Hà Nội một góc nhìn

Nhất cá cắn câu…

Đang mùa nước lên, nước xâm xấp các con sông, con mương, ruộng lúa ngoại thành Hà Nội. Mùa nước lên là mùa buông câu. Hình ảnh những đứa trẻ, thậm chí là những bác nông dân ngồi buông câu rất dễ gặp khi đi về vùng quê.

Trong ký ức của tôi về làng quê yêu dấu, thì đi câu là trò vui thú nhất, vì chẳng những có thể kiếm được cá đem về cải thiện bữa ăn, mà còn trải nghiệm cảm giác hồi hộp, chờ đợi, sung sướng, đôi khi pha chút thất vọng. “Nhất cá cắn câu, nhì trâu húc nhau” mà! Trong đám bạn hơn mười đứa thì Sẵn là thằng “sát cá” nhất. Nó đã đi câu là lần nào cũng phải xách về một xâu cá nặng. Nhiều lần, chỉ mình thằng Sẵn ngồi câu, còn cả bọn đi kiếm củi, nhóm lửa chuẩn bị nướng cá.

Muốn câu được cá, phải chuẩn bị cần câu, dây cước, lưỡi câu và mồi. Mồi câu không khó kiếm, bằng giun hoặc con tôm nhỏ, có khi là những con gián bé xíu trong thùng trấu bếp. Mồi câu mắc vào lưỡi, thả xuống sông, hồ, mương hoặc ao bèo rồi hồi hộp chờ cá cắn. Khi thấy phao động đậy, nếu chìm vút đi thì phải giật nhanh, làm sao giật cùng chiều với phao bị lôi đi thì tốt. Nếu chậm, cá rỉa hết mồi rồi mới giật thì đi tong bao giây phút chờ đợi. Cũng có những con cá rất khôn, chỉ rỉa cái đuôi mồi, nên khi giật, thì hoặc một phần mồi bị đứt, hoặc tất cả mồi trôi vào mồm cá.

Lũ đòng đong, lau hau luôn là những vị khách không mời, gây sự phiền nhiễu. Khi thả mồi câu mà gặp phải đám đòng đong, lau hau thì thật không may chút nào. Tôi và thằng Sẵn thường trốn ngủ trưa, vác cần ngồi câu ở những cái ao có bóng tre và chuối mát. Cũng có khi ngồi câu ở con kênh thông với sông Nhuệ, nhìn về phía thị trấn Phú Xuyên có những ngôi nhà đẹp lấp ló trong mầu xanh của đồng. Mồi câu và thính thường chuẩn bị từ sáng. Cứ thế, hai thằng ngồi câu một cách say sưa. Có khi may mắn, giật được con trê cụ to đùng, cả hai nhảy cẫng lên, hét to, rồi lại sợ đánh thức bà con, họ không cho câu nữa, nên đành bấm bụng im lặng.

Nhà thằng Sẵn nghèo, cá nó câu được là thức ăn chính cho cả nhà. Bà và mẹ nó kho cá cực ngon. Nếu được nhiều, mẹ nó buông vào một cái thùng có thả ít bèo tây, đến phiên chợ mang ra bán lấy tiền đong gạo. Thằng Sẵn rất đảm, vừa chăn trâu mà vẫn kiếm được cá đem về giúp mẹ, thật đáng nể. Bà nội tôi kho cá cũng rất ngon. Cá rô đồng kho với tương có chút riềng là tuyệt nhất. Bữa nào có cá kho là bụng mấy anh em tôi căng tròn. Hễ câu được cá, tôi nhất định đem biếu bà những con ngon nhất.

Giờ đây không phải đứa trẻ nào cũng có được thú vui như chúng tôi ngày xưa. Đôi khi cũng muốn về một vùng quê ngoại thành, câu một vài con cá để vừa thư giãn, vừa cải thiện bữa ăn cũng không được nữa. Nhiều ao hồ, kênh mương đã bị san lấp để xây nhà. Cái ao nào còn sót thì bị ô nhiễm, nước đen kịt, chẳng con cá nào sống được. Cậu Sẵn - bạn tôi, giờ đã là giám đốc một doanh nghiệp nhỏ trên thị trấn, không biết có còn nhớ trò câu cá hôm nào? Bây giờ Sẵn đi câu thường tìm đến những ao hồ đã được quy hoạch làm nơi câu cá thư giãn, tính tiền theo giờ. Những kỷ niệm xưa đành xếp gọn vào ký ức. Thi thoảng tôi nhớ kỷ niệm, đi ra kênh ngoài đồng ngồi lân la câu cùng bọn trẻ. Kỷ niệm ùa về. Bọn trẻ hồn nhiên vừa câu vừa hào hứng chuyện trò rôm rả. Chúng cũng hồi hộp, chờ đợi y như bọn tôi thuở nào. Tôi nhận ra, dù ở thời nào con người cũng cần găm vào những trải nghiệm giản dị, hòa với dân dã đời thường. Đứa trẻ nào cũng cần tích lũy những tiếng cười, trò chơi thời tuổi dại để lớn lên.