Hà Nội một góc nhìn

Nét đất, tình người

Người nơi đâu cũng thế, hay có niềm tự hào về quê hương, bản quán. Ở trong không gian làng, phố đã có cả chiều cao, độ rộng của cảnh quan, hình khối lẫn dòng chảy tháng năm, lắng trầm văn hóa, tình cảm. Người ta hay nhớ về những hình ảnh cụ thể. Những hình ảnh như dấu ấn, biểu tượng gợi nên cả một miền đất, hay một làng quê, thôn, xóm. Nhiều người hay nhớ mái đình, cây đa, giếng nước…, phần nào chắc cũng bởi quy mô và vị trí dễ nhìn, dễ thấy khi qua lại.

Tất nhiên, không chỉ bởi lý do hình hài ấy, mà còn vì dòng chảy tinh thần đã thấm đẫm mái ngói dày và những tầng cây lá, những mạch nước. Và còn nhiều, nhiều lắm những cảnh quan, vật chất khiến cho người bản quán lưu nhớ đã đành, lại làm cho những ai đó mới đến đây, cũng cảm thấy trân quý, lưu luyến.

Ðã đến và đã ngưỡng vọng núi Sài Sơn, chùa Thầy vùng Quốc Oai, ta không thể quên dáng núi như rồng và thủy đình vươn lên giữa hồ nước sáng. Lên thành Sơn Tây còn lưu vết chiến trường một thuở. Bước sang bên kia sông Hồng, về phía bắc, núi Sóc một dải. Nghiêng đường đất sang phía này Ðông Anh, Loa thành dù đã mòn theo tháng năm, nhưng mấy vòng thành và đền thờ An Dương Vương cùng những di vật còn lại đủ để ta tôn kính. Và núi Ba Vì, biểu tượng chung không chỉ một không gian rộng lớn xứ Ðoài. Ðấy là những vùng đất lớn dựng lên biểu tượng lớn. Còn đi vào làng quê đất hẹp dài theo sông hay khoanh lại bên đồng áng, lắng lại cùng nhịp nghĩ, nhịp làm lụng, nhịp giao hòa ứng đối người dân đồng đất chiêm mùa, sẽ hiểu những đình, những quán, những cổng rêu còn lại, hay ngôi chùa nhiều đời, rồi những cổ thụ lớn, khiêm nhường hơn có khi chỉ là bức tượng chó đá, ông phỗng quỳ, hay vài hình khối điêu khắc trong công trình tâm linh tín ngưỡng hoặc thô tháp hoặc tinh xảo…, đã trở nên hình ảnh mang tâm nguyện chung của bao đời người. Trong phố xá có không ít di tích, đền đài đã thành ký ức bền vững. Những thành cổ, đền xưa thì hẳn rồi, một nhà kèn ở vườn hoa con công, một Ô Quan Chưởng, một tháp nước Hàng Ðậu, những nhịp cầu rồng bắc qua sông lớn…

Ấn tượng đẹp, thâm nghiêm, uy nghi, tươi xanh lưu lại, khơi niềm nhung nhớ lâu dài, điều ấy bao người đã cùng đồng tình. Ngẫm cái ý tình thương mến ấy qua thế hệ, để nghĩ về một quy hoạch, bảo toàn lấy những gì được coi như biểu tượng, đặc sắc cho một địa bàn cụ thể, bao quát cả chiều không gian - thời gian để soi vào hiện tại, sẽ thấy là hay lắm, cần lắm! Cho cả người đang ở, đã đi lẫn người sẽ đến. Thực tế, khó lòng ta giữ lấy được hết, được tất cả những gì từng được gây dựng trong quá khứ. Chuỗi mái nhà trầm trầm mưa nắng, những ngõ gạch dài uốn theo tường thấp, mái chợ làng những cột chống xiêu xiêu, một rặng tre chạy dài ra đầu đê, cây gạo lớn cuối làng… Biết bao điều đang xáo động. Nhất là ở những vùng nông thôn đang đô thị hóa, nay mai sẽ mở rộng đường làng, hoặc có đường nhựa chạy về gần đấy. Rồi cửa nhà mới xây, rồi hàng quán, dịch vụ tự dưng cứ đông đúc, tấp nập…

Vậy thì, phải tìm cách mà lưu lấy những gì tốt đẹp, quý, đại diện cho cộng đồng, vùng đất, giúp người ta bảo vệ được những ấn tượng nét đất, tình người, hồn người, dòng trôi lịch sử sở tại.

Giữ bằng sự bảo tồn nguyên trạng, dọn dẹp phong quang, sạch sẽ đã đành. Giữ thế nào những biểu tượng, biểu trưng ấy bằng cả hình ảnh, vật phẩm, thông tin để có thể lưu trữ, truyền tay sử dụng. Ðể dùng trong đời sống của cộng đồng, của người dân bình thường, chứ không chỉ trong sách ở thư viện, trong tranh ảnh cất vào tủ, vào kho tư liệu. Như thế mới càng thêm trân trọng nhưng cũng thêm hữu dụng, hữu ích đối với địa phương. Vì vậy cần sáng tạo để những giá trị đẹp thêm. Như là những cuốn sách bỏ túi về danh thắng, di tích để bán, tặng cho khách thập phương; những tờ gấp giới thiệu về huyền thoại của làng hay tờ bưu thiếp in ảnh, tranh một công trình, dáng nét, vật phẩm cổ truyền nào đó của địa bàn cơ sở. Rồi những CD nho nhỏ ghi hình, lồng nhạc dân ca, quê hương đúng chất cổ truyền. Những món đồ gỗ, nhựa, kim loại tạo tác mô phỏng hình thù di tích, quần thể danh thắng, bảo vật của địa phương làm quà lưu niệm…

Có nhiều cách để tuyên truyền về giá trị vật chất và tinh thần quý báu đến mỗi người dân. Chỉ đợi những sáng tạo ngày một nhiều thêm, ngày một sâu sắc hơn từ những cách nghĩ, cách làm, để văn hóa, lịch sử ngấm vào làm nên đương đại.