Quá tải trường tiểu học ven đô

Việc con em chỉ được đi học bốn ngày trong tuần ở trường tiểu học đông học sinh nhất ở Hà Nội khiến phụ huynh dù không mong muốn vẫn phải chấp nhận. Nguyên nhân chính là do sự gia tăng dân số cơ học đột biến trên địa bàn, trong khi các trường học chưa kịp đầu tư xây dựng. Hiện chưa có giải pháp tháo gỡ ngay tình trạng quá tải cục bộ này.

Với nỗi lo kéo dài suốt từ trước ngày khai giảng năm học mới đến nay, phụ huynh Trường tiểu học Chu Văn An (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) vẫn đang phấp phỏng chờ quyết định của UBND quận về việc bố trí lịch học cho hàng nghìn học sinh vì trường hiện chỉ có 41 phòng học cho 57 lớp học. Thiếu phòng học, nhà trường bắt buộc phải triển khai phương án học luân phiên bốn ngày, nghỉ ba ngày trong tuần. Phương án này ban đầu vấp phải sự phản ứng dữ dội của phụ huynh vì nhiều gia đình không có người trông nom các cháu. Phụ huynh phải thay phiên nhau nghỉ để trông con hoặc gửi con ở một số trung tâm, câu lạc bộ mở dịch vụ tại khu Linh Ðàm, gây tốn kém chi phí.

Trước phản ứng của phụ huynh, nhà trường đã đưa ra phương án khác là tổ chức cho học sinh toàn trường học một buổi/ngày. Cụ thể, học sinh khối 1 và khối 2 sẽ học các buổi sáng; học sinh khối 3, khối 4, khối 5 học các buổi chiều từ thứ hai đến thứ sáu. Phương án này sẽ khắc phục được tình trạng học sinh phải học "gối", học luân phiên... Tuy nhiên, phụ huynh nhận thấy nếu nhà trường tổ chức cho các con học một buổi/ngày sẽ phát sinh nhiều khó khăn hơn cho các gia đình, cho nên các vị phụ huynh đề xuất nhà trường vẫn giữ nguyên lịch học ban đầu là học bốn ngày/tuần (gồm tám buổi/tuần) như hiện nay. Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) quận Hoàng Mai Phạm Ðàm Thục Hạnh cho biết, hiện Phòng GD và ÐT đang xin ý kiến lãnh đạo UBND quận để chốt phương án giữ nguyên mô hình học tám buổi/tuần.

Nói về nguyên nhân năm nay học sinh lớp 1 của trường tăng đột biến (tăng 16 lớp so với năm ngoái), Hiệu trưởng Trường tiểu học Chu Văn An Lê Thị Thêu cho biết: "Do khu vực này có đến 76 tòa chung cư, nhưng chỉ có hai trường tiểu học là Trường Chu Văn An và Trường Hoàng Liệt. Nhu cầu các con đến tuổi đi học lớn, mà số trường, số lớp không thay đổi dẫn đến quá tải".

Trưởng phòng GD và ÐT quận Hoàng Mai Phạm Ðàm Thục Hạnh cho biết: "Chúng tôi đã có nhiều báo cáo gửi UBND quận Hoàng Mai và tham mưu UBND quận đề nghị thành phố khi phê duyệt quy hoạch xây dựng các khu chung cư cao tầng nhất thiết đề nghị chủ đầu tư ở đó có quy hoạch hệ thống trường học. Việc xây dựng chung cư nhưng không xây dựng trường học đồng bộ, ảnh hưởng đến chính quyền lợi của cư dân sinh sống trên địa bàn, ảnh hưởng chất lượng giáo dục. Ðối với những dự án, những ô đất mà thành phố đã giao chủ đầu tư nhiều năm, nhưng đến nay không thực hiện triển khai, đề nghị thành phố thu hồi, giao về UBND quận để đầu tư xây dựng trường.
Ðối với những khu vực chưa được xây thêm trường mới, diện tích đất ít, chúng tôi đề xuất thành phố tạo cơ chế cho các quận, huyện được nâng tầng để có thêm phòng cho các lớp học, các trường tiểu học, THCS được xây từ năm đến sáu tầng, trường mầm non xây từ bốn đến năm tầng ".

Giáo sư Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, việc xây thêm tầng hay sắp xếp, tổ chức thời gian học chỉ là giải pháp tạm thời và nêu rõ: Khi tiến hành xây một khu đô thị, khu chung cư mới, cơ quan chức năng đều ước tính được khu đô thị đó sẽ có bao nhiêu người dân, số trẻ học từng lớp, từng cấp ra sao, bên cạnh quy hoạch nhà chung cư, đều có quy hoạch trường học. Tuy nhiên, thực tế là các chủ đầu tư chỉ tập trung xây nhà để bán, còn các dự án xây dựng trường học thì bỏ mặc. Ở hầu hết các khu chung cư mới, ai cũng thấy nhà cửa rất đẹp, nhưng chỉ có siêu thị, cửa hàng, chứ không hề có trường học.

Để khắc phục tình trạng nêu trên, Phó Giám đốc Sở GD và ÐT Lê Ngọc Quang cho biết, Sở đã trình UBND thành phố xem xét phê duyệt quyết định điều chỉnh bổ sung quy hoạch mạng lưới trường học trên địa bàn đến năm 2030. Từ nay đến năm 2030, thành phố cải tạo và xây mới 1.557 trường học, gồm xây mới 1.275 trường, cải tạo 282 trường. Vốn đầu tư cho việc cải tạo, xây mới dự kiến lên tới 74 nghìn tỷ đồng, trong đó đầu tư 65,6 nghìn tỷ đồng cho 1.389 trường công lập; đầu tư 8,4 nghìn tỷ đồng cho 168 trường ngoài công lập. Như vậy, trong giai đoạn trước mắt, tại các ngôi trường đông học sinh như Trường tiểu học Chu Văn An, các lớp vẫn tiếp tục phương án học luân phiên bốn ngày, nghỉ ba ngày trong tuần.