Ðổi mới phương thức hoạt động tổ chức đảng tại các doanh nghiệp sau cổ phần hóa

(Tiếp theo) (★)

Bài 2: Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ

Mô hình doanh nghiệp thay đổi, vốn nhà nước chỉ còn dưới 50%, hoặc đã thoái hết, nhưng nội dung, phương thức hoạt động của tổ chức đảng gần như không thay đổi dẫn đến thực hiện hình thức, kém hiệu quả. Ðó là thực trạng của không ít tổ chức đảng tại các doanh nghiệp nhà nước sau khi cổ phần hóa, đòi hỏi phải có giải pháp để khắc phục, khẳng định được vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của tổ chức đảng trong loại hình doanh nghiệp mới.

Công nhân Công ty cổ phần Tập đoàn CIENCO 4 thi công cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long. Ảnh: ÐỨC QUANG
Công nhân Công ty cổ phần Tập đoàn CIENCO 4 thi công cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long. Ảnh: ÐỨC QUANG

Thực trạng khó khăn

Một mình giữ hai con dấu, vừa làm Bí thư Chi bộ kiêm Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Phát triển Giảng Võ (đơn vị thành viên của Tổng công ty Vận tải Hà Nội). Hai chức danh mà anh Vũ Minh Tân đang đảm nhiệm nghe qua tưởng chừng rất "oách", nhưng thực tế lại khác xa. Công tác trong doanh nghiệp (DN) có 70% vốn của tư nhân, vốn nhà nước chiếm 30%, công việc chuyên môn của anh Tân là thợ bảo trì, sửa chữa điện, nước. Anh Tân khá vất vả khi phải làm rất nhiều báo cáo cả hai lĩnh vực, bởi vừa không có thời gian, lại không quen sử dụng máy tính. Khi được hỏi về công tác đảng ở DN mình, anh Vũ Minh Tân cho biết, Chi bộ có sáu người, trong đó chủ yếu là nhân viên lái xe, tạp vụ của công ty. Nhiều năm qua, số đảng viên của Chi bộ không bao giờ có quá mười người và ba năm gần đây mới kết nạp được một đảng viên, bởi nhân sự ở công ty không ổn định và áp lực công việc lớn. Do đó, dù vẫn duy trì nền nếp sinh hoạt, quán triệt đầy đủ các nghị quyết, chủ trương, chính sách, nhưng vai trò, tiếng nói tổ chức đảng tại công ty chưa được phát huy đúng tầm.

Khó khăn là vậy, nhưng Chi bộ Công ty TNHH Phát triển Giảng Võ vẫn khả quan hơn so với nhiều tổ chức đảng tại các DN đã thoái hết vốn nhà nước. Khi được hỏi về vai trò tổ chức đảng tại DN, giám đốc đơn vị thành viên của một Tổng công ty sau cổ phần hóa (đề nghị không nêu tên) ngậm ngùi: "Mình là Giám đốc, Bí thư Ðảng ủy DN, nhưng thực tế chỉ là người làm thuê mà thôi. "Ông chủ" không thích, cho nên công tác đảng trong DN gặp nhiều khó khăn". Mới đây, tại một Ðảng bộ DN trực thuộc Thành ủy Hà Nội, có đồng chí đang là lãnh đạo một đơn vị thành viên, đồng thời là Bí thư Ðảng bộ cơ sở, nằm trong Ban Thường vụ Ðảng ủy Tổng công ty, sau khi Chủ tịch Hội đồng quản trị (HÐQT) không đồng ý cho tiếp tục nắm giữ cương vị lãnh đạo, đương nhiên chức danh Bí thư Ðảng bộ cũng không được tiếp tục đảm nhiệm.

