Hà Nội một góc nhìn

Linh hồn của gốm

Bao năm rồi, cha mẹ tôi và nhiều nghệ nhân Bát Tràng gồng gánh ước mơ làm nên những bình gốm diệu kỳ. Nhờ bàn tay, khối óc, những giọt mồ hôi, những khối đất vô tri được thổi luồng sinh khí, được nhào nặn và nung trong lửa nóng, thành những tác phẩm nghệ thuật.

Ðất nước ta có biết bao làng gốm với những nghệ nhân tài hoa như Chu Ðậu, Phù Lãng, Thổ Hà, Hương Canh, rồi gốm Chăm... Nặn gốm là một nghệ thuật độc đáo và người làm gốm "nói" bằng những gương mặt gốm. Nói bằng tác phẩm. Quê hương Bát Tràng đã đi vào thơ, nhạc, họa của Thủ đô. Có một bài thơ từ thời học lớp ba, trong sách Tiếng Việt (bộ cũ), tôi vẫn hằng nhớ Hài hòa đường nét hoa văn/ Dáng em, dáng của nghệ nhân Bát Tràng... Bài thơ khiến mỗi người dân Bát Tràng đều thấy thân thương, thêm yêu nghề, yêu người quê mình.

Cha tôi đã về với tổ tiên. Mẹ thay cha cõng anh em tôi đi tiếp chặng đường còn lại. Ðôi bàn tay chai sần của mẹ hằn nỗi nhọc nhằn và những lo toan, nhưng đượm tình yêu thương dành cho gốm. Ðằng sau những họa tiết uyển chuyển trên gốm sứ Bát Tràng, ít ai biết vẻ đẹp sinh động ấy thấm mồ hôi của những "họa sĩ nhí" như chúng tôi. Ngày nay, nhiều em nhỏ vào những xưởng chế tác gốm để được truyền nghề, giọt mồ hôi chảy dài trên gương mặt đầy hoài bão và hy vọng. Các em say sưa tiếp nối nghề của cha ông. Ðể được làm thợ vẽ cũng phải qua đào tạo bài bản hẳn hoi. Trong số những thiếu niên đến Bát Tràng học nghề, tôi rất ấn tượng với em Dũng. Ðôi bàn tay thô ráp của em cầm cây cọ cũng khéo léo lắm. Dũng vừa kết thúc khóa học, ra làm được gần hai tháng. Bố mẹ Dũng thì đi đội than thuê. Công việc giúp Dũng có hơn hai triệu đồng, cuối tháng góp chung với bố mẹ, chỉ đủ rau dưa. Bao nhiêu bè bạn cùng trang lứa với Dũng đều buổi sáng lóc cóc trên chiếc xe đạp vượt gần chục cây số men con đê đến làng gốm làm và học nghề, buổi chiều lại lần lượt trở về. Con đường chữ nghĩa không rộng mở với em, con đường trở về với ruộng đồng ngày một hẹp hơn, Dũng bám vào cái triền đê, bám vào làng nghề truyền thống. Có những đứa trẻ coi triền đê là nơi sẽ thổi lên cánh diều mang bao ước nguyện tuổi thơ. Nhưng cũng có em bám vào cái nghiệp thợ vẽ, ngày ngày qua lại trên triền đê để chắt chiu kiếm sống.

Ai bảo gốm không có thân phận, không có nước mắt và vẻ đẹp linh diệu. Vì gốm là sản phẩm của con người, do con người sáng tạo. Gốm không những là hàng hóa, mà còn là một sản phẩm văn hóa. Vì vậy, tôi sẽ thương lấy những thân phận gốm, đang lao đao trong thời kinh tế thị trường, để phát huy những nét đẹp vốn có của truyền thống cha ông.

Mẹ tôi từng nói, mẹ cũng giống như chiếc bình gốm cổ, rồi sẽ có lúc bị xếp gọn vào một góc phòng, bị thời gian bao phủ. Nhưng tôi biết, mẹ là linh hồn của chúng tôi, là linh hồn của gốm. Mẹ như bao nghệ nhân của làng đã truyền cho lớp cháu con nghị lực, truyền cho con sức mạnh để đưa tiếng tăm của gốm vươn xa hơn.