Giữ gìn và phát huy giá trị danh hiệu Thành phố vì hòa bình

Ngày 13-7-2019, Thủ đô Hà Nội kỷ niệm 20 năm đón nhận danh hiệu ‘‘Thành phố vì hòa bình". 20 năm qua, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội luôn nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư để phát triển kinh tế, xây dựng đô thị, giữ gìn môi trường sống, thúc đẩy phát triển văn hóa, chăm lo giáo dục thế hệ trẻ, tích cực hội nhập quốc tế, nhằm không ngừng phát huy giá trị của danh hiệu cao quý này. Hà Nội là một thành phố năng động, sáng tạo trong khu vực, nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp truyền thống, đầy bản sắc.

Bài 1: Văn hóa là trung tâm của quá trình phát triển

Dù có bề d&

Lễ hội Gióng tại đền Sóc (huyện Sóc Sơn). Ảnh: Phương Anh
Lễ hội Gióng tại đền Sóc (huyện Sóc Sơn). Ảnh: Phương Anh

Hài hòa giữa bảo tồn và phát triển

Thủ đô Hà Nội đang ở tuổi 1009. Nhưng nếu nhìn xa hơn vào quá khứ, lịch sử của thành phố còn bắt đầu sớm hơn thế. Ở thành phố này, bất cứ nơi đâu, người ta cũng có thể chạm vào quá khứ. Ngoài những di tích nổi trên mặt đất, với con số khổng lồ - 5.922 di tích các loại, có những di tích, di sản mà ai cũng cảm thấy bất ngờ. Ðó là con đường Hoàng Hoa Thám, đường La Thành - dấu tích xưa của vòng thành bảo vệ Thăng Long - Hà Nội. Ðó là Ðàn Xã Tắc, nằm ngay ở nút giao Ô Chợ Dừa, một nút giao thông lớn của Thủ đô. Ðó là di chỉ Vườn Chuối - nơi có dấu tích của những cư dân đầu tiên sinh sống trên địa bàn thành phố mấy nghìn năm về trước.

Xã hội luôn vận động, phát triển. Dân số Hà Nội vào thời điểm hiện tại là hơn bảy triệu người, chưa kể vài triệu người sinh sống vãng lai. Nhu cầu phát triển là rất lớn, khi không gian đô thị ngày càng trở nên chật hẹp. Ðã có ý kiến di sản phải "nhường chỗ" cho sự phát triển, như đề xuất san đường đê La Thành để giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông. Nhưng, thành phố không đánh đổi. Dẫu chỉ là phế tích của tòa thành xưa, thì những gì cha ông để lại đều rất đáng trân quý. Cách đây ít năm, việc thi công nút giao cắt với đường Hoàng Hoa Thám phát lộ những dấu tích khảo cổ, thành phố đã đình chỉ thi công để các nhà khoa học định rõ giá trị. Cách hành xử với những di sản chưa được "đóng dấu" là di tích, di sản chính thức, giúp cho chúng ta hiểu thêm về những chính sách văn hóa đối với các di sản, di tích được công nhận ở tầm nhân loại, hay quốc gia như Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Thành cổ Cổ Loa, chùa Tây Phương, chùa Thầy...

Câu chuyện tương tự cũng diễn ra đối với những di sản văn hóa phi vật thể. Hà Nội là thành phố đi đầu trong cả nước về kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể. Gần 1.800 di sản văn hóa phi vật thể đã được nhận diện giá trị, đầu tư hoặc đề xuất các biện pháp bảo tồn. Thành phố dẫn đầu cả nước về số lượng di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Tiêu biểu trong số đó phải kể đến: Lễ hội Thánh Gióng ở xã Phù Ðổng (huyện Gia Lâm) và huyện Sóc Sơn, lễ hội Triều Khúc (huyện Thanh Trì), lễ hội đền Hát Môn (huyện Phúc Thọ), tục thờ Tản Viên Sơn Thánh (huyện Ba Vì), lễ hội kéo co ngồi ở Thạch Bàn (quận Long Biên)… Bề dày văn hóa không chỉ được gìn giữ, mà còn được bồi đắp theo tháng năm không phải ngẫu nhiên có được. Báo cáo với Ðoàn kiểm tra Trung ương làm việc với Thành ủy Hà Nội về đánh giá 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW (khóa XI) về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước" trên địa bàn thành phố Hà Nội vào tháng 4-2019, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong đã nhấn mạnh: Hà Nội luôn coi xây dựng và phát triển văn hóa, con người vừa là nhiệm vụ trước mắt, vừa là nhiệm vụ cơ bản và lâu dài. Văn hóa đang trở thành trung tâm trong chính sách phát triển của Hà Nội với quan điểm bảo đảm phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa; phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Ðiều này thể hiện một cách toàn diện thông qua những chủ trương, chính sách được ban hành, nhất là Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy về "Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh" (Chương trình số 04) thực hiện qua các nhiệm kỳ, được cụ thể hóa bằng những chương trình hành động, dự án đầu tư cho phát triển văn hóa, giáo dục.

