Ký ức xưa qua phiên chợ Tết

Thời nay, người nội trợ chỉ cần bỏ ra vài giờ đi siêu thị là đã có đủ cái Tết. Nhưng nhiều người vẫn tìm đến những phiên chợ Tết vùng ven đô. Không chỉ để mua sắm những thứ quà quê, mà là để hưởng cái không khí náo nức khi Xuân đã cận kề. Ở đó, người ta được gặp lại những bà cụ bỏm bẻm nhai trầu bên quầy hàng, bên những nải chuối, quả bưởi; người ta thấy những chị, những mẹ tất tả chở thùng hoa, rau... do chính mình làm ra, vẫn còn đẫm hơi sương.

Một phiên chợ Nủa (xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất) ngày cuối năm.
Một phiên chợ Nủa (xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất) ngày cuối năm.

Khu vực nội thành Hà Nội hiện nay rất nhiều siêu thị, trung tâm mua sắm. Nhiều gia đình đến tận ngày 28, 29 Tết mới thủng thẳng vào siêu thị, độ hơn một giờ là đã đủ đầy tất cả hàng hóa cho cái Tết. Nếu bận quá, chỉ cần gọi điện thoại, hay vào mạng, là bánh chưng, gà luộc, cành đào… được đem đến tận nhà. Nhưng khi năm cũ cạn ngày, khi thời gian bắt đầu được nhẩm tính bằng lịch âm, nhiều người lại lên lịch để đi chợ phiên. Hà Nội vẫn còn những chợ phiên ở vùng ven đô. Chị Nguyễn Thị Hòa (khu tập thể Kim Liên, quận Ðống Ða) đang chuẩn bị đi chợ ngoại thành. Chị bảo: "Ở địa bàn huyện Ðông Anh, lớn nhất phải kể đến chợ Sa ở xã Cổ Loa, chợ Tó ở xã Uy Nỗ. Mỗi tháng chợ họp sáu phiên. Vào phiên chợ cuối cùng trong năm, không chỉ có các hộ kinh doanh, mà người dân khắp vùng đem những đặc sản tự tay họ làm ra đến bán để lấy tiền sắm Tết. Ði chợ những ngày ấy thật sự là "chơi chợ", mọi người đều vui. Vì vậy hầu như năm nào tôi cũng đi chợ phiên dịp cuối năm".

Nếu như mạn phía bắc thành phố có chợ Sa, chợ Tó, chợ Dâu… (huyện Ðông Anh), chợ Thanh Nhàn (huyện Sóc Sơn), thì xứ Ðoài nổi tiếng có những chợ Nủa (huyện Thạch Thất), chợ Cao (huyện Thanh Oai), chợ Gối (huyện Ðan Phượng), chợ Phủ (huyện Quốc Oai)… vẫn đều đặn họp hai phiên mỗi tuần theo lịch cũ. Có những khu chợ được xây dựng khang trang, nhưng phần nhiều vẫn là những căn lều dựng tạm giữa bốn bề gió bấc như chợ Nủa, chợ Sa… Hàng quán được bày ra tạm bợ, hết phiên là trả lại bãi đất trống. Nhưng ở đó, cái chất quê khiến người ta thấy ấm lòng… Hai phiên cuối cùng của năm Mậu Tuất ở chợ Sa họp vào ngày 21, 26 tháng Chạp, ngay trên đường vào khu di tích Cổ Loa. Những bó lá dong được bày ra. Người bán hàng vừa ngồi bán lá dong, vừa chẻ lạt. Cái ống giang quanh đi quanh lại đã biến thành những bó lạt, mỏng tang để gói bánh chưng ăn Tết. Cách đó một quãng không xa, người ta đựng gạo nếp vào những cái nồi gang to để bán. Những vốc gạo nếp được bốc lên, hít hà, gạo chảy qua kẽ tay, còn đọng lại cái mùi hương thơm đồng nội. Các bà các chị vây quanh hàng lá dong, gạo nếp. Miến dong, mộc nhĩ, măng khô, nấm hương… cũng được các sạp hàng bày ra một cách thịnh soạn hơn những ngày thường… Cái lạ của chợ Sa là ai đi chợ dịp cuối năm cũng ăn quà, dù già hay trẻ. Người dân địa phương bảo đấy là tục lệ. Người ta mặc cả lao xao, người ta í ới thăm nom nhau chuyện ngày Tết, dù người bán, kẻ mua là những người dưng. Nhưng ở quê là thế. Nó thành thói quen, là câu chuyện làm quà. Nó khiến người bán, người mua như gần gũi hơn, khi thời khắc quan trọng nhất của một năm đang đến gần. Trong siêu thị cũng không thiếu các món đồ quê. Nhưng cái tương tác giữa kẻ bán người mua như thế, là cái không gì thay thế được.

Chợ phiên ngoại thành là dịp hiếm hoi người mua gặp được những người tự tay làm ra sản vật, như ở chợ Nủa, chợ Phủ hay chợ Cao... Nhìn hàng là biết ngay người. Ở hàng buôn, các mặt hàng từ hoa quả, cho đến gà qué, nom đều tăm tắp, mỡ màng. Còn sản vật do người dân làm ra, chuối, bưởi quả lớn, quả bé, gà qué con to, con nhỏ lẫn lộn. Ðôi khi, câu nói thách cũng có phần ngượng nghịu. Có những bà cụ bỏm bẻm nhai trầu ngồi bên gánh hàng đôi ba nải chuối, dăm quả bưởi; những chị, những mẹ tất tả chở đến dăm con gà, đôi ngan mà gia đình đã tự tay chăm sóc… Người đi chợ bỗng nhận ra, hình như trong những con người ấy, có bóng dáng người thân của mình thuở nào. Và có những vật dụng mà nhiều người lâu lắm mới được nhìn thấy, đó là rổ rá, đơm đó, giỏ, lờ, nơm, giành, sọt... được đan bằng tre, bằng nứa. Có những tiếng gà quang quác mổ nhau, có những tiếng đôi co mặc cả - những âm thanh hỗn tạp, mà ở thời khắc này, lại thấy bồi hồi.

Phần lớn không gian nội thành Hà Nội đều chuyển dịch "từ làng lên phố". Dù ở Hà Nội đến mấy đời, nhưng hầu như ai cũng có gốc gác từ một làng quê nào đó. Dường như vì thế mà khi cuộc sống ngày càng hiện đại, đủ đầy, nhu cầu tìm về cội nguồn ngày một lớn hơn. Vào những ngày giáp Tết này, trên mạng, giới trẻ cũng í ới rủ nhau "lập team" (lập đội) để khám phá những phiên chợ Tết. Rất nhanh chóng, những hình ảnh chợ quê được tung lên mạng xã hội, với rất nhiều lời bình. Bỗng nhiên, thấy dường như chúng ta quá lo lắng về việc giới trẻ xa rời nguồn cội. Giới trẻ vẫn nhớ đến truyền thống, nhưng theo một cách khác để rồi, những nét văn hóa truyền thống nghìn đời nay, vẫn được trao truyền, gửi gắm tới mai sau…