Nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu của Chương trình 04

Chương trình số 04 của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển văn hóa xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh" giai đoạn 2016 - 2020 đã đem lại nhiều chuyển biến trên các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục. Tuy nhiên, vẫn còn một số chỉ tiêu chưa đạt được. Năm 2019 là năm then chốt trong thực hiện các nhiệm vụ. Bởi vậy, các sở, ngành, các đơn vị của thành phố đang nỗ lực để đưa chương trình về đích.

Lớp khuyến công đào tạo nghề may cho lao động nông thôn ở xã Ðồng Phú (huyện Chương Mỹ). Ảnh: BÁ HOẠT
Lớp khuyến công đào tạo nghề may cho lao động nông thôn ở xã Ðồng Phú (huyện Chương Mỹ). Ảnh: BÁ HOẠT

Chương trình số 04 của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển văn hóa xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh" trải rộng trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, những nội dung liên quan đến xây dựng đời sống văn hóa, phát triển du lịch đã đạt những kết quả tích cực. Một số nội dung sớm vượt chỉ tiêu đề ra như: Tỷ lệ thôn, làng đạt danh hiệu Làng Văn hóa, tỷ lệ Gia đình Văn hóa, tỷ lệ xã, phường có khu tập thể thao; số lượng khách du lịch đến Thủ đô, tổng thu từ du lịch...

Tuy nhiên, trong lĩnh vực giáo dục, việc thực hiện các chỉ tiêu lại có những khó khăn riêng. Tính đến cuối năm 2018, 66,7% số trường học của thành phố đạt chuẩn quốc gia, sắp đạt mục tiêu 70% của năm 2020, nhưng phân bố không đều. Các quận Long Biên, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm có hơn 90% trường học đạt chuẩn, trong khi đó tại các huyện: Mỹ Ðức, Ba Vì, Phú Xuyên... số trường đạt chuẩn quốc gia đạt thấp (dưới mức 50%); các quận: Ðống Ða, Hoàng Mai, Hoàn Kiếm, Ba Ðình, Hai Bà Trưng số trường đạt chuẩn quốc gia cũng thấp. Nếu như các huyện ngoại thành gặp khó chủ yếu do thiếu kinh phí thì các quận nội thành thiếu đất để mở rộng trường. Nếu cố gắng để đạt chuẩn thì nhiều học sinh lại bị "đẩy" sang các trường khác, gây áp lực về sĩ số lên các trường lân cận (theo quy định, cấp tiểu học là không quá 35 học sinh/lớp; cấp THCS và THPT là không quá 45 học sinh/lớp).

Ðể khắc phục tình trạng này, Sở Giáo dục và Ðào tạo Hà Nội đang phối hợp các quận, huyện xây dựng Ðề án "Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch hệ thống mạng lưới trường học" trình thành phố phê duyệt. Trong buổi làm việc của Ban Chỉ đạo Chương trình số 04 với lãnh đạo các sở, ngành mới đây, các đại biểu đều cho rằng, các quận, huyện phải nỗ lực hơn, không chỉ hoàn thành chỉ tiêu chung của thành phố, mà các quận, huyện phải đạt được sự đồng đều tỷ lệ về trường chuẩn. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý nhắc nhở ngành giáo dục và các địa phương, bên cạnh phấn đấu các chỉ tiêu lớn, nâng cấp phòng học, phải chú ý đến chuyện tưởng nhỏ nhưng rất quan trọng là nhà vệ sinh của học sinh; sớm triển khai đại trà giảng dạy bộ tài liệu về An toàn giao thông, bên cạnh việc giảng dạy bộ tài liệu về Người Hà Nội thanh lịch, văn minh cho học sinh.

Ðối với vấn đề giải quyết việc làm, đào tạo lao động, năm 2018, thành phố giải quyết việc làm cho 178.771 lao động, đạt 117,6% kế hoạch. Trong số này, có 41,6 nghìn lao động có việc làm thông qua xét duyệt cho các đối tượng được vay vốn từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm với số tiền khoảng 813 tỷ đồng. Thành phố tổ chức 101 phiên giao dịch việc làm với 4.737 doanh nghiệp, đơn vị tham gia. Ðã có 43.769 lượt lao động được phỏng vấn, tư vấn hướng nghiệp; 22.952 lao động được tuyển dụng. Các cơ quan chức năng đã đẩy mạnh việc đào tạo nghề cho lao động, nhất là lao động khu vực nông thôn, lao động cho người khuyết tật. Riêng khối quận, huyện đã phối hợp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo nghề cho 20.041 lao động nông thôn, đạt 83,51% kế hoạch. Tuy nhiên, tỷ lệ lao động qua đào tạo mới đạt 63,18%. So với mục tiêu đề ra: Năm 2020 có 70% đến 75% lao động được đào tạo vẫn còn một khoảng cách khá xa. Thành phố cũng đạt được kết quả tốt trong nâng tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế, đến hết năm 2018 đạt tỷ lệ 86,5%. Với tiến độ hiện nay, mục tiêu hết năm 2020, có hơn 90% dân số tham gia bảo hiểm y tế là hoàn toàn khả thi. Song, tỷ lệ người trong độ tuổi lao động tham gia bảo hiểm xã hội, người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp còn thấp, đều cách mục tiêu đề ra khoảng 10%.

Lĩnh vực xây dựng văn hóa có nhiều biến chuyển tích cực, nhất là từ khi thành phố ban hành hai Quy tắc ứng xử. Sau hai năm triển khai, Sở Văn hóa và Thể thao đã phối hợp đồng bộ với các cơ quan, các địa phương thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền, vận động ở tất cả các cấp. Qua đó, xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, ý thức cán bộ công chức, người dân đã có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, những chuyển biến chưa đồng bộ. Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đề nghị, các sở, ngành, địa phương tích cực vào cuộc hơn nữa, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, nâng cao vai trò của đoàn thể trong xây dựng văn hóa tại các khu chung cư. Các sở, ngành, địa phương nên sớm có hoạt động biểu dương những tập thể, cá nhân có cách làm hay, gương mẫu trong triển khai Quy tắc ứng xử.

Chủ tịch HÐND thành phố Hà Nội, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình số 04 Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh, Chương trình 04 bao quát hoạt động của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, có vai trò to lớn trong nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, nâng cao chất lượng nhân lực, xây dựng văn hóa người Hà Nội. Thời gian từ nay đến năm 2020 không còn nhiều, do đó, năm 2019 là năm có ý nghĩa then chốt trong việc thực hiện các chỉ tiêu của Chương trình. Ðồng chí Bích Ngọc yêu cầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị rà soát ngay những chỉ tiêu, đề án, chương trình còn gặp khó khăn, vướng mắc để các bên phối hợp giải quyết, bảo đảm việc thực hiện Chương trình số 04 đạt kết quả cao nhất.