Hướng tới "thành phố sáng tạo"

Con người ở những mảnh đất có bề dày văn hóa lịch sử thường có chiều sâu tâm hồn. Ở Hà Nội, đó là nét văn hóa ứng xử thanh lịch, văn minh đã hình thành qua quá trình phát triển lâu dài. "Nhất cao là núi Ba Vì/ Nhất thanh, nhất sắc kinh kỳ Tràng An". Ca dao xưa đã đúc kết về văn hóa người Hà Nội như thế. Dẫu cuộc sống có những đổi thay, nét đẹp văn hóa Hà Nội cũng qua những khúc thăng trầm, nhưng bất kỳ vị khách nào khi đến Hà Nội cũng cảm nhận được sự thân thiện, mến khách, được chào đón bằng những nụ cười. Sự thanh bình trong nét cổ kính còn thu hút cả những vị khách đặc biệt. Người Hà Nội tự hào với câu chuyện Tổng thống Hoa Kỳ B.Ô-ba-ma ăn bún chả tại một quán bình dân, dừng chân trò chuyện với người đi đường ở Mễ Trì (năm 2016); hay chuyện Tổng thống Pháp Ph.Ô-lăng-đơ đi bộ, bắt tay chào hỏi người dân Hà Nội rồi rẽ vào quán cà-phê trên phố cổ Hà Nội (năm 2016)… Mới đây nhất, công chúa kế vị Thụy Ðiển V.Ðê-xi-rê cũng ghé vào một quán ăn bình dân trên phố Kim Mã Thượng để thưởng thức món bún bò. Những câu chuyện tưởng như giản dị, nhưng đã thể hiện Hà Nội là một thành phố thân thiện và thanh bình.

Truyền thống thanh lịch, văn minh được thành phố coi là một di sản quý và cần phát huy trong cuộc sống đương đại. Trong Chương trình số 04, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh được xem là nội dung trọng yếu. Thành phố đã có nhiều hoạt động khác nhau trong xây dựng văn hóa người Hà Nội. Ðó là việc xây dựng các mô hình Gia đình văn hóa, Làng văn hóa, Tổ dân phố văn hóa trong cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; các tổ chức chính trị xã hội như: Hội Phụ nữ, Ðoàn Thanh niên cũng có các chương trình xây dựng văn hóa thanh niên, văn hóa thương mại, văn minh công sở… Ðặc biệt, từ năm 2017, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội và Quy tắc ứng xử nơi công cộng. Hai quy tắc ứng xử đã tạo những chuyển biến lớn trong văn hóa ứng xử, góp phần phát huy nét đẹp thanh lịch, văn minh trong thời kỳ hiện đại. Và chính văn hóa Hà Nội, từ di sản vật thể, phi vật thể cho đến văn hóa ứng xử đang trở thành nguồn lực để thu hút ngày một nhiều khách du lịch trong nước, quốc tế đến Thủ đô.

Kể từ ngày được trao tặng danh hiệu Thành phố vì hòa bình, công tác phát triển văn hóa, giáo dục càng được thành phố quan tâm, đầu tư một cách đồng bộ, giúp văn hóa Hà Nội có những bước chuyển biến rõ rệt. Từ danh hiệu Thành phố vì hòa bình, Hà Nội đang tiếp tục có những chương trình phát triển đầu tư về văn hóa để tiến tới được công nhận là "Thành phố sáng tạo" - một danh hiệu cao quý của UNESCO dành cho những thành phố năng động, giàu bản sắc văn hóa, có công nghiệp văn hóa, sáng tạo phát triển trên thế giới.

(Còn nữa)