Ðiểm sáng về thu hút đầu tư

Chín tháng của năm 2019, TP Hà Nội tiếp tục là điểm sáng về thu hút đầu tư, trong đó thu hút đầu tư nước ngoài tiếp tục giữ vị trí cao nhất cả nước. Ðây là nguồn lực quan trọng để thành phố đạt được những mục tiêu phát triển mới, đồng thời, cũng là kết quả sau nhiều nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Hà Nội.

Vận hành sản xuất nước sạch tại Nhà máy nước mặt sông Đuống. Ảnh: Duy Linh
Vận hành sản xuất nước sạch tại Nhà máy nước mặt sông Đuống. Ảnh: Duy Linh

Mới đây, Tập đoàn AquaOne đã khánh thành phân kỳ 2 giai đoạn 1 Nhà máy nước mặt sông Ðuống - dự án cung cấp nước sạch sinh hoạt có quy mô lớn nhất miền bắc. Ðồng thời, vinh dự nhận bằng chứng nhận Công trình kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô cho dự án này. Với tổng diện tích 65 ha, Nhà máy nước mặt sông Ðuống có mức đầu tư giai đoạn 1 gần 5.000 tỷ đồng, hoàn toàn bằng vốn xã hội hóa, chia làm hai phân kỳ.

Trong đó, phân kỳ 2 có công suất 300 nghìn m3/ngày đêm, bảo đảm cung cấp nước sạch cho khoảng ba triệu người dân Hà Nội và một số địa phương phụ cận như tỉnh Bắc Ninh, tỉnh Hưng Yên..., từng bước thay thế việc sử dụng nguồn nước ngầm đang có nguy cơ ô nhiễm cao. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Ðức Chung đánh giá, đây là công trình tiêu biểu cho hình thức hợp tác công - tư, liên danh giữa các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Sự quyết tâm của các nhà đầu tư, sự ủng hộ của người dân đã giúp dự án về đích đúng hạn. Thành phố cam kết sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho chủ đầu tư nâng công suất nhà máy lên 600 nghìn m3/ngày đêm vào tháng 10 - 2023.

Dự án Nhà máy nước mặt sông Ðuống là một trong rất nhiều dự án thu hút đầu tư đã và đang triển khai có hiệu quả trên địa bàn Hà Nội. Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, từ đầu năm đến nay, môi trường đầu tư, kinh doanh của thành phố tiếp tục được cải thiện, thu hút đầu tư đạt kết quả cao. Tổng vốn đầu tư xã hội đạt 245,8 nghìn tỷ đồng, tăng 12,9% so cùng kỳ năm 2018. Thành phố đã phê duyệt chủ trương và điều chỉnh tăng vốn 65 dự án vốn đầu tư trong nước với tổng số vốn 34,35 nghìn tỷ đồng.

Riêng thu hút đầu tư nước ngoài của Hà Nội từ đầu năm 2019 đến nay đạt 6,23 tỷ USD, tiếp tục là địa phương dẫn đầu cả nước. Lũy kế tổng vốn FDI đăng ký của Hà Nội đạt 41,3 tỷ USD. Chín tháng đầu năm, Hà Nội cấp đăng ký kinh doanh cho 20.562 doanh nghiệp, vốn đăng ký 263,78 nghìn tỷ đồng (tăng 9% về số lượng doanh nghiệp, tăng 28% về vốn đăng ký), đưa tổng số doanh nghiệp trên địa bàn lên con số 273.734 doanh nghiệp. Như vậy, thu hút đầu tư nước ngoài trong ba năm từ 2016 đến 2018 của Hà Nội đạt khoảng 14,05 tỷ USD, bằng 66,63% cả giai đoạn 1986-2015.

Ðể đạt được kết quả nêu trên, theo Giám đốc Trung tâm xúc tiến Ðầu tư, Thương mại và Du lịch Hà Nội Nguyễn Gia Phương là do các nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của thành phố. Hà Nội đã chỉ đạo quyết liệt từ việc cải cách hành chính trong các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp như quy hoạch, đất đai, đầu tư, giải phóng mặt bằng… đến xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức thân thiện. Công tác xúc tiến đầu tư cũng được đổi mới, nhất là trong việc xác định rõ các thị trường, quốc gia trọng điểm, các tập đoàn lớn để giới thiệu các tiềm năng, lợi thế của Thủ đô. Các sở, ngành, đơn vị liên quan đã quan tâm, có trách nhiệm trong rà soát, nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của các nhà đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện để kịp thời báo cáo UBND thành phố có biện pháp tháo gỡ, giải quyết cho nhà đầu tư.

Hà Nội xác định mục tiêu phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 là xây dựng Thủ đô Hà Nội phát triển bền vững, có hệ thống hạ tầng xã hội và kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, phát triển hài hòa giữa văn hóa, bảo tồn di sản, di tích lịch sử với phát triển kinh tế... Do đó, thành phố xác định một số ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp xu hướng phát triển chung, có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân và khai thác được các lợi thế của Thủ đô. Như phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ và hiện đại; phát triển các lĩnh vực dịch vụ có mức độ giá trị gia tăng cao, mang lại cơ hội cho người lao động nâng cao thu nhập và phát triển kỹ năng như: Dịch vụ công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, du lịch, giáo dục đào tạo, y tế - chăm sóc sức khỏe, logistics…

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Ðức Chung cho biết, để đạt được các mục tiêu này, Hà Nội tiếp tục khuyến khích đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư, đầu tư trực tiếp nước ngoài thông qua việc tăng cường xúc tiến từ các quốc gia có thế mạnh. Tiếp tục chỉ đạo sát sao các sở, ngành chuyên môn rút ngắn các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư, thủ tục đền bù GPMB; đồng hành cùng nhà đầu tư trong xây dựng, lập, triển khai dự án và làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư…

Hà Nội sẽ kiên định với mục tiêu "lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ", tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đồng hành cùng doanh nghiệp. Từ đó, xây dựng các giải pháp, chương trình, kế hoạch… và nỗ lực triển khai thực hiện hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, góp phần xây dựng Thủ đô và tạo môi trường sống tốt đẹp hơn cho người dân.