"Lò luyện" cấp tốc “mất mùa” chiêu sinh

Kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2015 thay đổi cách thức thi và hình thức xét tuyển không chỉ tác động đến tâm lý của phụ huynh và phương pháp ôn thi của học sinh, mà còn ảnh hưởng đến hoạt động của các trung tâm luyện thi đại học.

Trung tâm luyện thi đại học tại phố Xuân Thủy, quận Cầu Giấy.
Trung tâm luyện thi đại học tại phố Xuân Thủy, quận Cầu Giấy.

Vào thời điểm này những năm trước đây, các chủ lò luyện thi tất bật mời chào, giới thiệu những khóa học cấp tốc dành cho các học sinh “lớp 13” của Hà Nội và các tỉnh, thành phố lân cận. Nhưng năm nay, không khí ở các trung tâm luyện thi đại học ở Hà Nội khác hẳn. Chỉ lác đác một vài trung tâm còn hoạt động nhưng không khí ảm đạm, vắng vẻ bao trùm, một số đã đóng cửa. Số lượng học sinh đến đăng ký ôn thi giảm một nửa so với năm trước, không còn cảnh chen chúc, xô đẩy nhau như mọi năm.

Dọc các “trung tâm luyện thi” Tạ Quang Bửu, Lê Thanh Nghị (quận Hai Bà Trưng), một số trung tâm mở cửa nhưng không có người trực và không còn “cò” mời chào hay phát tờ rơi nhiều như những năm trước. Thậm chí, nhiều trung tâm dạy học vẫn treo biển tuyển sinh, nhưng cửa đóng then cài. Bác Thiệp, chủ một trung tâm luyện thi ở ngõ 30 phố Tạ Quang Bửu tâm sự: “Giờ này những năm trước, cả phố rộn ràng, tấp nập phụ huynh đưa con đi đăng ký học, chọn lớp. Năm nay, ngay cả những trung tâm có tiếng cũng vắng học sinh hơn, ít ca hơn. Có những tháng, chúng tôi chỉ đủ trả tiền lương cho giáo viên và thuê nhà”.

Vẻ đìu hiu xuất hiện ở cả các trung tâm luyện thi gần Trường đại học Sư phạm Hà Nội, đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn... Tại đây, một số trung tâm đã chuyển sang kinh doanh văn phòng phẩm, phô-tô-cô-pi, bán hàng ăn hoặc cho thuê làm văn phòng. Bà Lân, trung tâm dạy học Đức Phú (ngõ 130 phố Xuân Thủy, quận Cầu Giấy) cho biết, mỗi lớp học tại trung tâm chỉ có từ 20 đến 30 em, tập trung chủ yếu ở các môn Toán và tiếng Anh. Còn các môn thi khối C như Sử, Địa, thì trung tâm không mở được lớp vì quá ít học sinh đăng ký. Phần lớn phụ huynh, học sinh chỉ đến tìm hiểu thông tin, hỏi học phí, nhưng chưa đăng ký. Chị Nga ở Trung tâm bồi dưỡng văn hóa Thăng Long (phố Chùa Bộc, quận Đống Đa) cũng cho biết: “Những năm trước, học sinh đến đăng ký đông, trung tâm phải tổ chức kiểm tra xét tuyển đầu vào. Thế nhưng năm nay, học sinh nào đến cũng được nhận vào học vì lớp vắng”.

Thậm chí, để thu hút học viên, nhiều trung tâm treo pa-nô, băng-rôn “Học thử miễn phí”, “Cơ hội thử sức lần cuối”,“Lớp học chất lượng cao - Giáo viên uy tín”, “Giải đề thi THPT quốc gia 2015”... nhưng vẫn rất ít học sinh đến đăng ký ôn thi.

Để bù lỗ những ngày “mất mùa” tuyển sinh, các trung tâm đều tăng giá các giờ học hoặc tổ chức học ghép hai ca/buổi học. Lò luyện thi Trường đại học Sư phạm Hà Nội, trung tâm luyện thi Thăng Long, trung tâm luyện thi Bình Du (ngõ 175 phố Xuân Thuỷ, Cầu Giấy)... thu từ 50 nghìn đến 70 nghìn đồng/ca học từ 1 giờ 30 phút đến 2 giờ. Những năm trước, mỗi ca học chỉ mất khoảng 25 đến 30.000 đồng.

Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và đổi mới công tác tuyển sinh vào đại học, cao đẳng đã tác động nhiều đến học sinh. Em Nguyễn Văn Hinh ở huyện Yên Phong (Bắc Ninh) cho biết: “Ôn thi ở các lò luyện rất khó tập trung bởi lớp mất trật tự. Có thể các thầy, cô dạy giỏi, nhưng các thầy, cô không thể nắm được học lực của học sinh vì lớp quá đông”.

Chưa kể, nếu học ôn tại Hà Nội, ngoài học phí, các học sinh ngoại tỉnh còn phải trả tiền thuê nhà, phí sinh hoạt hằng ngày, cho nên phần lớn các em quyết định đăng ký học tại trường kết hợp việc tự làm đề thi ở nhà để chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới. Em Lê Bích Hiền, học sinh Trường THPT Trần Phú, Hà Nội chia sẻ, bên cạnh việc học tại trường, em chọn phương thức tự ôn trực tuyến qua mạng in-tơ-nét. Mỗi buổi tối, Hiền dành ra 90 phút để truy cập những trang như onthi. com, hocmai. vn, thaytro. vn, dethi. com... cập nhật những đề thi và dạng bài làm mới nhất. “Bài, đề thi trên mạng khá đa dạng, em có thể lựa chọn mức độ khó, dễ khác nhau, làm xong có thể so sánh đáp án. Phương pháp học trực tuyến không chỉ tiết kiệm được thời gian và chi phí mà còn giúp em chủ động hơn trong việc học”, Hiền vui vẻ nói.

Lý giải về việc học sinh không còn mặn mà với các trung tâm luyện thi cấp tốc, cô Nhu Hương (Giáo viên Trường THPT Đống Đa, Hà Nội) cho biết, đề thi đại học, cao đẳng ngày càng bám sát chương trình học phổ thông. Hơn nữa, hình thức thi trắc nghiệm ở một số môn cũng buộc các học sinh phải ôn luyện toàn diện và đổi mới phương thức ôn tập. Do đó, hầu hết học sinh lớp 12 đều ôn thi ngay tại trường và tập trung tự học ở nhà. “Năm nay, thời gian thi đại học cũng lùi lại một tháng so với những năm trước, các em có nhiều thời gian hơn để sắp xếp lịch ôn thi. Kiến thức thi đại học không phải bỗng dưng có thể “ngấm” được trong nửa tháng, một tháng ở các lò luyện thi cấp tốc. Việc luyện thi rất cần thiết và quan trọng nhưng để “vượt vũ môn” thành công, các em cần xác định đúng năng lực học tập của mình, lựa chọn hình thức học ôn phù hợp, quan trọng nhất vẫn là phải có ý thức tự ôn luyện tại nhà”, cô Hương nhấn mạnh.