Hỗ trợ kinh tế tập thể phát triển

Thời gian qua, kinh tế tập thể trên địa bàn Thủ đô có sự phát triển cả về chất và lượng, hoạt động ngày càng hiệu quả hơn, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của thành phố. Thời gian tới, thành phố tiếp tục điều chỉnh, bổ sung các chính sách mới để khuyến khích và hỗ trợ mạnh mẽ hơn đối với kinh tế tập thể, nhất là những vấn đề liên quan đất đai, tài chính.

Sơ chế rau quả tại HTX Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ). Ảnh: THÁI HIỀN
Sơ chế rau quả tại HTX Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ). Ảnh: THÁI HIỀN

Thời gian gần đây, khi người chăn nuôi lợn lao đao vì tình hình dịch tả lợn châu Phi, thì hợp tác xã (HTX) Hoàng Long (xã Tân Ước, huyện Thanh Oai) vẫn hoạt động ổn định nhờ áp dụng theo mô hình chăn nuôi an toàn sinh học. HTX đã xây dựng trang trại theo phương án nhà tầng, lắp cầu thang máy, hình thành các dãy chuồng nuôi vệ sinh sạch sẽ, hệ thống cho ăn và xử lý chất thải, nước thải được thiết kế khoa học. Mỗi ngày, chuỗi cung cấp thực phẩm AZ của HTX cho ra thị trường gần sáu tấn thịt lợn sạch và các sản phẩm từ thịt lợn như giò chả, xúc xích... có nguồn gốc rõ ràng, mang về doanh thu hơn 40 tỷ đồng/năm, tạo công việc ổn định cho 25 lao động với mức lương bình quân sáu triệu đồng/người/tháng.

Cũng chú trọng áp dụng công nghệ hiện đại và các tiêu chuẩn an toàn, từ năm 2016, được sự hướng dẫn và hỗ trợ của Liên minh HTX thành phố Hà Nội, Hội Nông dân huyện Chương Mỹ và chính quyền địa phương, HTX rau quả sạch Chúc Sơn đã được thành lập với mục tiêu xây dựng thương hiệu rau sạch Chúc Sơn. Cùng với sự hỗ trợ của các chuyên gia đến từ Nhật Bản, HTX phát triển mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, đồng thời ứng dụng hệ thống tưới tự động, hệ thống nhà giàn vào trồng rau rải vụ và phòng ngừa sâu bệnh. Đây cũng là HTX rau, củ, quả đầu tiên áp dụng công nghệ truy xuất minh bạch EGAP. Nhờ hoạt động bài bản, chuyên nghiệp, HTX rau quả sạch Chúc Sơn ngày càng phát triển, sản lượng tiêu thụ theo chuỗi đạt 775 tấn/năm, doanh thu năm 2018 đạt 11,2 tỷ đồng, thu nhập bình quân của người lao động đạt 6,5 triệu đồng/tháng.

Đây chỉ là hai trong số rất nhiều HTX, mô hình kinh tế tập thể thành công trên địa bàn thành phố. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cho biết, ngay sau khi Nghị quyết số 13-NQ/T.Ư ngày 18-3-2002 về “Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể” được ban hành, thành phố đã triển khai nhiều nghị quyết chuyên đề về kinh tế tập thể theo hướng đổi mới, nâng cao hiệu quả và nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi như đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học - kỹ thuật và công nghệ, xúc tiến thương mại, thành lập mới HTX, hỗ trợ vốn vay... Nhờ đó, số lượng HTX, liên hiệp HTX đã không ngừng tăng lên. Hiện nay, Hà Nội có gần 1.400 tổ hợp tác, 1.867 HTX và quỹ tín dụng nhân dân, dẫn đầu cả nước về số lượng. Tổng số vốn hoạt động của các HTX đạt hơn 13.500 tỷ đồng, lãi bình quân đạt 168 triệu đồng/HTX/năm, tăng 175,41% so với năm 2003. Kinh tế tập thể, HTX đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của thành phố. Nhất là trong xây dựng nông thôn mới, góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy kinh tế hộ phát triển. Nhiều HTX hoạt động hiệu quả, xây dựng được các mô hình đem lại giá trị kinh tế cao như: Hoa lan Đan Hoài, Công nghệ cao Thăng Long, Rau củ quả Hồng Thái, Dịch vụ tổng hợp Đa Tốn...

Tuy đã có sự phát triển cả về chất và lượng nhưng trên thực tế, kinh tế tập thể trên địa bàn Thủ đô vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Số lượng HTX, tổng số hộ sản xuất, kinh doanh trong khu vực kinh tế tập thể còn chiếm tỷ trọng nhỏ. So với các khu vực kinh tế khác, thu nhập bình quân của người lao động trong khu vực này còn thấp. Quy mô các HTX nhỏ, số HTX có vốn dưới năm tỷ đồng chiếm tới 76,6%. Một số HTX chậm thích nghi với cơ chế thị trường và quá trình đô thị hóa. Hoạt động kết nối cung - cầu hàng hóa còn hạn chế. Trên địa bàn thành phố còn một số HTX tồn tại trên danh nghĩa, chưa tổ chức lại theo Luật Hợp tác xã năm 2012.

Hà Nội đã xác định rõ mục tiêu tiếp tục củng cố, đổi mới và phát triển kinh tế tập thể, góp phần tích cực vào việc tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Cụ thể, đến năm 2025, thành phố phấn đấu thành lập mới khoảng từ 250 đến 300 tổ hợp tác, từ 250 đến 300 HTX, hai liên hiệp HTX; bảo đảm 100% số HTX hoạt động theo luật; 70% số HTX bảo toàn vốn, kinh doanh có lãi.

Để thực hiện mục tiêu này, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế T.Ư Cao Đức Phát nêu rõ, cần phải tiếp tục điều chỉnh, bổ sung các chính sách mới để khuyến khích và hỗ trợ mạnh mẽ hơn đối với kinh tế tập thể trong thời gian tới, nhất là những vấn đề liên quan đến đất đai, tài chính. Về phía lãnh đạo thành phố Hà Nội, đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, phải thay đổi nhận thức và tư duy, phát triển kinh tế tập thể không nhất quyết phải theo đuổi xây dựng các HTX quy mô lớn, mà có thể tập trung vào việc xây dựng quan hệ hợp tác hiệu quả, nhân lên các mô hình tổ hợp tác, HTX đã thành công; định hướng các HTX phát triển sản xuất, kinh doanh theo hướng chuỗi liên kết, có tính chuyên môn hóa cao... Các HTX cần nâng cao năng lực quản trị, chú trọng ứng dụng khoa học - công nghệ để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, tăng cường xúc tiến thương mại mở rộng thị trường, nhất là hình thành, tham gia vào các chuỗi cung ứng sản xuất, kinh doanh để bảo đảm đầu ra cho sản phẩm.