Mất dần sức hút
Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị Hà Nội Dương Thế Bình cho biết, tỷ lệ đảm nhận vận chuyển của các loại hình vận tải khách công cộng (VTHKCC) tại Hà Nội như sau: xe buýt thường 12,2%, ta-xi 2,1%, buýt nhanh BRT 0,3%, đường sắt đô thị 0%. Thực tế cho thấy, xe buýt giữ vai trò rất lớn trong mạng lưới VTHKCC. Tuy nhiên, sau giai đoạn tăng trưởng khá nhanh, đến nay, phát triển VTHKCC bằng xe buýt trên địa bàn Hà Nội đang có dấu hiệu thụt lùi. Thậm chí, nếu không có những chính sách thiết thực đi vào cuộc sống, thúc đẩy thì xe buýt sẽ không thể giữ được vai trò chủ đạo.
Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải cho biết, tăng trưởng VTHKCC trên địa bàn Hà Nội đang có xu hướng không như mong muốn. Năm 2014, tổng lượng hành khách vận chuyển đạt 506 triệu lượt, năm 2015 chỉ còn 469 triệu lượt. Sang tới năm 2016, con số này còn thấp hơn nữa với 436 triệu lượt và năm 2017 là 440 triệu lượt. Sáu tháng đầu năm 2019 cũng ghi nhận tăng trưởng khách không cao, chưa tới 1% so với cùng kỳ năm 2018.
Hiện tại, mạng lưới xe buýt thành phố bao gồm 123 tuyến, bao phủ tất cả các quận, huyện, 98% số các bệnh viện, 100% số các trường học, 16% số các khu công nghiệp, 90% số khu dân cư. Toàn mạng lưới có 1.915 xe buýt được đổi mới về chất lượng. Năng lực vận chuyển khoảng 1,2 triệu lượt khách/ngày. Giá vé hiện được bán phổ biến từ 7.000 đến 9.000 đồng/lượt.
Trong khi giá vé hiện được đánh giá không còn là yếu tố để xe buýt cạnh tranh với các loại hình phương tiện khác, thì tính ổn định, hấp dẫn của xe buýt đối với người dân ngày một giảm dần. Theo thống kê của Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị Hà Nội, mỗi năm, mạng lưới xe buýt có khoảng 180 nghìn lượt điều chỉnh lộ trình, ảnh hưởng đến khoảng 3,5%/tổng số chuyến lượt. Sáu tháng đầu năm 2019, xe buýt có tỷ lệ chậm chuyến từ 10 đến 20 phút/lượt chiếm tới 50 đến 60% dẫn đến biểu đồ chạy xe phá vỡ, thời gian chuyến đi kéo dài, tính hấp dẫn bị giảm đi rõ rệt. Ðó còn chưa kể, trong hơn 3.000 nhà chờ trên mạng lưới tuyến xe buýt thì số có mái che chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Thêm vào đó, các nhà chờ xe buýt thường xuyên bị di chuyển, bị xâm phạm hay thu hồi.
Phó Chánh văn phòng Ủy ban an toàn giao thông quốc gia Trần Hữu Minh phân tích: "Nếu không tăng cường xe buýt cả về chất và lượng, người dân sẽ tiếp tục sử dụng xe cá nhân, hệ thống giao thông vận tải Thủ đô sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn và người dân lại tiếp tục sử dụng vận tải cá nhân".
Xe buýt vẫn giữ vai trò chủ đạo
Phó Tổng giám đốc Tổng công ty vận tải Hà Nội (Transerco) Nguyễn Công Nhật lo lắng, nếu không "vực dậy" xe buýt thì tương lai của VTHKCC sẽ không biết đi về đâu. Thành phố không thể mỗi năm cứ bỏ ra 1.000 tỷ đồng để trợ giá, với mục đích tăng tỷ lệ người dân dùng xe buýt, giảm xe cá nhân, giảm ùn tắc, nhưng xe buýt thì thường xuyên chậm giờ, khách bỏ, lượng vận chuyển sụt giảm.
Chuyên gia giao thông Nguyễn Ngọc Quang cho rằng, xe buýt sẽ vẫn là nòng cốt của VTHKCC đến năm 2050. Tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội (tuyến Nhổn - Ga Hà Nội) được triển khai xây dựng từ năm 2010, dự kiến đến cuối 2022 mới hoàn thành. Tuyến 2A Cát Linh - Hà Ðông dài 13,1 km xây dựng từ năm 2011, dự kiến sẽ đưa vào khai thác từ năm 2019. Tính trung bình Hà Nội mất khoảng 10 năm để hoàn thành được 25 km đường sắt đô thị. Rõ ràng, với tốc độ này thì để hoàn thành những tuyến trọng yếu, có ý nghĩa quan trọng nhất cho khu vực nội đô với chiều dài lên tới 160 km thì Hà Nội sẽ cần khoảng 50 năm, thuận lợi nhất cũng phải 30 năm nữa (đến 2050) mới hoàn thành được năm tuyến trọng yếu.
Ðể "vực dậy" xe buýt, các chuyên gia trong lĩnh vực vận tải cho rằng, cần thêm những chính sách cụ thể, thiết thực hỗ trợ VTHKCC. Mới đây, tại kỳ họp thứ chín, HÐND thành phố Hà Nội khóa 15 đã thông qua Nghị quyết về "Ưu tiên phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn; khuyến khích đầu tư xây dựng, khai thác bến xe, bãi đỗ xe ô-tô và phương tiện cơ giới khác; áp dụng công nghệ cao trong quản lý, điều hành hệ thống giao thông vận tải". Trong đó, bên cạnh việc hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải, để khuyến khích người dân sử dụng phương tiện VTHKCC khối lượng lớn, thành phố miễn tiền vé sử dụng đối với người có công, người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em dưới sáu tuổi, nhân khẩu thuộc hộ nghèo; hỗ trợ 50% giá vé tháng đối với học sinh, sinh viên, công nhân các khu công nghiệp; hỗ trợ 30% giá vé tháng đối với cán bộ, nhân viên tại các văn phòng, công sở, doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp mua vé tháng theo hình thức tập thể…
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, giá vé của xe buýt hiện không còn là lợi thế để hút khách, mà là tính đúng giờ được đặt lên hàng đầu. Do đó, nên tổ chức giao thông một cách hợp lý, hiệu quả hơn. Trước mắt, một số tuyến đường sắp được cải tạo lại như Nguyễn Trãi có điều kiện thì có thể bố trí làn đi riêng cho xe buýt. Ðồng thời nâng cao chất lượng phục vụ, thay thế phương tiện hiện đại, có như vậy mới có thể vừa giữ chân, vừa hút thêm được khách tham gia.