Kết quả từ những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư

Bài 2: Đồng hành cùng doanh nghiệp

Góp phần đạt được những kết quả ấn tượng trong thu hút đầu tư trong thời gian qua, không thể không nói đến sự nỗ lực của chính quyền TP Hà Nội. Cải cách hành chính, đổi mới công tác xúc tiến và thu hút đầu tư một cách có định hướng, chọn lọc là những giải pháp mà Hà Nội đã và đang triển khai mạnh mẽ.

Cán bộ Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội hướng dẫn người dân giải quyết thủ tục hành chính.
Cán bộ Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội hướng dẫn người dân giải quyết thủ tục hành chính.

Tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư

Trong quá trình tìm hiểu, triển khai đầu tư vào TP Hà Nội, các nhà đầu tư, doanh nghiệp đã nhận được nhiều sự hỗ trợ, tạo điều kiện để tiến độ triển khai được nhanh chóng, hiệu quả. Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Sở đã xây dựng kế hoạch thu hút đầu tư, trong đó xác định rõ mục tiêu, cách thức triển khai cụ thể về từng nhóm dự án như dự án sử dụng vốn đầu tư công, dự án kêu gọi đầu tư trong nước, dự án kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài...

Đồng thời, tham mưu thành phố chủ động cung cấp thông tin về cơ hội đầu tư đến các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, nhất là qua các hội nghị trao đổi, hợp tác xúc tiến đầu tư như Hội nghị hợp tác xúc tiến đầu tư Hà Nội và Nhật Bản; Hội nghị gặp gỡ Hà Nội - I-ta-li-a; Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Pháp,…

Cùng với đó là những cuộc tiếp đón, làm việc với từng đoàn doanh nghiệp, nhà đầu tư. Chỉ tính riêng năm 2019, lãnh đạo thành phố đã tiếp đón gần 150 đoàn doanh nghiệp tìm hiểu về môi trường đầu tư của Hà Nội.

Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch Hà Nội Nguyễn Gia Phương cho biết, thành phố đã kiện toàn tổ chức bộ máy thực hiện công tác xúc tiến đầu tư, phân định trách nhiệm giữa cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan thực hiện hoạt động xúc tiến. Chủ động xúc tiến đầu tư, nhưng thành phố không thu hút dàn trải, mà có trọng tâm, trọng điểm, hướng đến các nhà đầu tư lớn trên thế giới, các công ty đa quốc gia có tiềm lực, kinh nghiệm mang tính đột phá trong lĩnh vực cần thu hút đầu tư. Đồng thời, tạo ra các cơ hội để nhà đầu tư khác khai thác mạng lưới kinh doanh và quan hệ đối tác rộng lớn của họ khi đầu tư vào thành phố. Khi các nhà đầu tư thực hiện thủ tục hành chính được các sở, ngành hỗ trợ cao nhất, bố trí cán bộ hướng dẫn trực tiếp. Thành phố cũng chỉ đạo các đơn vị liên tục rà soát để nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư, kịp thời báo cáo UBND thành phố có biện pháp tháo gỡ, giải quyết cho nhà đầu tư, sớm đưa dự án vào triển khai thực hiện.

Công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư có nhiều chuyển biến tích cực, đạt kết quả tốt, nhận được sự đánh giá cao của cộng đồng doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Đến nay, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4 của thành phố đã đạt hơn 80%. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng đạt 100%, tỷ lệ doanh nghiệp khai thuế qua mạng đạt gần 100%. Hà Nội đã trở thành một trong 10 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất. Chỉ số PCI năm 2018 xếp thứ chín cả nước, tăng bốn bậc so với năm 2017.

Thu hút đầu tư vào những lĩnh vực quan trọng

Bên cạnh những kết quả đạt được thì hoạt động thu hút đầu tư của Hà Nội còn đang gặp phải không ít những khó khăn, vướng mắc, nhất là trong việc thu hút đầu tư vào những lĩnh vực như nông nghiệp, môi trường, hoạt động công ích... Nhiều doanh nghiệp cho rằng, dù thủ tục hành chính đã có nhiều cải cách nhưng vẫn đang thiếu sự thống nhất trong hệ thống văn bản pháp luật. Các quy định trong các lĩnh vực như đất đai, hải quan còn chồng chéo, thiếu rõ ràng, nhiều thủ tục... khiến doanh nghiệp mất nhiều thời gian thực hiện.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền thừa nhận, quy mô vốn đầu tư các dự án đầu tư nước ngoài FDI còn khá thấp, vẫn tồn tại hiện tượng giao dịch liên kết, chuyển giá trốn thuế, người nước ngoài đầu tư “chui”, đầu tư “núp bóng” tại địa phương. Hoạt động chuyển giao công nghệ sản xuất, kinh nghiệm quản lý chưa hiệu quả. Bên cạnh đó, số dự án công nghệ cao và hoạt động chuyển giao công nghệ chưa nhiều, chưa thể hiện các hiệu ứng, kết quả rõ nét. Tỷ lệ doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu và phát triển còn ít.

Mục tiêu phát triển của TP Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 là xây dựng Thủ đô phát triển bền vững, có hệ thống cơ sở hạ tầng xã hội và kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, phát triển hài hòa giữa văn hóa, bảo tồn di sản, di tích lịch sử với phát triển kinh tế...

Để đạt mục tiêu này, thành phố đã xác định một số ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp với xu hướng phát triển chung, có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân và khai thác được các lợi thế của Thủ đô. Đó là phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ và hiện đại; phát triển các khu đô thị thông minh, hạ tầng cấp nước, thoát nước, môi trường... Các lĩnh vực dịch vụ có mức độ giá trị gia tăng cao, mang lại cơ hội cho người lao động nâng cao thu nhập và phát triển kỹ năng như: dịch vụ công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, du lịch, giáo dục đào tạo, y tế - chăm sóc sức khỏe, logistics; trung tâm tài chính; trung tâm nghiên cứu và phát triển; trung tâm công nghệ của quốc gia và khu vực; đầu tư phát triển công nghiệp sạch…

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, để tiếp tục là điểm sáng về thu hút đầu tư và phát huy hiệu quả nguồn lực quý giá này, Hà Nội tiếp tục kiên định mục tiêu lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đồng hành cùng doanh nghiệp...

Từ đó, xây dựng các giải pháp, chương trình, kế hoạch... và nỗ lực triển khai thực hiện để cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp một cách hiệu quả, đóng góp tích cực vào sự phát triển của Thủ đô và đất nước.

(*) Xem Trang Hà Nội, Báo Nhân Dân từ số ra ngày 10-12-2019.