Huyện Thanh Trì tập trung thực hiện các quy hoạch hạ tầng đô thị

Huyện Thanh Trì là địa phương sớm triển khai các quy hoạch, góp phần quan trọng đưa huyện về đích huyện nông thôn mới năm 2017. Tuy nhiên, để thực hiện thành công đề án phát triển thành quận vào năm 2025, huyện cần tập trung lập quy hoạch, quản lý và thực hiện tốt các quy hoạch xây dựng hạ tầng đô thị.

Hạ tầng giao thông đô thị huyện Thanh Trì được đầu tư xây dựng khang trang. Ảnh: HỮU TRƯỜNG
Hạ tầng giao thông đô thị huyện Thanh Trì được đầu tư xây dựng khang trang. Ảnh: HỮU TRƯỜNG

Huyện Thanh Trì có 15 xã và thị trấn Văn Điển, là đầu mối giao thông quan trọng, kết nối các đô thị vệ tinh, các tỉnh phía nam với nội đô Hà Nội. Từ năm 2009, UBND thành phố Hà Nội đã quy hoạch huyện Thanh Trì theo định hướng phát triển đô thị. Theo Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26-7-2011 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, huyện Thanh Trì nằm trong khu vực đô thị trung tâm mở rộng của thành phố, với định hướng là khu vực phát triển dân cư mới đồng bộ và hiện đại, các trung tâm văn hóa, dịch vụ thương mại, tài chính của vùng, quốc gia.

Thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2012 đến 2015, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo lập, thẩm định và phê duyệt sáu trên bảy quy hoạch phân khu đô thị trên địa bàn huyện Thanh Trì, gồm S4, S5, H2-3, H2-4, GS và GSA. Riêng quy hoạch phân khu R1-5 gồm ba xã vùng bãi sông Hồng (Yên Mỹ, Duyên Hà, Vạn Phúc) đang trong quá trình nghiên cứu. Ngoài ra, thành phố cũng triển khai nghiên cứu một số quy hoạch chi tiết như quy hoạch chi tiết khu trung tâm huyện tỷ lệ 1/500, quy hoạch chi tiết hai bên đường vành đai 3,5, quy hoạch chi tiết hai bên sông Tô Lịch. Nhờ đó, đến hết năm 2015, trên địa bàn huyện Thanh Trì đã cơ bản phủ kín quy hoạch phân khu đô thị… Cùng với đó, UBND huyện Thanh Trì cũng thực hiện lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch mạng lưới điểm dân cư nông thôn, quy hoạch xây dựng nông thôn mới để các xã tập trung đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội, góp phần từng bước thay đổi diện mạo nông thôn. Năm 2017, huyện Thanh Trì đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Bên cạnh những kết quả đạt được, huyện Thanh Trì đang gặp phải nhiều khó khăn, thách thức trong công tác quy hoạch. Đó là tình trạng công trình nằm trên địa giới hành chính của hai xã, hai huyện trở lên dẫn đến chồng chéo trong công tác quản lý, nhất là quản lý đất đai, trật tự xây dựng. Một số quy hoạch chi tiết được phê duyệt trước khi có quy hoạch phân khu đô thị cho nên các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển xây dựng của người dân. Thực hiện đề án phát triển lên quận, với nhiều tiêu chí đòi hỏi rất cao, trong khi nhiều chỉ tiêu trong các quy hoạch chung của huyện và quy hoạch phân khu đô thị chưa cập nhật đầy đủ, cần phải rà soát, điều chỉnh phù hợp. Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Tiến Cường đề xuất, UBND thành phố sớm tổ chức rà soát, điều chỉnh bổ sung những bất cập trong các quy hoạch phân khu, đáp ứng yêu cầu mới. Thành phố nghiên cứu lập, bổ sung các quy hoạch chuyên ngành như quy hoạch độ cao nền, quy hoạch chiếu sáng đô thị, thông tin liên lạc. Huyện Thanh Trì cũng đề nghị thành phố cho phép dừng triển khai điều chỉnh quy hoạch nông thôn mới và đồ án quy hoạch chi tiết khu trung tâm xã đang thực hiện trên địa bàn để triển khai quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 theo tiêu chí phường.

Mới đây, tại buổi giám sát của HĐND thành phố Hà Nội về việc chấp hành pháp luật trong công tác quy hoạch xây dựng tại địa bàn huyện Thanh Trì, các thành viên đoàn giám sát đều đánh giá cao công tác quy hoạch của huyện. Tuy nhiên, nhiều ý kiến chỉ rõ những hạn chế cần sớm khắc phục, nhất là những tiêu chí trở thành quận mà đến nay vẫn chưa đạt như: quy mô dân số, hạ tầng khung giao thông, tỷ lệ cây xanh đô thị, khả năng cân đối thu chi. Hạ tầng kỹ thuật còn hạn chế, thiếu đồng bộ. Tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, đất công vẫn diễn biến phức tạp. Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Nguyễn Nguyên Quân cho rằng, mặc dù theo quy định của Luật Xây dựng, nhà ở riêng lẻ khu vực nông thôn thuộc đối tượng miễn phép xây dựng, gây khó khăn trong công tác quản lý, nhưng trong điều kiện địa bàn đã cơ bản phủ kín quy hoạch, huyện cần căn cứ vào các quy hoạch để kiểm soát hoạt động xây dựng. Đối với ba xã vùng bãi chưa có quy hoạch xây dựng, ảnh hưởng đến việc triển khai các dự án đầu tư xây dựng, huyện Thanh Trì cần phối hợp với các sở, ngành sớm hoàn thiện quy hoạch, đồng thời nỗ lực đề xuất cơ quan chức năng triển khai các công trình cấp thiết phục vụ cộng đồng theo Quy hoạch phòng, chống lũ và Quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Kết luận buổi giám sát, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định, quy hoạch là tiền đề quan trọng để Thanh Trì phát triển nhanh, bền vững. Thời gian tới, huyện Thanh Trì cần tập trung lập quy hoạch, trong đó cập nhật các nội dung mới theo tiêu chí quận để lồng ghép đồng bộ vào quy hoạch. Nâng cao chất lượng các quy hoạch và tăng cường công tác quản lý, thực hiện nghiêm theo quy hoạch gắn với tăng cường quản lý đất đai, trật tự xây dựng. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án sử dụng đất, kiên quyết xử lý các dự án chậm triển khai, gây lãng phí nguồn lực đất đai theo quy định. Các sở, ngành của thành phố cần phối hợp, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để huyện Thanh Trì hoàn thành các tiêu chí quận, phấn đấu về đích sớm hơn kế hoạch từ hai đến ba năm.