Ðịnh hướng phát triển Thủ đô trong tương lai

(Tiếp theo) (*) 

Bài 2: Ðầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng hiện đại

 

Trước yêu cầu xây dựng Thủ đô giàu, đẹp, văn minh, hiện đại, đáp ứng nhu cầu hội nhập, TP Hà Nội xác định công tác quy hoạch phải đi trước một bước, huy động tối đa mọi nguồn lực, tạo bước đột phá về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Diện mạo Thủ đô ngày càng khang trang, hiện đại. Ảnh: Duy Linh
Diện mạo Thủ đô ngày càng khang trang, hiện đại. Ảnh: Duy Linh

Quy hoạch đi trước một bước

Trong vòng 10 năm trở lại đây, diện mạo Thủ đô có nhiều thay đổi theo hướng khang trang, hiện đại, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Song sự phát triển mạnh mẽ đặt ra không ít thách thức cho Thủ đô, nhất là trong công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, sự quá tải của hệ thống hạ tầng đô thị trước tốc độ gia tăng dân số nhanh. Khắc phục những bất cập này, Dự thảo Báo cáo chính trị trình Ðại hội Ðảng bộ TP Hà Nội lần thứ 17 xác định, tập trung đổi mới và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị theo hướng thông minh, xanh và bền vững.

Thành phố sẽ xây dựng Quy hoạch phát triển TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (theo Luật Quy hoạch năm 2017). Rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 để Hà Nội sớm trở thành đô thị hoạt động hiệu quả, bền vững, có tính cạnh tranh cao so với trong nước và khu vực. Hàng loạt quy hoạch quan trọng sẽ được hoàn thành như quy hoạch phân khu, quy hoạch hai bên bờ sông Hồng; quy hoạch không gian ngầm; khớp nối đồng bộ quy hoạch khu vực nông thôn và khu vực đô thị; xây dựng các quy chế, quy định quản lý quy hoạch kiến trúc đối với các khu vực hành lang xanh, vành đai xanh. Ðối với khu vực đô thị trung tâm, sẽ tăng cường lập thiết kế đô thị, cải tạo, chỉnh trang và quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường, chú trọng các tuyến đường cải tạo, mở rộng theo quy hoạch…

Ðề cập đến lĩnh vực quy hoạch phát triển Thủ đô, Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Tường Văn khẳng định, đây là nhiệm vụ quan trọng vì việc lập quy hoạch và phát triển quy hoạch một cách có kế hoạch, có ý nghĩa chiến lược lâu dài. Trong đánh giá của Dự thảo Báo cáo chính trị đã nêu rõ có bao nhiêu quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, nhưng chưa đề cập tới kế hoạch thực hiện. Dẫn chứng một số hạn chế trong công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch trên địa bàn Thủ đô thời gian qua, đại diện Bộ Xây dựng đề nghị, nhiệm kỳ tới thành phố cần làm tốt hơn công tác này, hạn chế thấp nhất tình trạng phá vỡ quy hoạch. Cùng quan điểm này, Thứ trưởng Tài chính Ðỗ Hoàng Anh Tuấn đánh giá, TP Hà Nội còn lúng túng trong công tác quản lý quy hoạch. Ðể nâng cao hiệu quả công tác này, thành phố cần chỉ rõ nguyên nhân đang vướng về cơ chế chính sách, thể chế, cách thức tổ chức thực hiện. 

Tạo đột phá về kết cấu hạ tầng

Cùng với việc tập trung lập các quy hoạch quan trọng, 5 năm tới, TP Hà Nội sẽ huy động tối đa mọi nguồn lực để tạo bước đột phá về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số, hạ tầng giao thông. Ðẩy mạnh đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện đại, gắn với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, tăng trưởng xanh. Thành phố sẽ triển khai mô hình chính quyền đô thị gắn với quản trị đô thị hiệu quả; ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư để hoàn thiện hệ thống quản lý và cơ sở hạ tầng đô thị, từng bước xây dựng Thủ đô trở thành thành phố thông minh.

