Khắc phục tình trạng lãng phí đất nông nghiệp ở Thanh Oai

Là huyện thuần nông, có diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn, đất đai màu mỡ, nhưng thời gian gần đây, tại huyện Thanh Oai xảy ra tình trạng nông dân bỏ hoang ruộng không gieo cấy, ảnh hưởng cơ cấu sản xuất và gây lãng phí nguồn lực đất đai.

Xây dựng đường giao thông nội đồng ở xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai (Hà Nội). Ảnh: MINH PHÚ
Xây dựng đường giao thông nội đồng ở xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai (Hà Nội). Ảnh: MINH PHÚ

Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, những năm qua, huyện Thanh Oai đã thực hiện dồn điền, đổi thửa được hơn 5.100 ha đất sản xuất nông nghiệp, tiếp đó tiến hành chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên gần 1.300 ha. Trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao; vùng trồng cây ăn quả đặc sản. Ðồng thời, huyện cũng tập trung xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp. Ðến nay, tất cả các tuyến đường trục liên thôn, liên xã, thôn, xóm, giao thông nội đồng được đầu tư, cải tạo; hệ thống thủy lợi được cải tạo, nâng cấp, cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất và phục vụ dân sinh. Thanh Oai có 17 xã trong số 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người hơn 40 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hóa trên địa bàn huyện diễn ra nhanh chóng với sự ra đời của nhiều khu đô thị lớn được đầu tư khang trang, hiện đại như Thanh Hà A, Thanh Hà B, Mỹ Hưng...

Tuy nhiên, quá trình phát triển đô thị quá "nóng" đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp. Ðáng chú ý là tình trạng người dân bỏ hoang đất nông nghiệp ngày càng tăng. Ông Nguyễn Xuân Thủy, người dân xã Liên Châu, huyện Thanh Oai cho biết: Mỗi sào ruộng dù được đầu tư trồng giống lúa chất lượng cao, nông dân dày công chăm sóc, nhưng năng suất không thể cao do hệ thống thủy lợi bị phá vỡ bởi các dự án xây dựng đô thị, tình trạng ô nhiễm nguồn nước tưới ngày càng trầm trọng. Thu nhập từ trồng lúa thấp cho nên không khuyến khích được người dân gắn bó với sản xuất. Còn ông Nguyễn Văn Bình, người dân thôn Úc Lý, xã Thanh Văn, huyện Thanh Oai cho biết, gia đình có bốn người con, nhưng không ai theo làm nông nghiệp tại quê nhà, mà đều vào khu vực nội thành làm ăn. Nhất là từ ngày các khu đô thị mọc lên thì chuột, sâu bọ cũng phát triển hơn trước, phá hoại gây thiệt hại lớn cho mùa màng của người dân. Gia đình ông có ba sào ruộng nhưng không thể trồng lúa do thủy lợi không thuận lợi. Ông đã chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng bưởi, nhưng cũng không hiệu quả do mỗi khi có mưa lớn, vườn cây thường xuyên bị ngập úng, khi nắng lên quả rụng rất nhiều.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tình trạng người dân bỏ ruộng còn diễn ra tại nhiều địa phương khác trên địa bàn huyện Thanh Oai, nhất là những khu vực nằm sát các khu đô thị. Trong tổng số hơn 8.200 ha đất nông nghiệp, trong đó chủ yếu là diện tích cấy lúa và trồng cây màu, có hơn 300 ha đất bị bỏ hoang. Cùng với đó, năng suất lúa thấp, như vụ xuân vừa qua chỉ đạt khoảng 50 tạ/ha, trong khi bình quân của thành phố hơn 62 tạ/ha, đã khiến người dân không mặn mà với cây lúa. Tổng diện tích gieo cấy vụ mùa chỉ còn hơn 7.000 ha. Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến việc người dân bỏ hoang ruộng là do đất đai vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún. Sản xuất nông nghiệp lạc hậu và hệ thống thủy lợi hạn chế dẫn đến hiệu quả từ sản xuất nông nghiệp không cao.

Mới đây, tại hội nghị tổng kết tình hình sản xuất nông nghiệp sáu tháng đầu năm, đại diện Ban Chỉ đạo Chương trình số 02 của Thành ủy Hà Nội về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân đã đánh giá: Huyện Thanh Oai có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp, nhưng việc triển khai Chương trình số 02 còn chậm trễ. Sản xuất nông nghiệp còn manh mún, lạc hậu, hiệu quả kinh tế chưa cao. Ðời sống của người dân được cải thiện, nhưng thu nhập chưa cao. Tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch thấp. Vệ sinh môi trường nông thôn còn nhiều hạn chế. Ba xã chưa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới là Thanh Mai, Bích Hòa và Cao Viên còn thiếu nhiều tiêu chí quan trọng như trường học, giao thông, vệ sinh môi trường. Ðáng chú ý, việc người dân bỏ hoang hơn 300 ha ruộng đất không chỉ ảnh hưởng đến sự ổn định trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp, đời sống xã hội, tác động đến tâm lý người dân ở khu vực nông thôn, mà còn khiến đất đai màu mỡ bị hoang hóa, gây lãng phí trong việc sử dụng quỹ đất nông nghiệp.

Để sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện nông thôn mới, nâng cao đời sống người dân, huyện Thanh Oai cần huy động hệ thống chính trị quyết liệt vào cuộc, tìm ra các giải pháp khắc phục, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, đẩy nhanh tiến độ, hiệu quả thực hiện Chương trình số 02 của Thành ủy. Phấn đấu đưa ba xã còn lại được công nhận xã nông thôn mới trong năm nay và tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí ở những xã đã đạt chuẩn nông thôn mới. Trước mắt, các cấp, ngành của huyện cần tích cực vào cuộc vận động, hướng dẫn và hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp; đồng thời đầu tư cải tạo hệ kênh mương thủy lợi thuận lợi cho sản xuất để người dân không bỏ hoang ruộng đất, yên tâm đầu tư phát triển sản xuất.