Khi Quy tắc ứng xử đi vào cuộc sống

Sau một năm thành phố Hà Nội triển khai Quy tắc ứng xử (QTƯX) dành cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và QTƯX nơi công cộng dành cho du khách khi đến Thủ đô, tại phần lớn các cơ quan, công sở, di tích lớn trên địa bàn đều có chuyển biến. Tuy nhiên, tại một số địa điểm công cộng khác, việc thực hiện vẫn còn bất cập.

Một tiết mục trong Hội thi Tuyên truyền về Quy tắc ứng xử của ngành giáo dục quận Hoàn Kiếm.
Một tiết mục trong Hội thi Tuyên truyền về Quy tắc ứng xử của ngành giáo dục quận Hoàn Kiếm.

Những chuyển biến đáng mừng

Chị Nguyễn Thu Hiền đến UBND phường Lê Ðại Hành (quận Hai Bà Trưng) để giải quyết một số thủ tục hành chính. Chị khá ngạc nhiên khi được tiếp đón chu đáo, hướng dẫn nhiệt tình: "Cảm giác khi đến làm việc tại các cơ quan chính quyền bây giờ khác hẳn trước kia. Cán bộ giao tiếp, ăn mặc nghiêm túc, thái độ ứng xử hòa nhã, dễ chịu. Ðây là kết quả của việc triển khai QTƯX dành cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trực thuộc các cơ quan trên địa bàn thành phố thời gian qua. Ngay sau khi UBND thành phố ban hành QTƯX, 20 phường của quận Hai Bà Trưng xây dựng kế hoạch thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính, đổi mới lề lối, phong cách làm việc, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ; chú trọng thái độ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là với cán bộ ở những bộ phận hay tiếp xúc với người dân.

Tùy vào điều kiện mà các sở, ngành, các đơn vị có những biện pháp triển khai khác nhau. Tất cả các cơ quan trực thuộc thành phố đều tổ chức quán triệt, ký cam kết thực hiện QTƯX đến người lao động. Hầu hết các cơ quan, đơn vị, các bệnh viện, trường học đều dán bảng in nội dung thực hiện Quy tắc tại nơi mọi người dễ thấy, dễ nhìn. Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Tô Văn Ðộng, việc treo Quy tắc vừa để nhắc nhở cán bộ, công chức, viên chức, vừa để người dân có điều kiện giám sát. Một số quận, huyện tổ chức các cuộc thi tuyên truyền về thực hiện QTƯX như: Hoàn Kiếm, Long Biên, Ba Ðình, Bắc Từ Liêm, Ðông Anh… Nội dung được lồng ghép vào các tiết mục văn nghệ khiến cả người thi lẫn người xem dễ nhớ, dễ thuộc. Cùng với đó là tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng. Sở Văn hóa và Thể thao đã in 10.000 sổ tay QTƯX phát tới các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã.

Ðối với QTƯX nơi công cộng, Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp các cơ quan chú trọng tuyên truyền, vận động nhân dân. Ðổi thay dễ thấy nhất là tại các địa chỉ văn hóa. Trước đây, tình trạng khách du lịch ăn mặc phản cảm khi đến các di tích khá phổ biến, nhất là vào mùa hè. Nhưng hiện tại, các di tích lớn như: Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Nhà tù Hỏa Lò, đền Ngọc Sơn… đều gắn biển nêu nội dung QTƯX nơi công cộng, đồng thời cho khách mượn trang phục phù hợp để vào thăm di tích. Tại các bảo tàng, thư viện…, QTƯX khiến khách tham quan có ý thức hơn trong giữ gìn trật tự, vệ sinh công cộng.

Cần những giải pháp quyết liệt, lâu dài

Qua một năm triển khai, theo đánh giá của lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, việc triển khai QTƯX dành cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trực thuộc các cơ quan trên địa bàn thành phố có nhiều thuận lợi, do các cơ quan gắn với trách nhiệm của cán bộ, công chức, gắn với công tác thi đua, khen thưởng, kỷ luật cuối năm. Nhưng việc triển khai QTƯX tại nơi công cộng còn gặp nhiều khó khăn. Mặc dù thành phố đã phát hành 20.000 sổ tay QTƯX nơi công cộng; lồng ghép thực hiện QTƯX trong Tháng hành động về môi trường, Tháng hành động an toàn thực phẩm, triển khai đợt cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông; tổ chức cuộc thi ảnh báo chí "Người Hà Nội ứng xử văn minh, thanh lịch năm 2017"; phối hợp Thành đoàn Hà Nội tuyên truyền về QTƯX; tổ chức "Tọa đàm Thanh niên Thủ đô - ứng xử văn hóa, hành động văn minh" nhằm giữ gìn vệ sinh môi trường, nếp sống văn minh đô thị, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh… song hiệu quả còn hạn chế.

Tại các địa điểm công cộng như: Bảo tàng, di tích, nhà văn hóa, thư viện… không gian thường hẹp và có người quản lý, những vi phạm thường được nhắc nhở kịp thời. Nhưng tại những không gian rộng như công viên, vườn hoa, bến xe, vỉa hè, lòng đường… việc thực hiện rất khó khăn, do không có lực lượng chức năng thường xuyên nhắc nhở, cho nên vi phạm còn phổ biến. Một thí dụ điển hình là khu vực hồ Hoàn Kiếm. Những dịp cuối tuần, vẫn xuất hiện những thanh niên ăn mặc hở hang. Tình trạng giẫm đạp lên thảm cỏ, bồn hoa, xả rác bừa bãi dễ thấy trong dịp cuối tuần khi thành phố tổ chức không gian đi bộ. Vào dịp lễ, Tết, khi thành phố tổ chức bắn pháo hoa, không gian hồ Hoàn Kiếm trở nên tan hoang do người tham gia thiếu ý thức. Khi mới triển khai, đại diện Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội - cơ quan thường trực thực hiện hai QTƯX cho biết sẽ phê bình những đối tượng vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng, nhưng đến nay, hầu như chưa trường hợp nào bị "bêu danh".

Thực tế này cho thấy câu chuyện xây dựng văn hóa ứng xử đòi hỏi sự kiên trì, những biện pháp quyết liệt hơn. Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Tô Văn Ðộng cho biết: "Thời gian tới, ngành văn hóa sẽ phối hợp các cơ quan lồng ghép nội dung Quy tắc vào chương trình ngoại khóa ở các cấp học phổ thông, tuyên truyền cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng; tại các bến xe, nhà ga, trên xe buýt, xe khách... Ðể tăng cường hiệu quả, thành phố sẽ lồng ghép nội dung thực hiện QTƯX vào nội dung phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Song song với đó, sẽ nêu gương những tấm gương tốt, tổ chức khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, phê bình những cá nhân có thái độ, hành vi ứng xử trái với QTƯX nơi công cộng, có hình thức xử lý kịp thời với những cá nhân cố tình vi phạm".