới thiệu làng lụa Vạn Phúc được thiết kế cầu kỳ, để người xem hình dung ra được quá trình từ khi con tằm nhả tơ đến khi hình thành lên tấm lụa để may những trang phục đậm chất dân tộc. Gian hàng mộc Chàng Sơn mời nghệ nhân trình diễn các thao tác điêu khắc ngay tại chỗ; cho thấy sự khéo léo của người Việt Nam trong chế tác đồ thủ công mỹ nghệ…

Không gian được tô đậm thêm “chất” di sản bởi suốt trong những ngày diễn ra Lễ hội Văn hóa dân gian trong đời sống đương đại, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã mời các nghệ nhân trình diễn những loại hình di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của Thủ đô như: Hát chèo Tàu Tân Hội (huyện Đan Phượng), hát Trống quân Hát Môn (huyện Phúc Thọ), hát dô Liệp Tuyết (huyện Quốc Oai)… Dù có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng điểm nổi bật xuyên suốt ở lễ hội là sức sáng tạo của văn hóa dân gian. Ở gian hàng giới thiệu sản phẩm mây tre đan Phú Vinh, từ nghề mây tre đan cổ truyền, các nghệ nhân có nhiều sáng tạo, đưa ra những thiết kế mới phục vụ cho cuộc sống như: Chụp đèn, lọ hoa, túi xách, giỏ, làn, hộp đựng đồ… thậm chí cả tranh mây, tre đan. Nhiều mặt hàng mây, tre đan Phú Vinh xuất khẩu tới các thị trường lớn trên thế giới. Sản phẩm sơn mài Hạ Thái cũng hết sức sống động. Trước kia, nghề sơn chủ yếu phục vụ cho trang trí đồ thờ. Bây giờ, các nghệ nhân sản xuất ra hàng trăm mẫu mã, chủ yếu là đồ trang trí mỹ nghệ như: lọ hoa, hộp, đĩa, bát, tranh dân gian… Anh Trịnh Minh Đức, ở phố Lê Đại Hành (quận Hai Bà Trưng) cho biết: “Tôi từng tham gia nhiều lễ hội, hội chợ khác nhau. Tuy nhiên, lễ hội lần này giới thiệu nhiều làng nghề đặc sắc. Các sản phẩm làng nghề có khả năng thích ứng cao với đời sống”.

Trưởng phòng Quản lý di sản Phạm Thị Lan Anh cho biết: “Lễ hội là dịp để cộng đồng nhận thức rõ hơn sức sáng tạo vốn có của các loại hình văn hóa dân gian trên địa bàn Thủ đô, cũng như tiềm năng kinh tế từ sáng tạo của các làng nghề. Khi được đầu tư, phát triển đúng hướng, các làng nghề vừa đem lại giá trị kinh tế, vừa giảm ô nhiễm môi trường. Chỉ diễn ra trong ba ngày, nhưng Lễ hội Văn hóa dân gian trong đời sống đương đại đã thu hút khoảng 60 nghìn khách tham quan. Điều đó cho thấy văn hóa làng nghề, kinh tế sáng tạo của các làng nghề đang được xã hội quan tâm”.

Một số nước trong khu vực châu Á như: Nhật Bản, Hàn Quốc... văn hóa truyền thống được tích cực khai thác, sáng tạo để trở thành những sản phẩm, giá trị mới hấp dẫn công chúng, khẳng định bản sắc và tầm ảnh hưởng văn hóa trong nền kinh tế của mỗi quốc gia. Tại Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng, qua hàng nghìn năm, văn hóa dân gian vẫn được thế hệ trước lưu giữ, truyền lại cho thế hệ sau. Dù ngày nay, văn hóa dân gian đã có nhiều biến đổi, nhưng các thành tố của nó vẫn tồn tại và tái cấu trúc, tạo nên bộ mặt văn hóa của xã hội đương đại. Việc phát huy các di sản văn hóa dân gian trong đời sống đương đại không chỉ mang lại giá trị tinh thần cho người dân mà còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội, là cơ hội khởi nghiệp sáng tạo cho giới trẻ và là nền tảng cho hội nhập thế giới.

Sau khi được ghi danh là Thành phố sáng tạo, hy vọng rằng chính quyền thành phố sớm triển khai các cam kết với UNESCO như: Kiến tạo Trung tâm Thiết kế sáng tạo; Xây dựng và củng cố các không gian sáng tạo; Lễ hội Thiết kế Sáng tạo… để tạo thêm lực đẩy cho kinh tế sáng tạo nói chung và tăng sức sáng tạo cho khối làng nghề nói riêng.