Sống để yêu thương

Những con phố tấp nập người qua lại bỗng trở nên vắng vẻ, tĩnh lặng. Thi thoảng mới có một vài chiếc ô-tô, xe máy vụt qua. Dạo bước trên phố những ngày này, nghe rõ cả tiếng lá lao xao đuổi nhau trên hè. Tiếng chim lích rích vô tư đùa nhau trong tán lá...

Thời gian dành cho gia đình nhiều hơn trong những ngày nghỉ do dịch Covid-19. Ảnh: LÊ TUẤN
Thời gian dành cho gia đình nhiều hơn trong những ngày nghỉ do dịch Covid-19. Ảnh: LÊ TUẤN

Dịch Covid-19 "đẩy" mọi người vào nhà. Chẳng phải ai cũng ưa cuộc sống hối hả, nhưng cái nhịp điệu quen thuộc vốn đầy vội vã, đầy những sự kiện, ăm ắp thông tin và những cuộc gặp gỡ, những cuộc di chuyển bỗng nhiên khựng lại. Người ta nhận ra, nhiều người không quen với việc... ở nhà. Thời gian một ngày bỗng nhiên dài thế. Vào, ra với mấy bức tường. Quanh đi, quẩn lại, giờ ăn lại đến. Chỉ mỗi tính chuyện hôm nay ăn gì cũng thấy mệt đầu. Bọn trẻ không được đến trường. Quản chúng cả ngày mới thấy lắm điều phiền nhiễu. Facebook đầy những lời phàn nàn: "Thèm đi chơi", "Bao giờ mới được "tụ" đây", hay "Nhớ cà-phê vỉa hè quá"...

Nhưng lại có người bảo, chúng ta đang sống trong những ngày tháng đáng nhớ. Cuộc sống sẽ ghi lại sự kiện này. Hãy cứ tận hưởng kỳ nghỉ dài. Mà có khi trăm năm sau chẳng có... Chị bạn tôi có cậu con trai lớn đã đến tuổi đi làm. Thường thì sáng ra hai mẹ con cùng đi làm sớm, tối cậu lại đi tập thể thao, rồi đi chơi với bạn bè. Mẹ con ở cùng một nhà, mà cả ngày chỉ gặp nhau chốc nhát, quáng quàng trong bữa cơm và vội. Cô út - sinh viên năm cuối, cũng thế. Học hành, thực tập, rồi yêu đương. Giờ, chợt thấy như chúng nhỏ lại với tuổi thơ năm nào. Ở phòng riêng mãi cũng chán, học online cũng chỉ có lúc, chúng nằm ghế xô-pha tranh giành chiếc điều khiển
ti-vi. Chúng cãi cọ nhau về "sao" này, " sao" nọ. Chán, chúng lăn ra ngủ hồn nhiên như lũ trẻ. Chị bảo, chỉ ngắm thế thôi, cũng thấy vui vui làm sao. Tủ lạnh thì chật ních thực phẩm. Thành ra, bày đặt món nọ, món kia, làm cả nhà ríu rít. Ông chồng ngày thường sợ vào bếp, thấy mấy mẹ con rôm rả cũng xắn tay xông vào. Xong xuôi, cả nhà lại chia phe với những ván cờ vua. Bọn trẻ lại chành chọe nhau nước này, nước nọ. Cậu bạn khác có con bé hơn, bình thường lắm khi ở nhà trở thành nỗi khiếp hãi vì các trò nghịch của con. Giờ thì chẳng biết "trốn"đâu. Mấy bố con đành xem youtube rồi cùng thi nhau gấp giấy. Hóa ra, không phải bọn trẻ chỉ mê điện tử. Chúng khoái đồ thủ công ra trò. Hình như, chỉ vì bình thường không có "không khí" để chúng chơi. Mấy bố con gấp con hạc, gấp ô-tô, máy bay... bày ra như cuộc triển lãm, rồi mời mẹ chúng tham quan. Hết món gấp giấy, chuyển sang "giết" thời gian bằng cá ngựa, rồi vẽ vời... Có nhà, thời gian rỗi, ba thế hệ ngồi quây quần bên nhau ôn những câu chuyện họ hàng, chuyện xửa chuyện xưa...

Dịch bệnh làm cuộc sống bị đảo lộn. Nhưng không phải chỉ mang lại toàn những điều tiêu cực. Hôm Hà Nội công bố ca nhiễm Covid-19 đầu tiên, ngay trong đêm, tôi đã nhận được tin nhắn hỏi thăm của mấy người bạn. Bỗng thấy lòng nao nao đến lạ. Nửa đêm, cũng túm điện thoại nhắn nhủ mấy bạn bè, người thân. Ngỡ người ta đã ngủ rồi, thì nhận được tin hồi đáp: "Ðang định nhắn cho cậu đây...". Ngỡ là cuộc sống vội vã đẩy người ta xa cách, nhưng yêu thương vẫn cứ ở nơi đây. Thường ngày, mỗi chúng ta là một "con người xã hội". Người bạn tôi bảo, 24 giờ trong ngày, ngoài thời gian làm việc, thời gian ăn, ngủ, thời gian chúng ta dành cho gia đình chẳng được bao nhiêu. Cũng đúng thật. Cả năm, hình như chỉ có mấy ngày Tết là có nhiều thời gian dành cho gia đình. Thời gian dành cho người thân, gia đình quá ít. Những đứa trẻ rồi sẽ trưởng thành, sẽ có cuộc sống riêng, rời xa chúng ta; cha mẹ chúng ta, rồi sẽ ra đi, chẳng bao giờ có dịp gặp lại... Khi dịch bệnh đi qua, chợt lúc nào đó, nhớ lại thời gian này bên nhau, nhiều người rồi sẽ thấy sống mũi mình cay cay...