Lan tỏa nét ứng xử đẹp

Sau hai năm triển khai hai bộ Quy tắc ứng xử, tại Hà Nội không chỉ xuất hiện những tập thể, cán bộ có nhiều việc làm thiết thực, hiệu quả, mà nhiều người dân bình dị cũng tích cực tham gia tuyên truyền, với mong muốn ứng xử trong cộng đồng trở nên nhân văn hơn.

Tổ dân phố Xuân Nhang 1 (phường Xuân Ðỉnh, quận Bắc Từ Liêm) là địa bàn mới từ làng lên phố. Người dân nơi đây vẫn giữ được những nét văn hóa ứng xử đẹp của làng quê, nhưng cũng có những nếp sinh hoạt còn mang tính tùy tiện, chưa thích hợp với cuộc sống văn minh đô thị. Việc triển khai Quy tắc ứng xử nơi công cộng đã góp phần điều chỉnh những hành vi ứng xử của người dân, xây dựng nếp sống văn minh. Chỉ một thời gian ngắn sau khi UBND thành phố Hà Nội ban hành, Quy tắc ứng xử nơi công cộng đã "về" tới Tổ dân phố Xuân Nhang 1. Bà Ðỗ Thị Tỵ không phải là cán bộ, nhưng người dân thấy bà xông xáo với công việc tuyên truyền, vận động mọi người. Bà Tỵ cho biết: "Dù chỉ là người dân bình thường, nhưng khi tìm hiểu Quy tắc ứng xử nơi công cộng, tôi rất tâm đắc với các nội dung mà thành phố ban hành. Bởi vậy tôi tình nguyện cùng các bác cán bộ Tổ dân phố tuyên truyền đến mọi người". Bà Tỵ cùng một số chị em phụ nữ tình nguyện phô-tô-cóp-py tài liệu tuyên truyền về thực hiện Quy tắc ứng xử. Tổ dân phố Xuân Nhang 1 có hơn 600 hộ dân, bà Tỵ trực tiếp đến hơn một nửa số hộ gia đình để gửi tờ rơi về Quy tắc ứng xử nơi công cộng, vận động các gia đình hãy đọc kỹ và ghi nhớ để thực hiện thật tốt.

Sau hai năm UBND thành phố Hà Nội ban hành Quy tắc ứng xử nơi công cộng, mặc dù sự chuyển biến chưa thật sự đồng bộ, song đã xuất hiện nhiều tấm gương trong triển khai thực hiện, không chỉ trong hàng ngũ cán bộ mà cả trong nhân dân. Thôn Thượng Phúc (xã Bắc Hồng, huyện Ðông Anh) là một điển hình. Triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng, nhận thức của cộng đồng dân cư có nhiều đổi thay. Mọi người chú ý gìn giữ không gian công cộng và có ý thức cải tạo môi trường, không gian xanh, sạch đẹp hơn. Thôn đã dành quỹ đất 1,1 ha để xây dựng khu quần thể văn hóa cộng đồng, trong đó gồm nhiều hạng mục như: nhà văn hóa, sân vận động, trường mầm non, bãi đỗ xe… với hệ thống chiếu sáng đồng bộ, hiện đại. Trong quần thể đó, chính quyền, nhân dân đã góp sức xây dựng tiểu công viên cây xanh. Ngoài ra, toàn thôn có 3 km đường hoa, 80% cổng các gia đình có hoa, cây xanh. Người dân bỏ rác đúng giờ quy định, hạn chế vứt rác bừa bãi, tích cực bóc xóa quảng cáo, rao vặt.

Ðối với Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan trực thuộc thành phố, hiệu quả của việc thực hiện Quy tắc cũng bắt đầu từ những "hạt nhân", nhất là những cán bộ, hay những đơn vị trực tiếp tiếp xúc với nhân dân. Triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử, Bộ phận một cửa của Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội đã nâng cao chất lượng phục vụ. Năm 2018 mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) đạt tỷ lệ 100%. Cán bộ của bộ phận còn tham mưu xây dựng các văn bản để đơn giản hóa, cải cách TTHC. Nổi bật trong đó là những sáng kiến của kiến trúc sư Vũ Ðức Duy, chuyên viên Bộ phận một cửa. Kiến trúc sư Vũ Ðức Duy đã có sáng kiến lập phiếu hướng dẫn TTHC một lần với đầy đủ các nội dung thành phần hồ sơ để tổ chức, công dân đối chiếu, so sánh, rút gọn thành phần hồ sơ đối với TTHC đã được cấp Giấy phép quy hoạch, tổ chức tự động thông báo khi có kết quả TTHC bằng tin nhắn và e-mail… Các cải tiến này góp phần tạo điều kiện thuận lợi, cũng như tiết giảm về chi phí, thời gian cho tổ chức, công dân; đồng thời xây dựng cơ quan ngày càng phát triển.

Công tác ở cấp phường, xã có những phức tạp riêng, khi người dân thường hay thắc mắc về giải quyết các thủ tục. Việc thực hiện Quy tắc ứng xử khiến các cán bộ thay đổi thái độ khi tiếp xúc nhân dân, ngay cả khi người dân có nhiều thắc mắc cần giải đáp. Cán bộ tư pháp - hộ tịch phường Thanh Xuân Nam (quận Thanh Xuân) Nguyễn Ðoàn Khánh Chi là tấm gương tận tụy với công việc. Ngoài việc thực hiện tốt các Quy tắc ứng xử, khi UBND thành phố Hà Nội triển khai phần mềm dịch vụ công ba cấp, Khánh Chi đã chủ động hệ thống hóa dữ liệu hộ tịch vào phần mềm.

Những tấm gương điển hình trong thực hiện Quy tắc ứng xử đang trở thành công cụ hữu hiệu để điều chỉnh lời nói, việc làm của cán bộ, nhân dân. Thực tế cho thấy, hai bộ Quy tắc ứng xử đang lan tỏa trong cộng đồng, góp phần hình thành những nếp ứng xử đẹp, từng bước xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.