Không ít lãnh đạo cấp ủy tại DN sau cổ phần hóa cũng có chung tâm trạng băn khoăn, lo lắng ấy. Bởi trong quá trình cổ phần hóa, hoạt động sang nhượng, chuyển đổi cổ phần diễn ra liên tục, dẫn đến sở hữu DN thay đổi từ nhóm cổ đông này sang nhóm cổ đông khác. Các cổ đông chi phối có mục tiêu, mục đích, chiến lược khác nhau, cho nên có kế hoạch tái cấu trúc khác nhau, dẫn đến việc thay đổi ban lãnh đạo diễn ra liên tục để đạt mục đích. Hoạt động, vai trò của cấp ủy ít nhiều chịu ảnh hưởng bởi ý chí chủ quan của Chủ tịch HÐQT. Vì vậy có đơn vị, sau khi tái cơ cấu, hoạt động của cấp ủy chỉ thực hiện một cách hình thức, rất kém hiệu quả, vai trò tổ chức đảng hầu như không được phát huy đầy đủ. Thậm chí ở một số DN, vai trò của các đoàn thể như công đoàn, Ðoàn thanh niên còn mạnh hơn cấp ủy, bởi cổ đông chiến lược thích hoạt động phong trào, thích khuếch trương hình ảnh của đơn vị hơn.

Chuyển từ chỉ đạo sang phối hợp thực hiện

Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Ðức Bảo đánh giá, trong những năm qua, nhìn chung, các cấp ủy đảng trong DN nhà nước sau cổ phần hóa tại Hà Nội đã chấp hành nghiêm sự chỉ đạo của cấp ủy cấp trên, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định; xây dựng và thực hiện tốt các mối quan hệ với HÐQT, Ban Giám đốc và cấp ủy địa phương, cùng với DN vươn lên trong sản xuất, kinh doanh, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Ðồng chí Vũ Ðức Bảo nhìn nhận, mặc dù đã đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng công tác xây dựng Ðảng trong các DN loại hình này còn một số hạn chế. Một số cấp ủy trong DN vốn nhà nước dưới 50%, hoặc đã thoái hết vốn nhà nước không theo kịp tình hình, chậm đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, cho nên hoạt động không hiệu quả, vai trò lãnh đạo có phần suy giảm. Phần lớn các đồng chí trong cấp ủy lại giữ nhiều chức danh lãnh đạo, do kiêm nhiệm nhiều việc cho nên có lúc, có nơi, việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng Ðảng lẫn với công tác chuyên môn. Việc nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ chưa được quan tâm đúng mức. Công tác quản lý và phân công công tác cho đảng viên gặp nhiều khó khăn. Một số Ðảng bộ vốn trực thuộc Thành ủy Hà Nội, trước đây là những đơn vị chủ lực trong các lĩnh vực như xây dựng, giao thông, nhưng sau khi cổ phần hóa, số lượng đảng viên giảm mạnh do hoạt động khó khăn, thiếu việc làm. Thí dụ như Ðảng ủy Tổng công ty Công trình giao thông 1, trước khi Nhà nước thoái vốn, có hơn 1.500 đảng viên, nhưng hiện chỉ còn gần 500 đảng viên; Ðảng ủy Tổng công ty Thăng Long trước có hơn 1.100 đảng viên, sau khi cổ phần hóa và chuyển giao một số tổ chức cơ sở đảng về cho các địa phương, nay chỉ còn 215 đảng viên…

Cùng với sự suy giảm về số lượng, chất lượng các tổ chức đảng tại các DN này cũng bị ảnh hưởng lớn. Khi vốn Nhà nước còn chi phối, cấp ủy có vai trò quan trọng, Ðảng đề ra nghị quyết, còn HÐQT cụ thể hóa những đường hướng ấy. Bây giờ thì ngược lại, đầu tiên phải HÐQT, mà cụ thể là các cổ đông sẽ đề ra các chủ trương phát triển, còn cấp ủy chỉ phối hợp thực hiện. Vì vậy, nhiều vấn đề quan trọng, nhất là công tác cán bộ vốn dĩ do cấp ủy "cầm trịch", nhưng hiện việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng trong DN cổ phần rơi vào tình trạng "làm cho có", bởi các cổ đông mới là những người giữ vai trò quyết định chính.

Những hạn chế nêu trên đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng trong DN. Ðiều này đòi hỏi các tổ chức đảng phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, hiệu quả hơn; đồng thời cần có những quy định, hướng dẫn cụ thể trong tình hình mới để nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng tại các DN nhà nước sau cổ phần hóa.

(Còn nữa)

----------------------------------

(★) Xem Trang Hà Nội, Báo Nhân Dân từ số ra ngày 26-7-2019.