Nêu cao tinh thần cầu thị và trọng dân

Mặc dù áp lực của công tác tiếp dân, đề xuất xử lý đơn thư ngày càng lớn, song nhờ tinh thần chủ động, trách nhiệm và thái độ cầu thị, trọng dân, Ban Tiếp công dân TP Hà Nội đã vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện tốt vai trò là cầu nối giữa Ðảng, chính quyền với nhân dân.

Tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tại trụ sở Ban Tiếp công dân TP Hà Nội.Ảnh: HỒNG NHUNG
Tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tại trụ sở Ban Tiếp công dân TP Hà Nội.Ảnh: HỒNG NHUNG

Vượt lên áp lực công việc

Ban Tiếp công dân TP Hà Nội tiền thân là Phòng tiếp công dân của thành phố vừa tròn 10 năm thành lập. Ðơn vị này trực thuộc Văn phòng UBND thành phố Hà Nội, trực tiếp tham mưu lãnh đạo thành phố về công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư và đôn đốc xử lý đơn thư của các địa phương, cơ quan, đơn vị. Ðội ngũ cán bộ, công chức của ban gồm 23 người, trong đó có nhiều thạc sĩ, chuyên viên chính, thanh tra viên chính, am hiểu pháp luật và có kinh nghiệm về quản lý nhà nước. Tính chất công việc của ban rất phức tạp, khối lượng công việc nhiều. Giai đoạn 2009 - 2019, trung bình mỗi năm ban tiếp khoảng 10 nghìn lượt người, phục vụ lãnh đạo thành phố tiếp hàng nghìn lượt người khác. Hằng năm, ban tổ chức tiếp đón gần 300 lượt đoàn đông người tại hai trụ sở tiếp công dân của thành phố ở số 34 Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm và số 20 Hoàng Diệu, quận Hà Ðông.

Ban thường phân công cán bộ giàu kinh nghiệm làm việc với công dân. Ðể giải quyết tình hình, mỗi cán bộ của ban ngoài nắm vững chuyên môn còn phải làm công tác "dân vận khéo", phải kiềm chế cảm xúc khi bị người dân có những hành xử thiếu kiềm chế, thậm chí mắng chửi. Có thể nói công chức làm việc ở Ban Tiếp công dân thành phố đều học được chữ "nhẫn". Trưởng phòng Tổng hợp của Ban Tiếp công dân thành phố Lại Thị Tuyết Nhung có 16 năm làm công tác tiếp dân, chia sẻ: Thường xuyên tiếp xúc với những người có tâm trạng bức xúc, buồn chán, nóng giận, cho nên trước hết, cán bộ tiếp dân phải đồng cảm với bức xúc của người dân, phải liên tục điều chỉnh để người dân nói đúng trọng tâm vấn đề, không xa đà, lan man. Ưu tiên số một là quyền công dân được bảo đảm đúng pháp luật.

Khối lượng công việc lớn, cho nên nhiều lúc công chức của ban phải làm việc đến khuya, làm việc cả ngày nghỉ. Hằng năm, ban tiếp nhận, xử lý hàng chục nghìn đơn thư, tham mưu hàng nghìn văn bản chỉ đạo, xử lý giải quyết khiếu nại, tố cáo. Số công dân, đoàn đông người và đơn thư luôn có xu hướng tăng. Trong bảy tháng đầu năm 2019, ban đã tiếp gần 6.000 công dân, 114 lượt đoàn đông người và tiếp nhận gần 8.500 đơn các loại. Hồ sơ nối tiếp hồ sơ chất cao, nhưng công chức phải đọc hết, nghe kỹ, không bỏ qua những chi tiết tưởng chừng như vô giá trị để bảo đảm xử lý khách quan, chính xác, kịp thời từng đơn thư.

Chia sẻ trách nhiệm với các cấp, các ngành

Ðể công tác tiếp dân bài bản, tạo niềm tin cho người dân ngay từ những khâu đầu tiên, Ban Tiếp công dân thành phố thực hiện nghiêm túc quy định, quy chế về tiếp công dân, từ cách ăn mặc, giao tiếp cho đến thái độ cư xử của người tiếp công dân đều phải đúng mực, tôn trọng công dân. Tất cả thông tin liên quan đến tiếp công dân đều được ghi chép đầy đủ, chính xác, các cuộc tiếp dân đều có ca-mê-ra ghi hình, ghi tiếng.

Do có nhiều đơn thư vượt cấp, đơn thư gửi nhiều lần, việc liên thông giải quyết đơn thư từ cấp phường đến thành phố là hết sức cần thiết. Những năm gần đây, ban nỗ lực kết nối, kiểm tra, đôn đốc việc giải quyết đơn thư của các quận, huyện, xã, phường trên địa bàn thành phố; phối hợp các cơ quan, sở, ngành, quận, huyện rà soát các vụ khiếu nại, tố cáo tồn đọng. Trong các năm 2018 và 2019, Ban Tiếp công dân thành phố tổ chức các hội nghị giao ban với Ban Tiếp công dân quận, huyện, thị xã, thông tin về tiến độ giải quyết các vụ việc để trả lời cho nhân dân. Lãnh đạo ban đã trực tiếp tập huấn, truyền đạt kinh nghiệm cho gần 5.000 lượt cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư ở tất cả các quận, huyện, xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố.

Trao đổi về kinh nghiệm tiếp dân, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tiếp công dân thành phố Lê Ðình Cung cho biết: Phần lớn người dân cần tư vấn về pháp luật, về các quy trình, thủ tục, phương thức xử lý, giải quyết, nhưng cũng có những trường hợp cần tư vấn, động viên, trấn an, lắng nghe và chia sẻ, do đó công chức tiếp công dân cần "đa di năng" mới làm được việc. Bên cạnh biện pháp kiên trì tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, giải thích, cần có chế tài nghiêm khắc hơn đối với những người lợi dụng quy định về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo làm mất trật tự công cộng, hoặc cố tình không hợp tác với cơ quan nhà nước, gây gổ, xúc phạm công chức trong quá trình thực thi công vụ.

Hiện nay, công việc tiếp dân và giải quyết đơn thư, nguyện vọng của dân nhận được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, của bí thư cấp ủy, người đứng đầu, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp. Hà Nội có hàng nghìn công trình, dự án đang cần giải phóng mặt bằng, thu hồi đất gây phát sinh khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, do đó, vai trò và trách nhiệm của Ban Tiếp công dân thành phố nói riêng và các cơ quan, đơn vị tiếp công dân nói chung sẽ ngày càng lớn. Ðể nâng cao chất lượng hoạt động tiếp dân, các cấp ủy đảng và chính quyền cần quan tâm tạo điều kiện về cơ chế, chính sách đối với cán bộ làm công tác tiếp công dân, để tinh thần phục vụ nhân dân thấm sâu vào từng hoạt động của chính quyền các cấp.