Nâng cao trách nhiệm công vụ, đẩy mạnh dân vận chính quyền

Đây là chủ đề của hội thảo được UBND thành phố Hà Nội, Tạp chí Cộng sản phối hợp tổ chức mới đây, cũng chính là mục tiêu Hà Nội đang và sẽ tập trung thực hiện để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn trong điều kiện mới.

Cán bộ văn phòng đăng ký đất đai tại Bộ phận một cửa quận Nam Từ Liêm hướng dẫn người dân giải quyết thủ tục hành chính.Ảnh: Đăng Anh
Cán bộ văn phòng đăng ký đất đai tại Bộ phận một cửa quận Nam Từ Liêm hướng dẫn người dân giải quyết thủ tục hành chính.Ảnh: Đăng Anh

Trách nhiệm, hiệu quả hơn

Không phải ngẫu nhiên mà hai năm liên tiếp 2017 và 2018, quận Nam Từ Liêm giữ vị trí đứng đầu khối quận, huyện của TP Hà Nội về chỉ số cải cách hành chính (CCHC). Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Nguyễn Quốc Nam cho biết, để đạt kết quả đó, quận đã quyết liệt rà soát, cắt giảm thời gian giải quyết và số lần đi lại của người dân đối với các thủ tục hành chính (TTHC) trên địa bàn mà người dân có nhu cầu giải quyết nhiều. Bên cạnh đó, trình độ nghiệp vụ và thái độ phục vụ từ Bộ phận một cửa đến các phòng, ban chuyên môn cũng được bồi dưỡng, nâng cao, gắn với mô hình “Chính quyền, công sở thân thiện, trách nhiệm”. Quận Nam Từ Liêm còn duy trì Tổ giải quyết nhanh các TTHC theo yêu cầu, phục vụ 24 giờ mỗi ngày, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ đối với các TTHC cấp thiết, như: Cấp giấy chứng tử; chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản đối với người già yếu, bệnh tật không thể đến trụ sở UBND phường... Nhờ đó, mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan quận đạt mức cao, năm 2018 đạt 96,7%, đối với cấp phường đạt mức trung bình là 92,6%.

Nhiều cơ quan, đơn vị khác của TP Hà Nội thời gian qua cũng nỗ lực để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn. Tại hội thảo “Nâng cao trách nhiệm công vụ, đẩy mạnh dân vận chính quyền phục vụ phát triển kinh tế - xã hội TP Hà Nội trong điều kiện mới” được TP Hà Nội và Tạp chí Cộng sản tổ chức mới đây đã làm rõ thêm những kết quả, kinh nghiệm quan trọng, cũng như những hạn chế và các giải pháp khắc phục nhằm thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính. Theo Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung, với mục tiêu lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ, trong thời gian qua, bộ máy chính trị của thành phố đã tăng cường trật tự, kỷ cương hành chính; nâng cao vai trò nêu gương, đạo đức công vụ, văn hóa ứng xử của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp, lấy đó là cốt lõi để lan tỏa, nhân rộng ra các tầng lớp nhân dân, từng bước xây dựng trật tự, kỷ cương trong xã hội.

Hà Nội là địa phương đầu tiên trên cả nước xây dựng đề án vị trí việc làm. Thành phố đã xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu cốt lõi với 1.448 dịch vụ công mức độ 3 và mức độ 4, trong đó, số dịch vụ công mức độ 4 đạt 17,3%. Hơn ba triệu hồ sơ của công dân đã hoạt động trên môi trường này, qua đó rút ngắn thời gian thực hiện các TTCH. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tại thành phố cũng gắn với vị trí việc làm, bảo đảm đến năm 2020, tất cả các cán bộ cơ sở được đào tạo nâng cao chất lượng. Quy tắc ứng xử trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cũng được triển khai rộng khắp. Thành phố đã triển khai công tác dân vận chính quyền, tổ chức đối thoại với người dân, qua đó giải quyết kịp thời những băn khoăn, vướng mắc ngay từ cơ sở, góp phần củng cố mối quan hệ mật thiết giữa cấp ủy, chính quyền với người dân. “Việc triển khai công tác dân vận chính quyền đã đóng góp tích cực vào kết quả phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô năm 2019. Trong đó, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 7,46% là mức cao nhất trong bốn năm trở lại đây, đạt kế hoạch đề ra; đầu tư nước ngoài đạt 8,05 tỷ USD. Hà Nội cũng nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố được đánh giá cao nhất về chất lượng điều hành và sự thông thoáng của môi trường kinh doanh”, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết.

Xử lý nghiêm nhũng nhiễu, tiêu cực

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố tình gây khó dễ, đùn đẩy trách nhiệm, có thái độ hách dịch, nhũng nhiễu các cá nhân, tổ chức đến liên hệ công tác, gây bức xúc trong dư luận. Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết, từ năm 2016 đến tháng 9-2019, các cơ quan của thành phố đã xử lý kỷ luật hơn 2.000 cán bộ, công chức, viên chức, trong đó 43 người bị buộc thôi việc. Nguyên nhân là do một số lãnh đạo, quản lý trong cơ quan, đơn vị chưa gương mẫu, cho nên tác động tiêu cực đến tư tưởng của cấp dưới. Có cơ quan, đơn vị chưa quan tâm đúng mức việc giáo dục tinh thần trách nhiệm, cũng như xử lý trách nhiệm đối với các trường hợp vi phạm đạo đức. Điển hình như có nhiều vụ cán bộ, công chức vi phạm đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp gây hậu quả nghiêm trọng như xâm phạm rừng phòng hộ Sóc Sơn, vi phạm đất đai ở Ba Vì, cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, đùn đẩy trách nhiệm, có thái độ vô cảm trong việc tiếp công dân như việc cấp giấy khai tử ở phường Văn Miếu, quận Đống Đa.

Đóng góp một số giải pháp để nâng cao đạo đức công vụ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội Nguyễn Hoàng kiến nghị thành phố xây dựng một quy định riêng về đạo đức công vụ bám sát Luật Thủ đô và thực tế thi hành công vụ hiện nay. Nguyên Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Lê Văn Hoạt cho rằng, nâng cao trách nhiệm phục vụ người dân và doanh nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức trong khi thi hành công vụ là nhân tố quan trọng nhất bảo đảm kỷ cương, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước, tạo dựng hình ảnh đẹp về một nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân.

Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, thành phố đã đúc rút nhiều bài học đắt giá về trách nhiệm công vụ, cũng như trong công tác dân vận chính quyền, như bài học đối thoại với người dân trong giải quyết các vấn đề nóng, ứng xử, phát ngôn, phản biện của báo chí về cung cấp, giải quyết những vấn đề dân sinh. Do đó thời gian tới, bên cạnh việc tăng cường bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào cải cách hành chính, thành phố sẽ đẩy mạnh kiểm tra công vụ, xử lý nghiêm vi phạm để nâng cao trách nhiệm công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức các cấp.