Ngăn chặn hàng lậu, hàng giả

Tết Nguyên đán là thời điểm các đối tượng buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng nhái hoạt động mạnh. Theo Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả TP Hà Nội (BCĐ 389/TP), bên cạnh nỗ lực giám sát, kiểm tra của các lực lượng chức năng, thì người dân cũng cần cẩn trọng trong tiêu dùng, chọn mua sắm ở các địa chỉ uy tín, có chất lượng.

Hàng nghìn lọ sa tế giả nhãn hiệu lớn vừa bị lực lượng chức năng TP Hà Nội thu giữ. Ảnh: LINH NHI
Hàng nghìn lọ sa tế giả nhãn hiệu lớn vừa bị lực lượng chức năng TP Hà Nội thu giữ. Ảnh: LINH NHI

Những ngày sát Tết là giai đoạn lực lượng chức năng của thành phố như công an, quản lý thị trường... phải bám sát các địa bàn, cung đường để ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng tuồn về thị trường Hà Nội. Mới đây, Công an huyện Gia Lâm phối hợp Phòng An ninh kinh tế (Công an TP Hà Nội) tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất thực phẩm tại xã Yên Thường, huyện Gia Lâm do Lý Thị Quy (SN 1986, trú tại thôn Yên Khê, xã Yên Thường) làm chủ. Qua kiểm tra đã phát hiện và tịch thu gần 3.000 lọ sa tế thành phẩm và lượng lớn sa tế đã qua chế biến đang chờ đóng gói, hàng nghìn lọ, vỏ nhãn nhái nhiều nhãn hiệu sa tế quen thuộc trên thị trường. Chủ cơ sở khai nhận đã mua nguyên liệu về sản xuất, dán nhãn mác giả một số thương hiệu có tiếng, rồi đem phân phối cho các chợ, cửa hàng bán lẻ trên thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận.

Trước đó, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 24 đã kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất bánh kẹo của Công ty Kim Thiên Phát tại xã La Phù, huyện Hoài Đức, phát hiện dây chuyền sản xuất bánh kẹo tại đây không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Cơ sở sử dụng nhiều nguyên liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ, thành phẩm làm giả nhãn mác. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã thu giữ hơn 100 thùng bánh giả các thương hiệu nổi tiếng, hơn 1.000 bao bì in nhái thương hiệu. Ngày 29-12-2018, Công an TP Hà Nội và Đội QLTT số 17 (Cục QLTT thành phố Hà Nội) thu giữ 2,5 tấn nầm lợn bẩn, đã bốc mùi hôi thối được vận chuyển từ Lạng Sơn về Hà Nội tiêu thụ...

Quyền Cục trưởng Cục QLTT thành phố Hà Nội Chu Xuân Kiên đánh giá, hiện đang là thời điểm các đối tượng buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả hoạt động mạnh nhất. Không chỉ bánh kẹo, quần áo thời trang, mà nhiều mặt hàng như thực phẩm, rượu, hóa mỹ phẩm, đồ gia dụng... cũng bị làm giả, làm nhái. Thay vì tập kết hàng lậu trên xe lớn như trước, các đối tượng tiến hành xé lẻ hàng hóa, vận chuyển bằng nhiều loại phương tiện khác nhau như xe máy, ô- tô khách, xe tải nhẹ… từ biên giới và các tỉnh giáp ranh với Hà Nội, trà trộn cùng hàng hóa có hóa đơn từ các chợ Tân Thanh, Đồng Đăng (Lạng Sơn) và một số tỉnh, thành phố trong nước để đưa vào Hà Nội tiêu thụ, đồng thời trung chuyển tới các địa phương khác. Chỉ riêng đợt cao điểm Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, các lực lượng chức năng thuộc BCĐ 389/TP đã tổ chức thanh, kiểm tra hơn 11.000 vụ, xử lý 9.455 vụ gian lận thương mại, hàng cấm, hàng lậu, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ... Tổng số tiền phạt hành chính, truy thu thuế, thu hồi thuế và tiền bán hàng tịch thu được hơn 1.368 tỷ đồng.

Tuy đã nỗ lực phát hiện, ngăn chặn nhiều ổ nhóm, đường dây buôn lậu, sản xuất, tàng trữ kinh doanh hàng giả, hàng nhái, nhưng lực lượng chức năng hiện vẫn gặp không ít khó khăn. Địa bàn hoạt động rộng nhưng lực lượng lại mỏng. Các đối tượng ngày càng hoạt động tinh vi, liều lĩnh với nhiều thủ đoạn khác nhau, trong khi chế tài xử lý vẫn còn khá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Đồng chí Chu Xuân Kiên cho biết: Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định hành vi vận chuyển bánh, kẹo nhập lậu chỉ bị xử phạt cao nhất là 10 triệu đồng, kèm hình phạt bổ sung là tịch thu, tiêu hủy hàng hóa. Mức phạt này quá nhỏ so với lợi nhuận có được từ việc buôn bán bánh, kẹo giả. Còn nếu muốn xử lý vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm, lực lượng chức năng buộc phải lấy các mẫu gửi đến các cơ quan có thẩm quyền để kiểm nghiệm. Thế nhưng kinh phí phân tích mẫu khá cao, trong khi kinh phí hoạt động của các đơn vị này lại không nhiều. Ngoài ra, hệ thống máy móc ở nhiều trung tâm xét nghiệm hầu hết đã cũ, không nhận biết triệt để các thành phần độc tố, chất phụ gia cấm sử dụng.

Để công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ có hiệu quả, các lực lượng như QLTT, công an, hải quan, thuế… thuộc BCĐ 389/TP cần tăng cường công tác phối hợp giữa các đơn vị, đồng thời phối hợp lực lượng chức năng các tỉnh, thành phố, nhất là các tỉnh biên giới, trong kiểm tra, xử lý vi phạm tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh đầu mối; kiểm soát hoạt động vận chuyển qua các cửa khẩu hàng không, đường sắt, đường bộ, các tuyến đường vận chuyển hàng hóa vào thành phố. Đồng thời, chủ động kiểm tra, kiểm soát không để tình trạng bày bán công khai hàng giả, hàng nhập lậu, hàng hóa kém chất lượng tại các hội chợ xuân, hội chợ hàng Việt, điểm du lịch trên địa bàn. Không để tình trạng đầu cơ, găm hàng, lợi dụng tình trạng khó khăn trong vận chuyển để tăng giá, thu lợi bất hợp pháp.

Bên cạnh sự vào cuộc của các ngành chức năng, người tiêu dùng cũng nên thận trọng khi chọn mua các sản phẩm hàng hóa. Nên mua tại các cơ sở uy tín, sản phẩm có thương hiệu, nguồn gốc, hạn sử dụng rõ ràng, có nhãn mác thông tin đầy đủ. Khi phát hiện cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, thực phẩm “bẩn” cần báo ngay cho cơ quan chức năng để kịp thời xử lý, góp phần đẩy lùi hàng hóa kém chất lượng.