Ðánh giá mục tiêu phát triển xanh, nhanh, bền vững được TP Hà Nội đề cập trong Dự thảo Báo cáo chính trị phù hợp với xu hướng chung của thời đại, Thứ trưởng Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh lưu ý, thành phố cần bổ sung cụ thể các chỉ tiêu của một đô thị thông minh như công nghệ số, kinh tế số trong quá trình triển khai. Hà Nội cần thu hút mạnh các nguồn lực để đầu tư xây dựng, phát triển đồng bộ và từng bước hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển ngày càng nhanh trên địa bàn. 

Trong tương lai gần, các đô thị vệ tinh Hòa Lạc, Sóc Sơn, đô thị Nhật Tân - Nội Bài, đô thị sinh thái ven sông Hồng sẽ được đầu tư đồng bộ hạ tầng kinh tế, xã hội. Nhằm kéo giãn dân cư từ đô thị trung tâm ra đô thị vệ tinh, giảm áp lực đối với khu vực đô thị trung tâm, thành phố sẽ tập trung đầu tư xây dựng đô thị vệ tinh Hòa Lạc, nơi có Ðại học Quốc gia Hà Nội, Khu công nghệ cao Hòa Lạc và Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam. Phát triển nhanh hạ tầng giao thông kết nối đô thị trung tâm với đô thị vệ tinh. Thành phố khẩn trương xây dựng các trục, điểm nhấn phát triển về tài chính, ngân hàng, thời trang, làng nghề, cảnh quan đô thị như khu vực hồ Hoàn Kiếm, đường Thanh Niên, đường Võ Nguyên Giáp, đường Võ Chí Công, trục đường Hồ Tây - Ba Vì, trục đường Phạm Văn Ðồng - Hồ Tây. Hoàn thành xây dựng, cải tạo hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ nước trên địa bàn theo quy hoạch, phấn đấu nâng diện tích cây xanh đô thị đạt từ 7,8 đến 8,1 m2/người vào năm 2025. 

Nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân 

Những năm qua, Hà Nội luôn là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về công tác an sinh xã hội, nhất là với các đối tượng chính sách, người có công. Xác định bảo đảm an sinh xã hội là nền tảng của phát triển bền vững, TP Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người đạt từ 200 đến 205 triệu đồng/người/năm; duy trì 100% xã, phường đạt chuẩn quốc gia về
y tế; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt từ 75 đến 80%; tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chuẩn của thành phố cuối nhiệm kỳ dưới 0,5%.

Ðể thực hiện mục tiêu, thành phố sẽ triển khai đồng bộ các chính sách xã hội, tập trung cho mục tiêu giảm nghèo bền vững, nâng cao phúc lợi xã hội, hướng tới phát triển bền vững, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo giữa thành thị và nông thôn. Phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, tiến tới bao phủ toàn dân, mở rộng đối tượng thuộc diện thụ hưởng chính sách, chủ động bố trí nguồn lực và tăng khả năng tiếp cận với các dịch vụ xã hội, nhất là y tế, giáo dục, dạy nghề, trợ giúp pháp lý, nhà ở. Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc trẻ em và người cao tuổi, thực hiện bình đẳng giới được chú trọng.

Thứ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà đề nghị, Dự thảo Báo cáo chính trị cần đánh giá kỹ hơn các chỉ tiêu về việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động để làm căn cứ xây dựng cho những năm tới. Ðồng chí lưu ý, Hà Nội cần quan tâm tới vấn đề an sinh, phúc lợi xã hội, nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân. Thành phố nên quan tâm thực hiện giải quyết việc làm thông qua các chương trình phát triển xã hội cụ thể, có sự gắn kết với đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm khu vực phía bắc và cả nước. Với vị thế Thủ đô, thời gian tới, thành phố nên nâng cao tỷ trọng lao động trí thức, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và tập trung giải quyết việc làm khu vực nông thôn. Nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo việc làm theo hướng mở, linh hoạt, đẩy mạnh xã hội hóa trong công tác này. 

(Còn nữa)

--------------------------------

(*) Xem Trang Hà Nội, Báo Nhân Dân từ số ra ngày 10-7-2020.