Hiệu quả từ chương trình dạy học trên truyền hình

Sau gần hai tháng nghỉ học vì dịch Covid-19, việc trở về guồng học chính thức theo hình thức học trên truyền hình khiến nhiều học sinh ở Hà Nội bỡ ngỡ. Ðể hình thức dạy học này đạt hiệu quả, các trường yêu cầu các thầy giáo, cô giáo giúp học sinh chủ động học tập, nắm được kiến thức, giải đáp cho học trò những điểm chưa rõ, chưa hiểu thông qua các phiếu bài tập sau mỗi buổi học hay các hình thức khảo sát khác.

Học sinh Hà Nội học trực tuyến qua mạng. Ảnh: MẠNH THẮNG
Học sinh Hà Nội học trực tuyến qua mạng. Ảnh: MẠNH THẮNG

Từ ngày 19-3, các em học sinh từ lớp 4 đến lớp 12 trên địa bàn TP Hà Nội bắt đầu theo dõi chương trình dạy học trên truyền hình. Qua thực tế triển khai chương trình một tuần qua, nhiều phụ huynh, giáo viên, nhà trường nhận xét, hình thức dạy học này có nhiều ưu điểm trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, nhưng vẫn không thể để cho học sinh tự học mà thiếu những đánh giá, nhắc nhở, theo sát từ nhà trường và gia đình. Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) quận Tây Hồ, Lê Hồng Vũ đánh giá: “Nếu biết khai thác thì việc dạy và học trên truyền hình sẽ đem lại hiệu quả rất lớn”. Sở dĩ như vậy vì không chỉ học sinh được tiếp thu kiến thức mới từ giáo viên có kinh nghiệm, có năng lực giảng dạy tốt từ các trường trên địa bàn thành phố, mà ngay chính giáo viên phụ trách lớp học, môn học cũng được trau dồi kỹ năng, phương pháp giảng bài. Tuy nhiên, muốn đạt được hiệu quả này, các trường phải có sự thống nhất trong cách quản lý, yêu cầu giáo viên phải bám sát từng tiết học trên truyền hình theo lịch chung của thành phố. Ông Vũ cho biết: “Tôi thường xuyên theo dõi các bài giảng trên truyền hình. Phải thú thực là nếu không tập trung thì bài giảng sẽ trôi rất nhanh, các em học sinh, nhất là học sinh tiểu học, chưa quen với hình thức này sẽ rất khó nắm bắt kiến thức, cho nên rất cần có sự nhắc nhở, hỗ trợ của thầy cô. Quận Tây Hồ đã yêu cầu các trường từ tiểu học tới THCS phải theo sát từng học sinh trong mỗi tiết học. Học trên truyền hình có đặc điểm là không thể tương tác hai chiều giữa giáo viên và học sinh, cho nên chính các thầy giáo, cô giáo ở mỗi trường phải là cầu nối để giúp học sinh chủ động học tập, nắm được kiến thức, giải đáp cho học trò của mình những điểm chưa rõ, chưa hiểu thông qua các phiếu bài tập sau mỗi buổi học hay các hình thức khảo sát khác”.

Theo chị Tô Mai Hương, phụ huynh học sinh Trường tiểu học Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng), con chị đang học lớp 5. Khi biết có việc học trên truyền hình, con khá hứng thú theo dõi lời cô giáo dặn. Tuy nhiên, có những chỗ con bị bỏ qua vì không thể ngồi nghe liên tục mà không uống nước hay thực hiện các nhu cầu khác khi học bài tại nhà. Cô Trần Thị Bích Liên, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Quốc Toản (quận Hoàn Kiếm) cho biết, để khắc phục điều này, giáo viên của trường đã chuẩn bị rất kỹ trước mỗi buổi học của các con. Giáo viên chủ nhiệm có nhiệm vụ điểm danh, đưa ra nội quy lớp học trước khi chính thức vào tiết học. Giáo viên cùng theo dõi buổi học với các con, sau buổi học sẽ có phần khảo sát mức độ thông hiểu của học sinh để nắm bắt được năng lực của các con. Các phiếu bài tập, câu hỏi tổng kết, điểm cần lưu ý trong bài sẽ được giáo viên cập nhật trên mạng xã hội Zalo. Các con cũng được giao nhiệm vụ làm bài qua hệ thống trực tuyến liên quan đến những kiến thức vừa học.

Cũng theo cô Liên, vì mới triển khai hình thức học mới, cho nên một số học sinh được bố mẹ gửi về quê với ông bà không theo được chương trình. “Tôi đã yêu cầu giáo viên thông tin rõ tới từng phụ huynh đây là chương trình chính khóa, học tập bắt buộc, cho nên các phụ huynh cần tìm cách khắc phục để bảo đảm các con mình tham gia đầy đủ chương trình. Công việc triển khai đến đâu, kết quả thế nào sẽ được các giáo viên báo cáo sau tuần học đầu tiên” - bà Liên cho biết.

Tại huyện Mỹ Ðức, thầy giáo Hoàng Ðức Mạnh, giáo viên Trường THCS Lê Thanh chia sẻ: “Ðiều kiện kinh tế của nhiều gia đình tại huyện còn khó khăn, có gia đình thậm chí còn không có ti-vi. Chúng tôi đề nghị phụ huynh tạo điều kiện, khắc phục khó khăn, cho con sang nhà bạn học cùng. Việc rèn luyện ý thức tự giác của học sinh cũng không dễ. Mặc dù giáo viên thường xuyên nhắc nhở, trao đổi với các con qua điện thoại, nhưng rõ ràng là không thể như nhắc trực tiếp trên lớp. Nếu em nào không tự giác thì sẽ học theo kiểu đối phó”. Tuy vậy, thầy Mạnh đánh giá, việc học trên truyền hình là cách học hợp lý nhất ở thời điểm này khi học sinh nghỉ học lâu dài. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng giáo viên không ngại vất vả, vẫn thường xuyên bám sát học trò, nhất là đối với học sinh lớp 9 thì càng phải có kế hoạch chi tiết để các em đủ điều kiện tốt nghiệp THCS và thi vào lớp 10.

Đến thời điểm này, Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai việc dạy học trên truyền hình tiếp nối chương trình dạy và học chương trình lớp 4, lớp 5 cấp tiểu học; lớp 6, 7, 8 và 9 cấp THCS; và lớp 10, 11, 12 cấp THPT năm học 2019 - 2020. Khi học sinh đi học trở lại, các trường sẽ tổ chức rà soát, đánh giá kết quả học tập qua in-tơ-nét, trên truyền hình, từ đó, các trường sẽ điều chỉnh kế hoạch dạy học theo hướng kế thừa những nội dung, kiến thức đã học, nhằm tối ưu thời gian và nội dung kiến thức cần tiếp tục dạy trong chương trình theo quy định.